Sản phẩm thổ cẩm được người dân Mường Bi (Tân Lạc) sử dụng trong các dịp lễ hội.

Sản phẩm thổ cẩm được người dân Mường Bi (Tân Lạc) sử dụng trong các dịp lễ hội.

(HBĐT) - Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc hình thành và phát triển hàng trăm năm như một phần không thể tách rời của lịch sử đất Mường Hòa Bình. Với quyết tâm khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, huyện Tân Lạc nói chung và xã Đông Lai nói riêng đã vận động người dân phát triển lại nghề này, đồng thời, hỗ trợ người dân trong học nghề thông qua các dự án của Nhà nước và tổ chức phi quốc tế. Đến nay, toàn xã hiện có hơn 300 khung dệt và 16/18 xóm đều có các nhóm dệt.

 

Chị Bùi Thị Mia ở xóm Cọi 1, cho biết: Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của đồng bào Mường có từ lâu đời. Đây là sản phẩm chủ yếu để tạo nên các trang phục cho thành viên trong gia đình. Theo tập quán truyền thống của đồng bào Mường, con gái trước khi về nhà chồng đều phải dệt từ 6 đến 12 chiếc chăn, đệm làm quà tặng anh em nhà chồng, vừa để thể hiện sự khéo léo, đảm đang, vừa tỏ tấm lòng thơm thảo. Vì thế, con gái từ 13 tuổi bắt đầu làm quen với nghề dệt và đến 15 tuổi biết may mặc, khâu vá quần áo. Trước đây, hầu như gia đình nào cũng có một khung dệt. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, các sản phẩm dệt may xuất hiện nhiều nên dần dần nghề dệt bị mai một.

 

Cũng theo chị Mia, nghề dệt thổ cẩm ngày trước cũng khá công phu, trải qua nhiều công đoạn, thời gian. Bắt đầu từ trồng bông, kéo sợi, sau đó mới đưa vào khung dệt thành tấm vải và đem nhuộm. Thổ cẩm người Mường có rất nhiều màu sắc, màu xanh của cây lá, màu hồng, trắng, đỏ... của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh mặt trời trên núi. Tuy nhiên, chủ đạo vẫn là màu đen nhuộm từ cây chàm. Hoa văn ngoài hình sọc kẻ còn có hình hoa hồi, quả trám, hạt gấc, những loại hoa trái gắn với đời sống của người vùng núi. Sản phẩm chủ yếu là chăn, màn, váy, áo, túi rết... phục vụ đời sống hàng ngày trong gia đình. Để tạo ra được những sản phẩm này, người làm phải mất gần 1 năm. Do đó, nghề dệt thổ cẩm của người Mường trước đây chỉ mang tính tự cung, tự cấp, không đem lại giá trị kinh tế.

 

Chị Bùi Thị Liên, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: Xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào thời vụ, vào lúc nông nhà thì người nông dân còn nhiều thời gian, trong khi đó thu nhập từ nông nghiệp thấp, chăn nuôi, làm vườn đem lại giá trị kinh tế chưa nhiều. Tận dụng nghề truyền thống sẵn có, Hội phụ nữ xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tìm biện pháp khôi phục và phát triển lại nghề dệt thổ cẩm. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Dự án phát triển nông nghiệp (PISAT), Hội phụ nữ xã Đông Lai đã mở được 5 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho gần 100 chị em phụ nữ trên địa bàn xã. Theo chị Liên, đây là số lượng nòng cốt, sau đó, những chị em đã biết nghề tiếp tục hướng dẫn lại cho những người chưa được học hoặc không có điều kiện tham gia lớp học. Bên cạnh đó, Hội cũng đứng ra bảo lãnh cho hội viên được vay vốn từ ngân hàng CSXH để làm khung cửi, mua nguyên vật liệu dệt, những gia đình khó khăn được hỗ trợ khung cửi... Qua 2 năm triển khai, đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 300 khung dệt và 16/18 xóm đều có các nhóm dệt. Nghề dệt thổ cẩm bây giờ không đòi hỏi nhiều công phu như trước nữa. Khung cửi và sợi vải đều có sẵn, chị em chỉ bỏ công dệt sau khi việc đồng áng đã xong, hoặc tranh thủ trong những lúc nhàn rỗi hàng ngày. Nếu chịu khó, mỗi ngày chị em cũng dệt được 1 tấm vải từ 8 – 10m, bình quân mỗi tháng cũng có thêm nguồn thu nhập từ 5 – 700.000 đồng.

 

Mặc dù đã được khôi phục và phát triển trở lại, song người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với nghề này bởi sản phẩm thổ cẩm làm ra vẫn chưa trở thành hàng hóa, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng cũng không thường xuyên, giá thấp, hoặc bán ở những phiên chợ cũng không được nhiều. Băn khoăn của chị Chủ tịch Hội phụ nữ xã và cũng như những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống là để duy trì được nghề này cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, chính quyền có kế hoạch cụ thể trong phát triển du lịch văn hóa, sinh thái gắn với xây dựng làng nghề truyền thống. Có như vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Đông Lai mới được duy trì và phát triển.

  

 

                                                                           Đỗ Quyên

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

23 dự án và 47 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận

(HBĐT)- Trong tháng 4, các cấp, ngành đã tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Chiến dịch làm thủy lợi góp phần thực hiện thắng lợi vụ viêm - xuân

(HBĐT)- Theo đúng kế hoạch, đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I /2011. Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, hiệu quả của Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đang góp phần làm nên một vụ chiêm - xuân thắng lợi.

40 doanh nghiệp tham gia Hội chợ thương mại huyện Lạc Sơn năm 2011

(HBĐT) - Từ 6/5 đến hết ngày 13/5, tại sân vận động huyện Lạc Sơn, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức tổ chức Hội chợ thương mại Thương hiệu Việt - Lạc Sơn năm 2011.

Giá thép tăng cao vì hệ thống phân phối có vấn đề

"Hệ thống phân phối thép đang có vấn đề bởi nguồn cung về thép xây dựng vượt khá xa nhu cầu, nhưng nguồn cung thép ở một số địa phương vào một số thời điểm vẫn thiếu hụt dẫn tới giá bán ra tăng vô lý."

Xuất khẩu cao su đứng thứ 2 trong các loại nông sản

Sáng 12-5, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, kim ngạch và giá cao su xuất khẩu trong năm 2010 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 782.200 tấn, với tổng giá trị thu về gần 2,3 tỷ USD.

Đổ xô đi mua đồ điện lạnh ngày nắng nóng

Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm đầu tiên. Hình ảnh quen thuộc lặp lại hàng năm là số khách tăng đột biến tại các cửa hàng bán đồ điện lạnh như quạt hơi nước, máy điều hòa, quạt tích điện… Cũng vì nhu cầu sử dụng mặt hàng chống nóng lớn nên chất lượng dịch vụ bảo hành không đảm bảo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục