Công ty TNHH Minh Trung (KCN Lương Sơn) đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Hòa Bình với sản phẩm mũi nhọn là cháo sen bát bảo Minh Trung
(HBĐT) - Đó là khẳng định của ông Đinh Văn Vượng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khi trao đổi về những diễn biến quan trọng trong tình hình thu hút đầu tư (THĐT) của tỉnh thời gian qua. Theo ông Đinh Văn Vượng, với quan điểm “coi doanh nghiệp là đối tác”, tỉnh ta đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư để tạo nhiều thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết kết quả nổi bật trong tình hình THĐT 6 tháng đầu năm 2010?
Ông Đinh Văn Vượng: 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án trong nước được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký khoảng 1.943 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2009, số dự án tăng 80%, số vốn đăng ký tăng 38%. Như vậy, tính đến hết tháng 6/2010, toàn tỉnh có 269 dự án đầu tư, trong đó 20 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 90 triệu USD và 249 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 17.858 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, đã có 148 DN và chi nhánh đăng ký thành lập mới, nâng tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên 1.586 DN, tổng vốn đăng ký là 90 triệu và 12.290 tỷ đồng.
PV: Kết quả đó tiếp tục khẳng định môi trường kinh doanh của tỉnh ta đang được cải thiện và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình hình triển khai các dự án?
Ông Đinh Văn Vượng: Nếu phân theo lĩnh vực, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 131 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 48,7% tổng số dự án. Còn lại đầu tư vào các lĩnh vực du lịch – dịch vụ, trồng rừng, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, khai thác chế biến khoáng sản, hạ tầng công nghiệp, nông nghiệp… Huyện Lương Sơn và thành phố Hoà Bình là hai địa bàn thu hút được nhiều dự án nhất. Trong đó, huyện Lương Sơn có 90 dự án (chiếm 33,5%) và thành phố Hoà Bình có 56 dự án (chiếm 20,8%).
Đến nay, có 91 dự án (chiếm 33,8%) đã hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, có 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 76,8 triệu USD và 77 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 4.479 tỷ đồng. Các dự án đã giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Ngoài ra, có 78 dự án đang xây dựng các hạng mục đầu tư, 75 dự án đang thực hiện thủ tục về đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng, còn lại là các dự án đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
PV: Như vậy, số dự án chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đang chiếm tỷ lệ cao. Điều này có đồng nghĩa với việc tỉnh ta đang phải đối mặt với tình trạng dự án “treo”, dự án “rùa” không, thưa ông?
Ông Đinh Văn Vượng: Tôi không cho rằng như thế. Mặc dù hiện nay đang có 22 dự án (tỷ lệ 8,2%) gặp vướng mắc và 75 dự án (tỷ lệ 27,9%) chưa hoàn tất các thủ tục về đất đai. Nhìn chung, các dự án triển khai chậm chủ yếu do “vướng” đền bù giải phóng mặt bằng. Tôi lấy ví dụ: Tổng diện tích đất các dự án đăng ký sử dụng khoảng 24.000 ha, nhưng đến nay mới thoả thuận, đền bù được khoảng 5.600 ha, bằng 23% diện tích đất đăng ký. Qua phản hồi của chủ đầu tư, lâu và khó nhất trong quá trình triển khai dự án là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Bởi phần lớn các dự án đều thực hiện đền bù qua hình thức DN tự thoả thuận với người dân, do đó rất phức tạp và mất nhiều thời gian, thậm chí có một số trường hợp đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn làm khó DN. Thực tế là công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang làm “nghẽn” tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến kết quả THĐT chung của tỉnh.
PV: Bàn về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN khi lựa chọn đầu tư tại Hoà Bình, có những điểm nghẽn nào cần tháo gỡ, theo ông?
Ông Đinh Văn Vượng: Có nhiều nguyên nhân khiến môi trường đầu tư tại Hoà Bình chưa thực sự hấp dẫn, ví dụ như cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính rườm rà phức tạp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa tạo được quỹ đất “sạch”… Đây đồng thời cũng là những điểm nghẽn gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN khi lựa chọn đầu tư tại Hoà Bình.
Với quan điểm đồng hành cùng DN, coi DN và nhà đầu tư là đối tác cần được trợ giúp, thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện mạnh mẽ một số giải pháp với ưu tiên hàng đầu là cải thiện môi trường đầu tư. Một là, sẽ xây dựng và bổ sung các loại quy hoạch, làm căn cứ để THĐT đồng bộ và hiệu quả hơn. Hai là, khai thác các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội, tạo tiền đề vật chất thuận lợi để THĐT. Ba là, tích cực thực hiện cải cách hành chính để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho DN; đồng thời tăng cường đối thoại với DN để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện dự án một cách kịp thời và hữu hiệu nhất. Bốn là, quan tâm hơn nữa đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, lồng ghép vào đó những nội dung cơ bản của Luật DN, Luật lao động, điều lệ công ty… để lao động nông thôn có được nhận thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp. Năm là, vừa thực hiện tốt chính sách ưu đãi THĐT vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư và chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trên, tôi tin rằng trong những năm tới môi trường đầu tư của tỉnh sẽ có những cải thiện đáng kể, quá trình THĐT sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh./.
PV Xin cảm ơn ông !
Thu Trang
(Thực hiện)
Ngày 25/7 tại Siem Reap, Campuchia, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả một năm hoạt động xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Campuchia
Mục tiêu quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng cho Nhà nước. Song đến nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa (CPH) gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và những bất cập từ cơ chế.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, có những thời điểm việc tiết giảm điện đã làm cho không ít các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng nhờ chỉ đạo của các cấp, ngành cùng sự điều hành ưu tiên điện cho sản xuất, tính đến cuối tháng 6/2010, giá trị công nghiệp của tỉnh vẫn được đánh giá là tăng trưởng khá, giá trị công nghiệp đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng 28,2%. Trong đó, khối các doanh nghiệp xuất khẩu đạt con số ấn tượng, tăng 47,9% so cùng kỳ.
(HBĐT) - Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 công trình thuỷ lợi được xây dựng kiên cố; 468 bai, đập tạm do nhân dân tự làm. Qua kiểm tra, khảo sát trước mùa mưa bão có 110 công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa để đảm bảo an toàn và phục vụ sản xuất. Trong đó có 71 hồ chứa, 27 bai dâng, 1 trạm bơm và 11 công trình khác.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp đưa lãi suất huy động xuống còn 10%, lãi suất cho vay xuống 12% như chỉ đạo của Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lãi suất giảm mạnh sẽ khó có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 7 chỉ tăng 0,06%. Tính chung 7 tháng, lạm phát tăng 4,84% so với cuối năm 2009.