Nhiều lao động ở xã Dân Hòa có thu nhập ổn định từ nghề làm chổi chít.
(HBĐT) - 5.307/18.769 người trong độ tuổi lao động không có việc làm. Đó là con số mà phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn vừa thống kê. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện không tuyển được công nhân. Người lao động ở khu vực nông thôn vẫn còn nông nhàn. Chất lượng nguồn nhân lực thấp được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng thất nghiệp và hiệu quả sản xuất chưa cao.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp
Đầu tháng 7/2010, chúng tôi đến Công ty CP chế biến lâm sản xuất khẩu Sơn Thủy tại xã Dân Hòa. Công ty có 3 xưởng sản xuất xẻ - sấy – tinh chế. Ông Nguyễn Xuân Thủy, GĐ Công ty cho biết: Hiện nay, Công ty có 150 lao động làm việc, còn đang thiếu khoảng 80 lao động. Công ty chỉ sản xuất được 1 ca. Công ty rất quan tâm và tạo thuận lợi cho lao động là người địa phương, nhất là những hộ bị thu hồi đất vào làm việc nhưng cũng chỉ tuyển được 40 người. Nguyên nhân do nhiều người địa phương chưa có tác phong, ý thức làm việc công nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của Công ty. Họ quen lao động tự do nên khi vào làm việc theo dây chuyền, quy định nghiêm ngặt thì chán nản, bỏ việc. Mức lương trung bình 1,6 – 1,8 triệu đồng/tháng cũng không đủ sức níu chân họ mặc dù nếu đi lao động tự do ở ngoài bập bõm hôm có hôm không. Theo quy định, lao động làm từ 25 công trở lên mới được xếp loại A, nhưng thực tế họ chỉ làm 18 – 20 công hoặc ít hơn. Nhất là dịp cuối năm, công nhân “bận” đi ăn cỗ nên cũng thưa đến nhà xưởng, ảnh hưởng lớn đến hợp đồng giao hàng. Đó là chưa kể, Công ty phải đào tạo nghề tại chỗ cho công nhân bởi hầu hết lúc mới vào họ chưa có tay nghề. Nếu tuyển được đội ngũ lao động đã qua học nghề mộc, công ty giảm hẳn được thời gian đào tạo, tập trung cho sản xuất thì năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn. Công ty cũng sẽ nâng được mức lương cho công nhân cũng như không tốn nhiều kinh phí xây dựng nhà ở cho 80 người nơi khác đến làm việc như hiện nay.
Không riêng Công ty Sơn Thủy mà 1 số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trên địa bàn huyện cũng khó khăn trong tuyển lao động địa phương. Theo điều tra mới nhất của Phòng LĐ-TB&XH huyện, Kỳ Sơn hiện có 18.769 người trong độ tuổi lao động. Trong đó có 13.462 người có việc làm, còn 5.307 người không có việc làm. Số người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo cũng dừng lại ở con số 1.820. Hầu hết người lao động ở khu vực nông thôn chưa có việc làm thường xuyên tại chỗ, thời gian nông nhàn nhiều. Ngay trong nghề sản xuất nông-lâm nghiệp cũng chưa có mô hình qui mô, hiện đại. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, tìm hiểu thị trường còn chậm và hạn chế. Các xã hầu như không có nghề phụ, nhiều lao động phải bỏ quê đi làm ăn xa, nhưng chủ yếu vẫn là lao động tự do, phổ thông, không ổn định.
Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực nông thôn
Theo thống kê, toàn huyện có gần 4.000 người mong muốn được dạy nghề thường xuyên, đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề. Trong đó có 352 người mong muốn được dạy nghề theo hình thức kèm cặp, 742 người học tập trung, 3.130 người muốn cả hai hình thức trên với số nghề đăng ký lên đến 105 nghề. Tuy nhiên, đến nay Kỳ Sơn là huyện cuối cùng trong tỉnh chưa xây dựng được trung trâm dạy nghề mặc dù đã được phê duyệt nguồn nguốn dự kiến 30 tỉ.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Nâng cao chất lượng nguồn lao động là yếu tố quan trọng nhất trong giải quyết việc làm. Không chỉ nâng cao tay nghề cho lao động vào làm việc trong doanh nghiệp mà cũng cần dạy cho nông dân biết cách làm nghề nông sao cho đạt được hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, giáo dục ý thức làm việc khoa học, tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, do huyện chưa có trung tâm dạy nghề, nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp dạy nghề hiện phải mượn nhà văn hoá tại các xã hoặc trụ sở một số cơ quan. Học viên không có nơi để thực hành. Thiết bị phục vụ thực hành cũng phải mượn Trung tâm dạy nghề tỉnh và mất công tháo lắp vận chuyển xuống huyện.
Để khắc phục những khó khăn đó, huyện đã có những giải pháp như phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khảo sát nhu cầu tuyển lao động để có kế hoạch đào tạo sát thực tế. Giáo viên của huyện phối hợp với chính công ty giảng dạy cho lao động. Sau khoá học, học viên sẽ được làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đó hoặc sản phẩm làm ra sẽ được nhận bao tiêu. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu đăng kí đào tạo của lao động, huyện mời giáo viên dạy các nghề phù hợp với tình hình địa phương. Trong đó, ưu tiên những lao động ở khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp hoặc những nơi sắp bị thu hồi. Từ đầu năm đến ngay, huyện đã mở được 6 lớp dạy các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, làm chổi chít. Bên cạnh đó, nông dân cũng được học cách trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng tiến bộ KHKT. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở nông thôn vừa sản xuất đạt hiệu quả vừa có nghề phụ, tạo thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Điều đó khẳng định, họ có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mà không phải bỏ ruộng, vườn đi làm ăn ở những nơi khác. Để nâng cao số lượng cũng như chất lượng đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, huyện đang tích cực tìm quỹ đất để xây dựng trung tâm dạy nghề.
Cẩm Lệ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Có 11 trường hợp được hoàn thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại Nghị định này.
Trên thế giới, đến nay không nhiều quốc gia mà Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm như Thăng Long - Hà Nội. Gần như liên tục, mười thế kỷ, Thăng Long - Hà Nội là kinh đô - thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính của đất nước. Thời gian ấy, vai trò ấy khiến Thăng Long - Hà Nội, như một lẽ tự nhiên, thật sự trở thành trái tim của Việt Nam.
(HBĐT) - Đó là kế hoạch vốn đã được UBND tỉnh thông qua nhằm đảm bảo triển khai tốt chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
(HBĐT) - Dự án xi măng Hòa Bình do Công ty TNHH Xuân Mai làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư giai đoạn I trên 700 tỷ đồng, công suất thiết kế 1500 tấn lanker/ngày đêm, được khởi công từ cuối tháng 3-2009. Công ty TNHH Xuân Mai đặt mục tiêu chạy thử vào tháng 6/2010 và hoạt động trong tháng 8/2010. Tuy nhiên, do bị cắt điện liên tục trong thời gian qua, cùng với việc thiếu nguồn điện ổn định, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.
(HBĐT) - Theo Sở LĐ-TBXH, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 60.000 lao động làm việc trong 1.721 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Thị trường xuất khẩu hàng dệt may đang thuận lợi, đơn hàng sản xuất tăng trưởng dương không chỉ góp phần đưa xuất khẩu dệt may về đích 10,5 tỷ USD trong năm nay, mà nhiều khả năng doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam cũng có lợi thế trong đàm phán tăng giá bán với nhà nhập khẩu (NNK).