Ngày 19.12 tại TPHCM, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn về thu phí bảo trì đường bộ (áp dụng từ 1.1.2013) cho các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào. Nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) vận tải, cảng biển tỏ ra bức xúc về một số vấn đề bất hợp lý của một số quy định hướng dẫn.
Chỉ chạy trong cảng cũng bị thu phí?
Ông Lê Tuấn Anh – Phó TGĐ Cty Tân Cảng – bức xúc cho rằng, quy định thu phí đường bộ theo kỳ đăng kiểm – tức phải nộp phí khi phương tiện đăng kiểm là chưa phù hợp. Cụ thể như hiện nay, Tân Cảng có hàng trăm ôtô đầu kéo, rơ moóc chỉ lưu hành vận chuyển hàng nội bộ trong cảng, nhưng ôtô đầu kéo và rơ moóc này đều phải đăng kiểm. “Như vậy mỗi lần đến kỳ đăng kiểm, chúng tôi phải nộp phí bảo trì đường bộ cho số phương tiện này? Dù phương tiện không lưu hành ngoài đường mà vẫn bị thu phí thì hết sức vô lý” – ông Lê Tuấn Anh thắc mắc.
Ông Vũ Khắc Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính – thừa nhận, do thông tư hướng dẫn mới ban hành, chưa lường được hết những bất cập trong thực tế nên ghi nhận sẽ xem xét. Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị phía Tân Cảng cũng như những trường hợp tương tự lập danh sách số phương tiện chỉ hoạt động trong cảng và có xác nhận của công an về việc những xe này không lưu thông ngoài đường bộ gửi đến cơ quan đăng kiểm xem xét để không phải nộp phí bảo trì đường bộ.
“Nhưng các phương tiện hoạt động trong cảng hiện không có biển số thì làm sao yêu cầu công an xác nhận. Hơn nữa, xe không có biển số đương nhiên không thể lưu thông ngoài đường bộ rồi?” – ông Lê Tuấn Anh bày tỏ băn khoăn.
Trong khi đó, theo ông Đinh Nam Dinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa (HVTHH) – thu phí theo kỳ đăng kiểm hoặc thu trước 1 năm là trái với Pháp lệnh Phí và Lệ phí và không khác nào thu cưỡng bức đối với đơn vị vận tải. Bởi lẽ, xe chưa sử dụng dịch vụ và chưa biết dịch vụ có tốt không, song lại bị ép đóng phí trước trong nhiều tháng theo chu kỳ đăng kiểm hoặc cả năm, như vậy đẩy DN vận tải lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, nhất là thời điểm kinh tế hiện nay.
Trong khi đó, quy định về những xe bị tai nạn hư hỏng không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên thì mới hoàn phí cũng thiếu tính thực tế. “Đồng tiền đi liền với khúc ruột. Ví dụ một xe đầu kéo đóng khoảng 1 triệu đồng/tháng, tức mỗi ngày đóng hơn 30.000 đồng. Do vậy, phải tính theo ngày xe hư hỏng không hoạt động chứ không thể tính từ 30 ngày trở lên mới hoàn phí” – ông Đinh Nam Dinh đề nghị.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng thẳng thắn nêu quan điểm không đồng tình với việc quy định thu phí đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc, vì đây chỉ là tổ hợp cơ khí đơn giản, không gắn động cơ và không thể tự hành trên đường bộ mà được kéo bằng ôtô, máy kéo. Hiện đối với xe ôtô đầu kéo đã được quy định phải nộp phí, do đó nếu thu thêm rơ moóc, sơ mi rơ moóc sẽ khiến các chủ xe bị “thu phí kép” trên một phương tiện. Hơn nữa, hiện nay một số DN gần 200 ôtô đầu kéo, nhưng lại có gần 1.000 rơ moóc nên nếu thu phí rơ moóc sẽ là gánh nặng đối với các đơn vị vận tải.
Kiến nghị chưa xử phạt phương tiện chưa nộp phí
Liên quan đến việc thu phí rơ moóc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải có nhiều rơ moóc hơn số xe ôtô đầu kéo có thể lập danh sách số rơ moóc không hoạt động hết và báo cho công an xác nhận thì đăng kiểm không thu phí. Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Giao – Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN – lại cho biết thêm, số liệu đăng kiểm hiện nay cho thấy, không có đơn vị nào có hơn 100 ôtô đầu kéo, nhưng lại có đến 1.000 rơ moóc cả.
Đối với một số ý kiến về chất lượng đường sá có đảm bảo tốt hơn không khi thu phí bảo trì đường bộ từ 1.1.2013, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, mức thu phí bảo trì đường bộ chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với chi phí đầu tư xây dựng đường sá. Do vậy, thu phí bảo trì đường bộ không thể làm cho đường sá đảm bảo tốt hơn ngay, mà cần phải có thời gian qua vài năm mới có thể tốt hơn.
Dự kiến trong tháng 12 các cơ quan có thẩm quyền sẽ công bố những trạm thu phí trên quốc lộ thuộc ngân sách chấm dứt thu kể từ khi áp dụng thu phí đường bộ 1.1.2013. Đồng thời, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Công an trong năm 2013 chưa tiến hành xử phạt đối với các phương tiện chưa nộp phí bảo trì đường bộ. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ghi nhận các ý kiến góp ý và cho rằng sau 3 hoặc 6 tháng thực hiện sẽ xem xét điều chỉnh bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, còn bất cập.
Theo Báo Laodong
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 386 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, 167 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, chiếm 43,2% tổng dự án, tăng 23 dự án so với cuối năm 2011. Đây chủ yếu là các dự án sản xuất công nghiệp.
(HBĐT) - Để giúp hội viên nông dân nghèo vay vốn phát triển sản xuất, 5 năm qua (2007-2012) Hội nông dân huyện Lương Sơn đã phối hợp với NHCSXH, Ngân hàng NN& PTNT huyện tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn với dư nợ trên 36 tỉ đồng; trong đó dư nợ NHCSXH là 83 tổ với trên 30,6 tỉ đồng, cho 3.542 hộ vay; dư nợ Ngân hàng NN&PTNT là 46 tổ, số tiền là 5,4 tỉ đồng, cho 631 hộ vay.
(HBĐT) - Theo Sở NN&PTNT, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch cây màu vụ đông nhằm kịp thời giải phóng đất, sẵn sàng triển khai kế hoạch sản xuất vụ chiêm - xuân 2013.
(HBĐT) - Trong quá trình thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp có vai trò rất quan trọng. Các HTX phát triển đúng hướng tạo ra động lực làm đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước thúc đẩy quá trình xây dựng NTM tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, việc phát triển HTX dịch vụ nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
(HBĐT) - Diện tích cây ăn quả cả tỉnh hiện có 10.500 ha, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như vùng cây nhãn vải ở huyện Lạc Thuỷ, Kim Bôi; vùng cây có múi (cam, chanh, bưởi) ở huyện Cao Phong, Kim Bôi; vùng mía nguyên liệu ở huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; vùng chè xanh ở huyện Lạc Thuỷ, Yên Thủy, Lương Sơn; vùng chè Shan tuyết Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc...
Khi không được phép huy động vàng, các tổ chức tín dụng chỉ còn được phép cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng, nhưng nhiều ngân hàng công khai việc giữ hộ vàng có lợi tức hoặc mức phí rất tượng trưng.