Dự án Khu trung tâm Thương mại - dịch vụ bờ trái sông Đà (TPHB) hiện đang triển khai hoàn thiện hạ tầng.
(HBĐT) - Với việc thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng cùng các công trình xây dựng giảm mạnh đã tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách của tỉnh trong năm 2012. Không những vậy, cơ chế phối hợp chưa rõ ràng giữa các ngành chức năng với ngân hàng cũng phần nào gây nên tình trạng hụt thu đáng kể NSNN.
Khoảng 2 năm gần đây, thị trường BĐS rơi vào tình cảnh trầm lắng kéo dài dẫn đến việc đấu giá đất trên phạm vi cả tỉnh gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số dự án đã triển khai bán đấu giá, giao đất nhưng các đơn vị gặp khó về tài chính, không có khả năng nộp tiền vào NSNN. Đáng chú ý như: dự án Khu trung tâm Thương mại - Dịch vụ bờ trái sông Đà mới nộp được 83/240 tỷ đồng vào ngân sách, còn nợ ngân sách khoảng 157 tỷ đồng. Điều đáng nói, số thu NSNN của tỉnh năm nay có khả năng hụt thu khoảng 80 tỷ đồng. Nếu như thu được khoản thu từ dự án này, theo dự kiến đến cuối năm, không những số thu ngân sách của tỉnh có thể đảm bảo kế hoạch đặt ra mà còn có thể vượt xa với dự toán Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Thực tế đối với dự án này, mặc dù đã được đấu giá đất thành công cuối năm 2011 nhưng đến nay, hạ tầng chưa đáp ứng tiến độ đề ra nên cũng phần nào gián tiếp dẫn đến huy động vốn của khách hàng chưa hiệu quả.
Ngoài ra, một số dự án BĐS đến nay vẫn chưa có đủ tài chính đóng vào ngân sách như: dự án đấu giá đất của Công ty Phương Đông; dự án nhà ở của Công ty Dầu khí Toàn Cầu. Một số dự án vừa mới triển khai hiện đã cơ bản xong hạ tầng như dự án Khu dân cư An Cường cùng một số dự án đấu giá đất của TPHB đang triển khai bên bờ trái cũng gặp phải nhiều khó khăn do tài chính trong dân cạn kiệt. Cùng đó, theo đánh giá của cơ quan chức năng, do BĐS trầm lắng cũng khiến cho việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện, thành phố khó khăn, dẫn đến số thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giảm mạnh.
Ngoài vướng mắc trong thu ngân sách từ BĐS, nguồn thu từ XDCB cũng đang khiến cho ngành thuế gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, tình trạng nợ thuế gia tăng so với các năm trước, hầu hết các khu vực quản lý đều nợ thuế, nhưng tập trung chủ yếu vẫn là các DN ngoài quốc doanh thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên lĩnh vực xây dựng cơ bản, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Theo ông Bùi Anh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, tình trạng chủ đầu tư hầu hết thanh, quyết toán cho các nhà thầu xây dựng thông qua ngân hàng, khi ngành thuế làm việc thì tiền đã bị ngân hàng thu hết. Nguyên nhân là do doanh nghiệp XDCB đều vay nợ ngân hàng, khi chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản nhà thầu, các ngân hàng khấu trừ luôn tiền lãi cũng như tiền vay. Nhiều doanh nghiệp sau khi bị ngân hàng thu hồi vẫn không đủ trả lãi. Bởi vậy đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số nợ đọng của thu NSNN trong XDCB khá cao. Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa có cơ chế thật sự rõ ràng trong ưu tiên thu nợ tiền ngân sách đối với lĩnh vực XDCB thông qua tài khoản tại các ngân hàng thương mại.
Trong hơn 2 tuần cuối năm, theo đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để phấn đấu hoàn thành thu ngân sách trong năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Sở TN&MT cùng các ngành liên quan triển khai quyết liệt việc thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và các dự án đã xác định số tiền sử dụng đất phải nộp vào NSNN. Ngoài ra, ngành tài chính, TN&MT, UBND các huyện, thành phố cùng các ngành liên quan tập trung giải quyết nhanh thủ tục về đấu giá đất, giao đất... trình UBND tỉnh phê duyệt để kịp thời tổ chức thu tiền sử dụng đất ngay trong những ngày cuối năm. Có như vậy mới đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giao.
Đối với các khoản nợ thuế của các dự án đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN, UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Thuế phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Kho bạc và Chi nhánh NHNN tỉnh nắm tiến độ giải ngân vốn XDCB, vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án nhằm phối hợp thu hồi nợ thuế của các nhà thầu. Riêng đối với các trường hợp khác có số nợ thuế lớn đã được bố trí vốn nhưng cố tình chây ỳ không nộp vào ngân sách, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng phải phối hợp tổ chức các biện pháp nhằm thu hồi nợ theo quy định.
Hồng Trung
(HBĐT) - Thực hiện cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 3 năm qua (từ 2009-2012), huyện Yên Thủy đã tổ chức được 8 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với 47 doanh nghiệp tham gia.
Hàng loạt ngân hàng lớn đã có đợt điều chỉnh lãi suất huy động. NH ACB - một NH huy động với lãi suất khá cao so với mặt bằng chung - giờ đây cũng chỉ huy động vốn kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng với lãi suất 11,5%/năm, riêng kỳ hạn 13 và 36 tháng ở mức 12%/năm. Trước đó, các mức lãi suất trên 12 tháng của nhà băng này đều ở mức 12 – 13%/năm.
(HBĐT) - Công ty CP Đông Dương đang chuẩn bị triển khai xây dựng Khu trung tâm thương mại, tạo điểm nhấn cho đô thị Lương Sơn tương lai có vị trí là đô thị lõi của thị xã Lương Sơn sau này.
(HBĐT) - Thời gian qua, chương trình xây dựng NTM tại huyện Lạc Thủy đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân. Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạ tầng được đầu tư, hiện trạng nông thôn đổi thay, tư duy sản xuất mới tiếp tục được hình thành, đời sống người dân từng bước được cải thiện, ANTTXH được giữ vững.
(HBĐT) - Thực hiện Dự án giảm nghèo giai đoạn II theo Hiệp đinh số 4698 – Cr giữa Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) tại tỉnh ta được triển khai tại 373 thôn bản thuộc 42 xã của các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân lạc, Lạc Sơn và Yên Thủy, với 4 hợp phần chính là phát triển kinh tế huyện, ngân sách phát triển xã, tăng cường năng lực và quản lý dự án.
(HBĐT) - Ngày 12/12, huyện Đà Bắc đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông – lâm nghiệp năm 2012, triển khai kế hoạc sản xuất vụ chiêm xuân năm 2013.