Ảnh minh họa (nguồn: H.A)

Ảnh minh họa (nguồn: H.A)

Sau thời gian dài gặp khó khăn, hiện tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu hồi phục tích cực. Giá các mặt hàng thủy sản như: tôm, cá tra bắt đầu tăng, với những tín hiệu tốt từ phía thị trường, ngành thủy sản đang kỳ vọng, xuất khẩu những tháng cuối năm 2012 sẽ tăng tốc mạnh.

 

Tín hiệu lạc quan

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2012 đã đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng năm 2012 đạt 4 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Đáng chú ý là mặt hàng tôm và cá tra hiện đang bắt đầu tăng tốc, mặc dù phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, nhưng mặt hàng tôm Việt Nam vẫn được đánh giá cao về chất lượng, do vậy cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt con số 1 tỷ USD. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, giá trị xuất khẩu các mặt hàng tôm của Việt Nam trong quý III/2012 sẽ đạt khoảng 690 triệu USD, tăng 19% so với quý II/2012, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2012 lên 1,7 tỷ USD.

Về mặt hàng cá tra, từ đầu năm đến nay, sản xuất và xuất khẩu cá tra bị chi phối mạnh bởi hai yếu tố thiếu vốn và sự sụt giảm của thị trường, do đó, xuất khẩu còn khá trầm lắng, tuy nhiên, từ cuối quý II/2012, xuất khẩu mặt hàng thủy sản này đã khởi sắc trở lại. Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ nay đến cuối năm là thời điểm các nhà nhập khẩu tăng cường nhập cá tra để phục vụ dịp Noel và đón năm mới 2013, do đó giá trị xuất khẩu cá tra trong quý IV/2012 dự báo sẽ đạt mức cao nhất so với các tháng trong năm. Dự báo giá trị xuất khẩu cá tra trong quý IV sẽ tiếp tục tăng, đạt khoảng 480 triệu USD, tăng khoảng 12% so với quý II/2012.

Xuất khẩu cá ngừ cũng đã và đang có dấu hiệu khởi sắc, tuy giá trị xuất khẩu không lớn như hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra nhưng cũng chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khối lượng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 sẽ tăng cao do sản lượng cá ngừ khai thác nội địa khá, đặc biệt là ở một số địa phương như: Bình Định hiện đã khai thác đạt trên 7.000 tấn, Phú Yên hơn 6.000 tấn….

Ngoài ra, một số sản phẩm thủy sản khác như mực, bạch tuộc; nhuyễn thể; cua, ghẹ... cũng đã và đang dần có sự có sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu. Cũng theo Vasep với tình hình thị trường, nguyên liệu và sự chuyển biến của một số yếu tố nội tại trong nước, dự báo xuất khẩu thủy sản trong quý III/2012 sẽ khả quan, với mức tăng trưởng trung bình là 17%, đạt khoảng 1,84 tỷ USD (quý II đạt 1,567 tỷ USD), tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam 9 tháng đầu năm 2012 lên trên 4,7 tỷ USD. Như vậy, với những thuận lợi đang diễn ra, mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD thủy sản trong năm 2012 có khả năng sẽ hoàn thành.

Về thị trường, Vasep cũng cho biết, thị trường Châu Âu vẫn đang là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam. Nhưng thị trường này sẽ chưa có chuyển biến nhiều ngay trong quý III này, sức mua vẫn chưa cao. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản với rào cản Ethoxyquin chưa được giải quyết sớm, cộng với nguồn cung thế giới có được trong quý III sẽ tác động khiến sức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này chững lại.

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất là Mỹ và các thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Australia, Mexico, khối ASEAN, và Trung Quốc…vẫn đang tiếp tục có nhu cầu lớn và gia tăng nhập khẩu từ nguồn cung Việt Nam. Do vậy, đây tiếp tục là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và về đích sớm trong năm 2012.

Tăng cường các giải pháp để về đích thắng lợi

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan đối với xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2012, song trên thực tế vẫn còn nhiều thách thức cần tháo gỡ. Đó là rào cản Ethoxyquin chưa được giải quyết. Theo Vasep, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản vẫn thực hiện việc kiểm tra dạng giám sát và giữ nguyên mức giới hạn cho phép là 0,01ppm đối với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Việc giữ nguyên mức mặc định rất thấp chỉ có 0,01ppm của Ethoxyquin sẽ tiếp tục là trở ngại lớn đối với sản phẩm tôm của Việt Nam. Ngoài ra, những rào cản phi thuế của thị trường EU; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn chậm; hoạt động xúc tiến thương mại không mang lại được hiệu quả như mong muốn; những quy định chặt chẽ hơn về giới hạn của các chất tồn dư như: Trifluralin, các chất kháng sinh... đang là thách thức lớn đối với ngành thủy sản.

Tuy nhiên, với chiều hướng tích cực hiện nay, cộng với sự hỗ trợ của Chính phủ về gói giải cứu, giãn nợ, điều chỉnh lãi suất… đang là động lực cho các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, nỗ lực về đích với chỉ tiêu 6,5 tỷ USD, vượt con số 6,1 tỉ USD trong năm 2011.

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, hiện ngành thủy sản đã và đang tìm kiếm và chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường mới tiềm năng, đặc biệt là thị trường châu Á. Bên cạnh đó, ngành đang tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thuỷ sản bằng các biện pháp như: Xây dựng tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn kết hợp tăng cường kiểm soát các cơ sở chế biến; triển khai đồng bộ các tiêu chuẩn quy định quy trình, quy phạm về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định hoá chất và chế phẩm được phép sử dụng…

Cùng với đó, ngành thủy sản cũng nỗ lực đưa ra các giải pháp để hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên liệu thủy sản và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản trong nước với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoà để có thể đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao, đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường cũng như góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản.

Ngoài ra, để ngành phát huy hơn nữa thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh của, tạo vị thế ngày càng vững chắc trên thị trường thế giới, ngành thủy sản đang tiếp tục chú trọng việc tiếp cận, cập nhật thông tin một cách đầy đủ và chính xác; khuyến khích các doanh nghiệp đánh giá đúng khả năng sản xuất và có định hướng xuất khẩu rõ ràng, tận dụng tối đa các lợi thế vẫn được coi là thế mạnh của doanh nghiệp.... Có như vậy, ngành thủy sản Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của những năm tiếp theo./.

 

                                                                      Theo Báo ĐCSVN

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình kiên cố hóa kênh mương đáp ứng cho việc sản xuất nông nghiệp người dân.
Tại ổ dịch cúm A/H5N1 xã Hợp Hòa (Lương Sơn), các biện pháp khống chế dịch đã được tuân thủ nghiêm ngặt.

Xăng dầu chưa tăng giá

Tin từ Tổ điều hành liên bộ Tài chính - Công thương vào tối 11.9, đã có quyết định sẽ giảm thuế nhập khẩu xăng dầu 2% để giữ nguyên giá bán lẻ.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.

Hết 2015, sẽ có 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 1231/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015.

Nhân dân bắt đối tượng lừa đảo tại chợ Nghĩa Phương

(HBĐT) - Vào khoảng 7 giờ ngày 11/9, quần chúng nhân dân đã bắt được một phụ nữ đang thực hiện hành vi lừa tiền của ông một ông già ở Phố Ngọc, Trung Minh, TP Hòa Bình, đã kịp thời bàn giao cho Công an phường Phương Lâm điều tra làm rõ.

Làm giàu từ chăn nuôi lợn “sạch”

(HBĐT) - Đã từng trài qua nhiều nghề đế sống nhưng cuối cùng gia đình chị Lê Thị Chung và anh Nguyễn Văn Bốn lại quyết định gắn bó với nghề chăn nuôi và chính mô hình này đã giúp anh chị từ một hộ khó khăn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm ở Kỳ Sơn

(HBĐT) - Cùng với lãnh đạo NHCSXH huyện Kỳ Sơn, chúng tôi đến thăm mô hình SX tăm hương của gia đình chị Khuất Thị Anh ở xóm Dụ 5, xã Mông Hóa. Xã Mông Hóa có 17 xóm, trong đó, xóm Dụ 5 bị thu hồi đất làm KCN nhiều nhất khoảng 40%. Chị Anh cho biết: Gia đình chị có 7 khẩu, trước đấy diện tích nông nghiệp 2.600 m2, giờ bị thu hồi còn 2.000 m2, thâm canh 2 vụ lúa coi như đảm bảo lương thực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục