Xã Thung Nai (Cao Phong) khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân. (ảnh H.T).
(HBĐT) - Để nâng cao đời sống của người dân nông thôn thực sự có tính bền vững, phát triển kinh tế được xem là vấn đề căn bản. Từ nhóm tiêu chí kinh tế, các địa phương sẽ có những giải pháp về đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Nhưng xem ra, với vấn đề này, nhiều địa phương vẫn còn “loay hoay”, chưa tìm ra lối thoát.
“Khó lắm!”, ông Nguyễn Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn (Đà Bắc) khẳng định như đinh đóng cột, khi chúng tôi đề cập đến chỉ tiêu giảm tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp xuống 35%.
Là một xã thuần nông, lâu nay, thu nhập của người dân nói riêng và kinh tế của xã Cao Sơn nói chung đều chỉ dựa vào nông, lâm nghiệp. 75% lao động trong độ tuổi làm việc ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chỉ có 25% lao động ngành nghề khác là cơ cấu lao động của xã hiện nay. Địa hình rừng núi, không có làng nghề và vị trí không thuận lợi cho giao thương buôn bán đang là những trở ngại để xã có thể chuyển cơ cấu lao động sang các lĩnh vực CN-TTCN, dịch vụ.
Vài năm trước, ở xã cũng có chương trình đào tạo nghề mây - tre đan nhưng làm được 1 năm, thấy đầu ra thấp so với ngày công lao động, người dân chẳng mấy ai mặn mà nên cuối cùng cũng bỏ. “Phát triển mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, nuôi trồng các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao như trồng ngô, mía, dong riềng... rồi nuôi gà, lợn, đặc biệt là lợn rừng... là thế mạnh bền vững của vùng gò đồi. Xã phát triển theo hướng này để nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích, nói chuyện phát triển TTCN, dịch vụ... trong điều kiện của Cao Sơn là khó” - ông Quảng cho biết.
Đến xã Kim Tiến (Kim Bôi) Quách Công Quy, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: Xã lo ngại nhất hiện nay là vấn đề giải quyết việc làm, theo chúng tôi là khó nhất. Hiện, xã có khu du lịch sinh thái thác Mặt Trời ở xóm Vó Khang mới đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho vài chục lao động. Bên cạnh đó, xã khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở, máy móc phát triển các ngành nghề như: xay xát, cơ khí, đồ mộc, sản xuất gạch hoạt động khá hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Với diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn 1.472 ha, xã sẽ đẩy mạnh việc trồng rừng. Nhưng thực hiện được việc này cũng không phải dễ khi nguồn kinh phí của xã không có, người dân còn nghèo. Lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tới 81,5%, tỷ lệ hộ nghèo còn 36% đang là lực cản lớn đối với Kim Tiến trong chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến năm 2020, lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư còn 35%, tỷ lệ hộ nghèo còn 5% là cái đích không phải “gần” đối với Kim Tiến cũng như nhiều địa phương khác.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Cơ bản Kim Bôi vẫn là huyện nông nghiệp, định hướng chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp theo tiêu chí đó, tính khả thi không cao, khó mà đạt được. Các xã vẫn đang loay hoay tìm hướng, ngay cả những xã điểm cũng còn khó khăn chứ chưa nói đến các xã khác”.
Còn “loay hoay” tìm hướng đi trong phát triển nghề, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm... cũng có nghĩa là các địa phương chưa tìm ra giải pháp để có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân đầu người. ở xã Cao Sơn, trên 70% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng trên thực tế, thời gian dành cho sản xuất nông nghiệp của số lao động này chỉ có 30%. Thời gian còn lại, họ xoay trở, tìm kiếm việc làm tăng thu nhập cho gia đình nhưng cũng rất bấp bênh. Thu nhập bình quân của xã Cao Sơn hiện chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 43%. Với các hộ nghèo trong độ tuổi lao động còn có thể có giải pháp, chứ các hộ nghèo trong diện ngoài độ tuổi lao động chưa tìm ra giải pháp.
Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo là mục tiêu lớn nhất và có tính bền vững trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các địa phương vẫn ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH hơn là đầu tư cho phát triển kinh tế”.
Thực tế, để hoàn thành tiêu chí về hạ tầng KT-XH, có thể chỉ cần vài ba năm. Nhưng đào tạo nghề, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động lại cần nhiều thời gian và có tính kế hoạch hơn nên cần sớm được quan tâm, đầu tư. Phải khẳng định, hạ tầng KT-XH là những điều kiện thiết yếu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Song nếu không có sự tâm huyết vì một bộ mặt nông thôn đổi mới về thực chất, e rằng sẽ có những NTM với con đường mới, trường học, trụ sở... đẹp đẽ, khang trang mà người dân ở đó vẫn theo tư duy sản xuất cũ; đời sống thực sự của họ vẫn chưa theo kịp sự đổi mới về kết cấu hạ tầng.
(HBĐT) - Ngày 24/12/2008, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 2935/ QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Phát triển hạ tầng và dịch vụ KCN (gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh. Trung tâm được UBND tỉnh giao thực hiện 2 nhiệm vụ chính là quản lý, thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN bằng nguồn vốn NSNN và cung ứng các loại hình dịch vụ hỗ trợ các dự án trong KCN.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa có Quyết định số 549/QĐ-UBND về việc phân bổ vốn đầu tư hạ tầng thuộc Chương trình 135 từ nguồn viện trợ của Chính phủ Ai Len với tổng vốn là 10 tỉ đồng để thực hiện 2 công trình đường GTNT, mỗi công trình 5 tỉ đồng, gồm: đường từ UBND xã đi xóm Nước Ruộng, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi và công trình đường xóm Thượng, xã Trung Thành đi xóm Lang, xã Yên Hoà, huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Kim Bôi hiện có khoảng 2.000 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ và hệ thống 5 chợ chính gồm chợ thị trấn Bo, Nam Thượng, Rạnh, Bãi Chạo, Trám. Tới đây sẽ có thêm 1 chợ chuẩn bị đi vào hoạt động là chợ Chỉ, xã Hùng Tiến.
(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị đơn giản hơn nữa thủ tục vay vốn và giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất?.
(HBĐT) - So với tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục giảm nhẹ 0,09%. Tuy giá xăng, dầu có điều chỉnh nhưng các mặt hàng lương, thực phẩm biến động giá không nhiều, một số mặt hàng thực phẩm giảm giá khá mạnh như thịt lợn, thịt gà, các loại rau, củ.
Ngày 22/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh do Ngân Hàng Chính sách Xã hội phát hành. Tổng khối lượng gọi thầu giá trị 1.000 tỷ đồng ở 2 loại kỳ hạn 3 năm và 5 năm, mỗi kỳ hạn gọi thầu 500 tỷ đồng.