"Thấy tôi lớn tuổi còn đăng ký vào học ở ĐH Nông lâm, có bạn trẻ nói, tụi con đang làm việc nhưng cơ quan bắt đi học đang ngán muốn chết mà chú lại tự nguyện xin đi học... Nhưng chính đám dưa hấu, khoai lang bắt mình đi học đấy chứ", anh Ba Hạo kể.

 

Bà con nông dân Kiên Giang quen gọi anh Đỗ Quý Hạo hay Ba Hạo là "Vua khoai lang", bởi tên anh đã nhiều lần được xướng lên trong các lễ trao giải Sao Thần nông, Điển hình sáng tạo Việt Nam... nhờ sáng kiến chế tạo máy thu hoạch khoai lang, máy lên luống tự động bón phân thay thế cho 200 nhân công/ngày...

"Vua khoai lang" cũng sở hữu một website riêng tự tay anh chăm sóc mỗi ngày để quảng bá thương hiệu và phổ biến kiến thức cho bà con.

Chuyện về ý chí không lùi bước trước khó khăn của người nông dân mới học đến lớp 7 nhưng tự mày mò học từ xa ba trường đại học về nông lâm, marketing, kỹ năng đàm phán, quản trị kinh doanh... nên vừa rành chuyện làm nông vừa thạo việc buôn bán, lại có nhiều phát kiến khoa học hữu ích đã thực sự "truyền lửa" cho các đại biểu về dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII. Cái tên "Ba Hạo" được nhiều người nhắc đến ngoài hành lang với lòng khâm phục.

Làm gì cũng phải học

Hai mươi năm trước, anh Ba Hạo chỉ là một nông dân tay trắng, xoay xở cách mấy trên mảnh ruộng thì cũng trong cảnh "giật gấu vá vai". Được mùa cũng chẳng lời lãi là bao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng thành tích của anh Đỗ Quý Hạo tại Đại hội thi đua yêu nước. Ảnh: TTXVN

Sau nhiều thử nghiệm, thất bại, suy đi tính lại, anh nhận ra điểm yếu  lớn nhất của mình là "thiếu kiến thức". Vì thế, dẫu có đầu tắt mặt tối lam lũ thì vẫn trong cảnh chân lấm tay bùn. "Làm gì cũng phải học, đó là chân lý", anh Hạo thức tỉnh.

Ban đầu, anh mua sách giáo khoa toán, hóa, sinh từ lớp 8 đến lớp 12 mày mò tự học. Chỗ nào không hiểu lại đi hỏi thầy giáo của các con.

Dành dụm được bao nhiêu tiền, anh Ba Hạo "đổ" hết vào sách. Ban đầu là những cuốn sách ứng dụng khoa học kỹ thuật thuần túy. Về sau, anh cất công lên tận các nhà sách ở Cần Thơ, Sài Gòn để tìm thêm tư liệu. Ban ngày xuống ruộng, đêm đến lại đốt đèn dầu chui vào mùng ngồi nghiên cứu sách khoa học kỹ thuật...

Những vụ mùa thất bát càng khiến anh Ba Hạo thêm quyết tâm vượt qua các rào cản, tuổi cao, văn hóa thấp, sống ở vùng sâu vùng xa, rồi áp lực công việc đồng áng hàng ngày.

Xong được chương trình phổ thông, anh tìm cách xin học dự thính ở Đại học Cần Thơ. Từ một lần rụt rè mang mẫu bệnh ở cây  dưa hấu lên phòng thí nghiệm nhờ chẩn bệnh, về sau, anh Ba Hạo thường xuyên giữ liên lạc với các thầy cô ở trường này.

Gần 10 năm, từ 1996 - 2005, anh Hạo đã đến học dự thính ở phòng thí nghiệm bộ môn bảo vệ thực vật cùng với nhiều sinh viên khác.

Có được "lưng vốn" kiến thức kha khá rồi, anh bắt đầu mạnh dạn tìm đến với các giáo sư, nhà khoa học.

"Tôi gây thiện cảm bằng cách sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành, nên các thầy cũng bớt thời gian diễn giải kiến thức mà dành để tiếp chuyện tôi nhiều hơn".

Anh Ba Hạo cũng nhớ mãi những kỷ niệm với GS.TS Nguyễn Công Hào (Trung tâm khoa học tự nhiên công nghệ quốc gia), người đã tư vấn cho anh lập phòng thí nghiệm riêng tại nhà.

Nhiều sáng kiến hợp tác với GS Hào đã mang lại kết quả bất ngờ.

"Gặp được nhiều thầy, áp dụng được nhiều sáng kiến khoa học rồi, về sau tôi lại mạnh dạn tìm đến các cơ quan như Viện khoa học miền Nam, Trung tâm khuyến nông Kiên Giang, Đại học An Giang, Sở Nông nghiệp TP HCM", anh Hạo chia sẻ.

Nhiều loại máy móc mang thương hiệu Ba Hạo đã được bà con "nhân bản".

Anh nông dân "ham học hỏi" bắt đầu tích lũy thêm kiến thức kinh doanh để nắm bắt và đón đầu thị trường.

"Tôi đang lấp khoảng trống"

Có vị đại biểu Kiên Giang cùng trong đoàn chiến sĩ thi đua yêu nước ra dự Đại hội cùng anh Ba Hạo đã khẳng định, việc anh Ba chọn cây khoai lang là rất "thời thượng" bởi thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, có thể làm ăn quy mô lớn.

Nhãn hiệu "Khoai lang Ba Hạo" cũng được anh đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và được anh quảng bá trên website riêng.

"Được tư vấn, tôi mạnh dạn đi theo chiến lược kinh doanh Đại Dương Xanh. Tôi đang tìm tòi và lấp khoảng trống trong thị trường, vô hiệu hóa cạnh tranh, biến đối thủ thành đối tác", anh Ba Hạo chia sẻ ý tưởng.

Vậy là, mỗi khi vào vụ mới, anh Ba Hạo dành thời gian tham khảo nghiên cứu góp ý của đối tác, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh để lên chiến lược, họp cả trang trại cùng bàn bạc rồi sau đó mới bắt tay làm.

Số tiền 6 tỷ đồng vay ngân hàng được anh Ba Hạo tận dụng đầu tư nhà xưởng, máy móc. Trang trại của anh cung cấp đều đặn khoai xuất khẩu hàng năm.

Nay thì vườn sưu tập của anh Ba Hạo có tới 26 loại khác nhau. Để chữa trị bệnh, anh lập thư viện với cả ngàn đầu sách và mở phòng thí nghiệm. Xưởng cơ khí của anh chế tạo các thiết bị chuyên dụng mang thương hiệu "BH".

"Sắp tới, tôi dự tính đầu tư khai thác thêm mảng du lịch, hướng tới khách nước ngoài và các bạn trẻ thành phố. Khách đến trang trại Ba Hạo sẽ được tự tay trồng khoai lang, nhận biết các giống khoai khác nhau, thưởng thức các món ăn chế biến từ khoai lang và mua khoai lang về làm quà... Tôi đang bảo mấy nhỏ đi học thêm tiếng Anh và tiếng Nhật", anh Ba Hạo hoan hỉ.

Hỏi về triết lý sống, không hô hào khẩu hiệu về cái tâm hay cái thiện, "Vua khoai lang" cười mộc mạc: "Mọi người dù ở lứa tuổi nào, làm việc gì, hãy trang bị cho mình kiến thức khoa học để công việc thành công”.

                                                             Theo VietNamNet

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục