Cán bộ Sở NN&PTNT giới thiệu các loại nông sản chất lượng cao của Hòa Bình với đại diện Công ty CP Giống cây trồng Trung ương.
(HBĐT) - Tháng 1/2013, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký kết thỏa thuận phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh ta về “phòng- chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật” và “sản xuất, tiêu thụ rau an toàn”. Theo ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT: Sẽ là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh ta khi khai thác được một thị trường lớn như Hà Nội.
Thỏa thuận phối hợp trong “phòng- chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật” được Sở NN&PTNT Hà Nội ký kết với 16 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình và thành phố Hải Phòng. Riêng với 7 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La và Hòa Bình, Hà Nội ký thêm thỏa thuận phối hợp về “sản xuất, tiêu thụ rau an toàn”. Theo đó, giữa các địa phương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm, trọng tâm là các động vật, sản phẩm động vật và sản phẩm rau an toàn.
Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Thỏa thuận phối hợp nhằm 4 mục tiêu quan trọng: Một là, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các loại động vật, sản phẩm động vật, sản phẩm rau được tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Hai là, nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác phòng- chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; sản xuất, cung ứng rau an toàn; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi đưa vào thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ba là, mở rộng thị trường tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật, sản phẩm rau đảm bảo an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà nội, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Bốn là, sản phẩm rau an toàn có nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng sản xuất đã được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP hoặc các giấy chứng nhận khác tương đương.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội thường xuyên có trên 9 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn. Hàng năm tiêu thụ trên 560.000 tấn thực phẩm các loại, trên 900 ngàn tấn rau, quả. Trong khi đó, sản xuất nông sản, thực phẩm của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể: Trong năm 2012, để đáp ứng nhu cầu, Hà Nội nhập 31% lượng thịt gia súc các loại , 68% cá các loại, 16% trứng gia cầm và sản phẩm sữa phải nhập 81%. Dự kiến đến năm 2015, Hà Nội phải nhập trên 48% lượng thịt gia súc, gia cầm các loại, 36% lượng cá, tôm, 35% lượng trứng gia cầm và 80% lượng sữa. Về nhu cầu tiêu thụ rau xanh, nhu cầu của thành phố được xác định khoảng 950.000 tấn/năm, tương đương 2.600 tấn/ngày. Với trên 12.000 ha canh tác rau hiện có, Hà Nội có khả năng đáp ứng được khoảng gần 60% nhu cầu rau xanh của người tiêu dùng, còn lại hơn 40% lượng rau được nhập từ các địa phương khác. Riêng đối với sản phẩm rau an toàn, thành phố Hà Nội đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Hiện, thành phố có 429 chợ có kinh doanh nông sản, thực phẩm (chưa bao gồm các chợ cóc, chợ tạm), 110 siêu thị, 20 trung tâm thương mại và 5 chợ đầu mối buôn bán nông sản, có gần 4.200 nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể có sử dụng và bảo quản sản phẩm nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, thành phố đang vận hành Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, bước đầu đã đạt kết quả tốt, tiêu thụ sản phẩm an toàn, đảm bảo đầu ra cho người sản xuất. Có thể nói, cùng với những hành động quyết liệt của thành phố Hà Nội, các địa phương khác, nhất là các địa phương có vị trí tiếp giáp với Hà Nội, sẽ có nhiều cơ hội để khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Hà Nội là thành phố có sức tiêu thụ lớn với khoảng 1 triệu tấn rau quả và khoảng 570 ngàn tấn thực phẩm/năm. Chính vì vậy sẽ là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh ta khi khai thác được một thị trường lớn như Hà Nội. Xác định phải nắm bắt tốt cơ hội này, thời gian gần đây, Sở NN&PTNT đã tích cực làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội về các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản địa phương. Lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo tỉnh ta cũng đã thống nhất được những nội dung quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả liên kết giữa hai địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội sẽ hợp tác với Hòa Bình khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông- lâm thủy sản, tập trung vào một số hàng hóa nông sản có lợi thế như gia cầm, rau, quả, chè, cá… Đồng thời sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây, con giúp tỉnh phát triển vùng trồng rau sạch, phát triển đàn gia súc, gia cầm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Đây là những diễn biến tích cực, cho thấy cơ hội đang tiếp tục mở ra đối với sản xuất nông nghiệp của Hòa Bình.
Thu Trang
(HBĐT) - Ông Đặng Đình Dũng ở phường Tân Thịnh (TPHB) hỏi: Đề nghị Báo Hòa Bình cho biết việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được quy định như thế nào?
(HBĐT) - Chiều ngày 26/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với BCĐ Tây Bắc và Bộ KH – ĐT tổ chức họp báo về Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Bắc, năm 2013. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ngân hàng: BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn đã triển khai đến 100% cơ sở hội, vận động hội viên tích cực hưởng ứng.
(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập NHNo&PTNT Việt Nam (26/3/1998 – 26/3/2013), ngày 25/3, NHNo&PTNT – Chi nhánh tỉnh Hòa Bình (Agribank Hòa Bình) đã tổ chức hội nghị gặp mặt khách hàng nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ 2013. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Hòa Bình và hơn 100 khách hàng của Agribank Hòa Bình.
(HBĐT) - Trong thời gian gần đấy, phân khúc đất nền tại thành phố Hoà Bình dần trở nên sôi động. Sau một thời gian trầm lắng, đến thời điểm này so với đỉnh điểm hơn một năm trước đấy, mức giá hiện tại đã giảm từ 25 – 30%. Với mức giá được nhận định không thể thấp hơn từ 7 – 8 triệu đồng/m2, giới đầu cơ và những người có nhu cầu tìm đất nền xây nhà ở dường như đã chấp nhận với mức giá hiện tại.
(HBĐT) - Theo Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong tháng 3 trên toàn tỉnh ước đạt 732 tỷ đồng, tăng 23,45% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,36% so với tháng trước và tăng 4,76% so với tháng 12/2012.