Đằng sau tình trạng khai thác tận diệt khoáng sản, ngoài thất thoát tài nguyên, thiệt hại kinh tế, hệ quả để lại là môi trường bị tàn phá, đời sống người dân địa phương phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật và oằn mình gánh chịu nhiều hệ lụy để lại.
Kết quả thanh tra của Bộ TN-MT về tình hình chế biến, khai thác khoáng sản (KTKS) trên cả nước cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) khi đã được phê duyệt dự án lại đầu tư chậm hoặc không làm tốt công tác bảo vệ vùng nguyên liệu. Thêm vào đó, nhiều tổ chức, DN sản xuất chế biến gần khu dân cư, không có ý thức bảo vệ môi trường, công tác khôi phục môi trường sau khai thác chưa tốt nên môi trường ở một số nơi bị ô nhiễm nặng. Hậu quả là tình trạng loạn KTKS đang gây tác hại khôn lường ở nhiều nơi.
“Hễ địa phương nào có khoáng sản, môi trường xuống cấp cực nhanh. Trong khi kinh tế địa phương đó càng nghèo đi thì lại có những thứ phát triển rất nhanh, xuất hiện hàng loạt như: tệ nạn mại dâm, ma túy…” - một cán bộ trong đoàn thanh tra của Bộ TN-MT nhấn mạnh.
Khảo sát của Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tại khu vực mỏ sắt xã Tân Pheo (Đà Bắc, Hòa Bình) cho thấy, phần lớn dân nơi đây không được cung cấp thông tin chính xác về dự án này. Họ không được tham vấn ý kiến khi DN mở rộng diện tích sản xuất và lắp đặt các dây chuyền mới. Hay tại tỉnh Cao Bằng, DN thậm chí còn được cấp phép khai thác mỏ vàng trên diện tích đất lúa, đất rừng. Khi DN khai thác, cả địa phương cũng như người dân đều không biết. Đặc biệt là các hoạt động khai thác mỏ lộ thiên như than, quặng… đang phá vỡ cân bằng sinh thái và điều kiện địa chất đã có hàng chục ngàn năm, gây ô nhiễm nặng đến môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Lài, Trung tâm Môi trường công nghiệp Viện Khoa học công nghiệp mỏ - luyện kim của Bộ Công thương, một số khu vực KTKS thường có khả năng hình thành dòng axit mỏ do chất độc tồn dư trong quặng thải. Ngoài ra, chất xyanua, xantat trong quá trình tuyển quặng đang hoành hành dữ dội tại nhiều điểm mỏ, nổi bật là hai mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) và Trà Năng (Lâm Đồng).
Đồng quan điểm này, PGS.TS Hồ Sĩ Giao, Hội Khoa học và công nghiệp mỏ Việt Nam, cho rằng, quá trình khai thác mỏ phục vụ phát triển kinh tế đã làm biến dạng môi trường xung quanh đến mức báo động. Đơn cử, điểm nóng vùng than Quảng Ninh, tuy diện tích khai thác than chỉ chiếm 2,9% diện tích toàn tỉnh, nhưng đã làm mất 750ha rừng. Bên cạnh đó, việc khai thác gỗ không đúng kỹ thuật cũng làm mất hơn 34.000ha rừng. Tác động gây hại nhất của khai thác than là chất thải gây bồi lấp hạ nguồn.
Đối với mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), các chuyên gia cảnh báo, mỏ có chứa xen kẽ các ổ quặng sunphua (trữ lượng 12 triệu tấn) có nguy cơ xuất hiện dòng chảy axit đe dọa tính đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước (biển) của khu vực. Với tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, nếu tính đầy đủ toàn dự án (6 tổ hợp khai thác), nhu cầu nước của khu vực sẽ ở tình trạng báo động. Các mỏ khai thác vật liệu xây dựng làm phát tán khí độc hại ra khu vực xung quanh, gây xơ cứng đất nông nghiệp, hủy diệt môi sinh.
Thực tế, việc KTKS diễn ra công khai, trên phạm vi toàn lãnh thổ nước ta. Do đó, các nhà quản lý không thể ngụy biện rằng, các đối tượng KTKS hoạt động quá tinh vi nên khó phát hiện, xử lý. Trái lại, hầu hết những người có trách nhiệm tại các cơ quan chức năng đều nhìn thấy rõ thực trạng đau lòng trong việc tận diệt KTKS, nhưng lại lúng túng trong tổ chức, phân cấp quản lý. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong lần trả lời báo chí mới đây cũng thừa nhận diễn biến phức tạp và sự chồng chéo trong quản lý KTKS. Từ đó, dẫn tới tình trạng cấp phép KTKS tràn lan, dự án chồng dự án.
Theo điều tra của Viện Tư vấn phát triển (CODE), tình trạng cấp phép hoạt động KTKS không theo quy hoạch, tràn lan, chia nhỏ để cấp phép hoặc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực, khai thác chưa có hồ sơ thiết kế diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Đặc biệt, nạn KTKS không phép, tự do chưa được ngăn chặn. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn liên tục bị cắt nhỏ để tiện cho việc cấp phép khai thác…
Đơn cử, tại Quảng Ninh dù đã tồn tại hàng chục năm trước nhưng ngành KTKS mới được triển khai từ năm 2008-2009 với con số khiêm tốn năm sau thấp hơn năm trước. Hiện nay, hoạt động của một mỏ KTKS do nhiều bên chịu trách nhiệm quản lý, giám sát gồm Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh thành.
Một cán bộ thuộc CODE nhận xét, do quá nhiều đơn vị cùng tham gia, nhưng không có sự thống nhất về cách thức tổ chức quản lý, mạnh ai nấy làm nên đã tạo kẽ hở buông lỏng quản lý để các tổ chức, cá nhân lợi dụng “qua mặt”. Chính vì vậy, khi xảy ra sự vụ mới có phối hợp giải quyết, nhưng đến phần quy trách nhiệm đành bỏ ngỏ.
Một nghịch lý nữa đang xảy ra với ngành KTKS hiện nay, thay vì chính quyền địa phương nơi quản lý phải biết được phạm vi trách nhiệm được giao của những mỏ trên địa bàn, nhưng họ lại không được biết, thậm chí phụ thuộc vào DN. Chuyện này được Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận: “Ở Bình Định, DN báo cáo đến đâu hay đến đó. Mang tiếng là giám sát, quản lý DN KTKS nhưng sở không biết họ khai thác bao nhiêu và trữ lượng hiện có bao nhiêu?”.
Tất cả những bất cập trên, theo Phó Viện trưởng CODE Phạm Quang Tú, nguyên nhân xuất phát từ việc thực hiện phân cấp quản lý về khoáng sản của Luật Khoáng sản hiện hành tạo ra nhiều kẽ hở, do có nhiều cơ quan tham gia nhưng thiếu cơ chế phối hợp nên hiệu quả quản lý yếu kém
Theo SGGP
Sau khi xảy ra cơn sốt gỗ sưa do giá mỗi cây gỗ sưa cả tỷ đồng, hàng ngàn nông dân khắp nơi trong cả nước đổ xô trồng cây sưa. Thậm chí, còn xuất hiện hàng trăm làng chuyên ươm cây sưa để bán. Nhưng giờ chẳng còn “say sưa” với cây sưa nữa, nông dân bỗng dưng… mắc nợ!
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cuối cùng đã trượt khỏi thương vụ mua tài sản của Tập đoàn Dầu khí Anh BP ở Việt Nam, dù PVN luôn thể hiện những thông điệp ấn tượng cho sự hiện diện của mình.
(HBĐT) - 9 tháng năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,7 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 86% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Siêu thị Elecvina vừa tổ chức bốc thăm trúng thưởng và trao giải bằng hiện vật cho 27 khách hàng trúng thưởng.
(HBĐT) - Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp với tình hình của địa phương và cơ chế sản xuất hàng hoá, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, huyện Kim Bôi đã xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể từng năm và từng giai đoạn mà trọng tâm là Đề án phát triển nông, lâm nghiệp giai đoạn 2005-2010. Sau hơn 4 năm, Đề án trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả triển khai đã nhận được sự ủng hộ của các hộ nông dân và đạt được nhiều kết quả khả quan.
(HBĐT) - Đến hết tháng 9/2010, toàn huyện Lạc Thuỷ có 262 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó, có 217 trang trại hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 500 lao động địa phương.