Anh Nguyễn Văn Viện, xóm Đồng Mới, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) bên cánh rừng keo năm thứ hai.
(HBĐT) - Những ngày đầu xuân này, chúng tôi có dịp trở lại Lạc Thủy - một trong những huyện đi đầu trong trồng rừng kinh tế của tỉnh. Huyện Lạc Thủy có 21.464 ha đất lâm nghiệp, chiếm 68,2% tổng diện tích đất tự nhiên, từ năm 2000, Lạc Thủy xác định trồng rừng kinh tế là hướng xóa đói - giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.
Dưới ánh nắng xuân ấm áp, những mầm xanh đang trỗi dậy đầy sức sống. Rừng đang xanh lại. Màu xanh tầng tầng lớp lớp, ngút ngàn. Cây luồng, cây bương, cây keo, cây bản địa mọc lên xanh tốt từ bàn tay con người. Rồi cây rừng làm cho con người no ấm.
Đi một vòng quanh xã Đồng Tâm, thấp thoáng giữa những tán rừng xanh là những ngôi nhà kiên cố, nhà hai tầng khang trang. ông Trịnh Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân ở đây được đổi thay là nhờ trồng rừng đó. Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Đồng Tâm, chúng tôi về xóm Đồng Mới thăm mô hình kinh tế rừng của gia đình anh Bùi Văn Viện. Bên chén trà đầu xuân mới, anh Viện kể về giai đoạn khốn khó của mình: Năm 1994, tôi mua được 1 ha rừng đầu tiên làm tài sản trị giá khoảng 3 triệu đồng đầu tư trồng keo. Đến năm 2000, thu hoạch chu kỳ 1 được hơn 20 triệu đồng. Nhờ kiên trì học hỏi, đầu tư hợp lý, gia đình đã có thu nhập cao từ trồng rừng và cuộc sống trở nên khấm khá. Vậy là sau gần 20 năm, những giọt mồ hôi khổ cực của gia đình anh đã được đền đáp xứng đáng bằng một cơ ngơi khang trang, diện tích rừng khoảng 17 ha, từ xưởng thu mua sản xuất chế biến lâm sản phát triển lên Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, các đơn đặt hàng từ cốt pha, xà gồ, đồ mộc dân dụng đến nan xuất khẩu cho các xưởng lớn ở Hà Nội, Nam Định ngày càng tăng. Doanh thu cũng từ đó mà tăng lên từ vài trăm triệu đến vài tỉ.
Chị Hoàng Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Lạc Thuỷ cho biết: Do sớm nhận thức, xác định được lợi thế, tiềm năng đất đai và nguồn nhân lực dồi dào tại địa phương với những cơ chế chính sách thông thoáng, khuyến khích phát triển lâm nghiệp nên ở Lạc Thủy có khoảng 6 nghìn hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp diện tích từ 0, 5 ha trở lên. Nhờ đự, nhiều gia đình của các xã trong huyện được giao đất lâm nghiệp biết làm giàu từ mô hình trồng rừng kinh tế. Ngoài diện tích được giao, nhiều hộ còn liên doanh trồng rừng kinh tế với công ty lâm nghiệp, lâm trường trong huyện. Các hộ trồng rừng còn thực hiện các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao dưới tán rừng như chăn nuôi lợn, phát triển nuôi gà thả vườn dưới tán rừng, nuôi ong lấy mật, xây dựng mô hình VACR liên hoàn... Nhờ những mô hình kinh tế này, cuộc sống của người dân đang ngày càng khởi sắc. Dù sống trong rừng nhưng nhờ được giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng nên người dân không đốt nương làm rẫy mà tập trung trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài, chăn nuôi... vừa đảm bảo cuộc sống, vừa bảo vệ rừng xanh.
Bên cạnh đó, huyện Lạc Thủy đã đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, tiến hành giao đất, giao rừng cho dân quản lý để góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong bảo vệ và làm giàu vốn rừng. Đến nay, 100% diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho các hộ nhận chăm sóc và quản lý. Các địa bàn đã xây dựng được hương ước bảo vệ rừng, khai thác, tỉa thưa rừng hợp lý, cho thu nhập kinh tế cao. Huyện cũng đã dành ngân sách xây dựng các mô hình lâm nghiệp hiệu quả. Năm 2007, với kinh phí 321 triệu đồng thực hiện mô hình trồng cây chất lượng cao như sưa, lát, dổi, chò chỉ và keo với diện tích 5 ha tại xã Đồng Tâm. Năm 2010 hỗ trợ 340 triệu đồng thực hiện mô hình trồng rừng phòng hộ tại đập An Thắng, xã An Bình với diện tích 30, 8 ha với 2 loại cây trồng chính là keo, dẻ ăn quả, 2 mô hình trồng rừng kinh tế tại xã Liên Hoà, Đồng Môn, quy mô 3 ha /mô hình với các cây trồng chính là ngân hoa, lát hoa, keo. Các mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong công tác quản lý rừng tự nhiên bền vững, trong đó, lấy lợi ích của người dân làm động lực thúc đẩy ý thức tham gia bảo vệ rừng.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Thấy được hiệu quả rõ rệt từ trồng rừng nên trồng rừng đã trở thành một phong trào, nhà ít thì 2-5 ha, nhà nhiều trên chục ha. Rừng Lạc Thủy đã tạo thêm việc làm, đem lại thu nhập ổn định, góp phần XĐ -GN, tăng số hộ khá, giàu ở địa phương. Ngoài ra còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác như tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, tránh được tình trạng ao, hồ cạn kiệt trong mùa khô hạn trước đây. Độ che phủ rừng của huyện đạt 65%, cao nhất tỉnh. ấn tượng nhất chính là chất lượng cuộc sống của người trồng rừng đã được nâng lên rõ rệt. Đó là các hộ đều có việc để làm, có thu nhập và làm chủ chính vườn rừng của mình. Trước đây, nói đến tiền triệu nông dân còn thấy quá tầm tay. Nay, trong nhà không chỉ có tiền triệu mà còn có cả chục triệu, trăm triệu. Hiện, 1 ha keo cho thu hoạch khoảng 140 ste đôi đem lại thu nhập 70 triệu đồng /ha.
Đi dưới những cánh rừng bát ngát xuân, cảm giác thật yên bình, với những người trồng rừng kinh tế ở Lạc Thủy, họ không chỉ chăm sóc, quản lý rừng giỏi mà còn có niềm tin vững chắc vào rừng. Rừng đã mang lại những mùa xuân no ấm cho nông dân Lạc Thủy.
Hải Linh
(HBĐT) - Sản xuất nông nghiệp mang những sắc thái mới. Người nông dân không còn lam lũ quẩn quanh mà đã biết cách hạch toán, tư duy để nâng cao hiệu quả sản xuất gieo trồng. Một chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, Hòa Bình có lợi thế là tỉnh duy nhất ven Hà Nội chưa bị biến đổi nhiều bởi công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp sạch và sinh thái. Nông dân Lương Sơn cũng đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội này, chuyển đổi tư duy tham gia các dự án, chương trình sản xuất an toàn và đem lại hiệu quả cao.
(HBĐT) - Nhà máy thủy điện Suối Nhạp sau một năm vận hành an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực sự hòa vào nhịp sống bản làng Đồng Chum- Đồng Ruộng (Đà Bắc), chứng tỏ định hướng đầu tư đúng đắn và táo bạo trong chiến lược phát triển doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội của Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn).
(HBĐT) - Dịp Tết, trong khi nhiều loại trái cây trong nước và nhập khẩu tiếp tục tăng giá bán thì cam, mía – một trong những hàng nông sản chủ lực của tỉnh lại giữ giá. Đây cũng là lợi thế để cam, mía địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
(HBĐT) - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong ba, bốn năm lại đây, người dân xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đã mạnh dạn chuyển nhiều diện tích đất sang trồng các loại hoa màu khác có giá trị hơn như khoai tây và bước đầu đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, vụ khoai tây năm nay, nông dân xã Vĩnh Đồng đang phải đối mặt với việc khoai tây mất giá.
(HBĐT) - Theo Sở NN&PTNT, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 513 trang trại, bao gồm: 44 trang trại trồng trọt, 64 trang trại lâm nghiệp, 64 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại nuôi thuỷ sản và 314 trang trại tổng hợp.
(HBĐT) - Năm 2011, huyện Lương Sơn đã thực hiện công tác phát triển GTNT với việc cải tạo, nâng cấp 9 công trình giao thông. Tổng vốn đầu tư các công trình giao thông trong huyện trên 193 tỷ đồng.