Lựa chọn đầu tư tại Hoà Bình, Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam 100% vốn đầu tư của Nhật Bản triển khai tốt hoạt động SX-KD, vững vàng trong khủng hoảng kinh tế. Ảnh: T.T
(HBĐT) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bá Cường, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) khi trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình tại hội nghị giao ban xúc tiến đầu tư (XTĐT) các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2013 vừa được tổ chức ngày 13/12/2013 tại TPHB. Một trong những vấn đề trọng tâm của hội nghị là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTTTNN).
P.V: Thưa ông, để nâng cao hiệu quả thu hút ĐTTTNN thì công tác XTĐT tại chỗ được xem là rất quan trọng. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Bá Cường: Chính phủ đang quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác quản lý ĐTTTNN, trong đó đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ĐTTTNN. Bên cạnh những nỗ lực thay đổi chính sách và cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ, công tác XTĐT đóng vai trò quan trọng đòi hỏi cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động XTĐT.
Hiện nay, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, việc quản lý, hỗ trợ các dự án đang triển khai để họ tiếp tục đầu tư, mở rộng dự án tại Việt Nam (XTĐT tại chỗ) rất quan trọng. Tôi muốn đề cập đến vai trò của XTĐT tại chỗ, đối với các địa phương. Chúng ta cần chú trọng công tác XTĐT tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, hỗ trợ họ để giải quyết các vướng mắc trong quá trình khảo sát, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn. Cùng với các giải pháp cơ bản khác như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch phát triển hạ tầng KT-XH..., triển khai hiệu quả các hoạt động XTĐT tại chỗ là yếu tố quan trọng giúp các địa phương cải thiện môi trường đầu tư, tăng sức hút cho môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nói chung và thu hút ĐTTTNN nói riêng.
P.V: Hiện nay, kết quả thu hút ĐTTTNN của tỉnh Hòa Bình còn hạn chế. Với kinh nghiệm của mình, ông nhìn nhận tỉnh có những lợi thế nào cần khai thác để nâng cao hiệu quả thu hút ĐTTTNN, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Cường: Thứ nhất, Hòa Bình có lợi thế đó là tiếp giáp với Hà Nội. Đây là lợi thế lớn giúp các bạn có thể thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và phát triển dịch vụ. Các DN này có thể là “vệ tinh” hỗ trợ đắc lực cho các DN lớn đã và đang đầu tư tại thành phố Hà Nội. Theo tôi được biết, hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Hà Nội và các tỉnh lân cận Hà Nội. Tỉnh Hòa Bình cần khai thác tốt hơn lợi thế này.
Lợi thế tiếp theo, đó là giá đất. Nhìn chung, giá đất ở tỉnh Hòa Bình tương đối rẻ so với giá đất tại thành phố Hà Nội và các tỉnh quanh Hà Nội. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các bạn, sẽ là điểm cộng khi nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư của Hòa Bình.
Lợi thế thứ ba là lực lượng lao động địa phương. Nguồn lao động tương đối dồi dào của các bạn sẽ là sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình rất chú trọng công tác thu hút đầu tư. Tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động XTĐT nhằm kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã có các KCN. Theo tôi được biết, các KCN này hoạt động tương đối hiệu quả. Hiện nay có 18 DN ĐTTTNN đang hoạt động tại tỉnh và hoạt động SX-KD của họ có kết quả tốt. Đây là những tín hiệu tích cực góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của Hòa Bình trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời là những thông tin tham khảo hữu ích đối với các nhà đầu tư trong quá trình họ tìm hiểu để lựa chọn điểm đến thích hợp.
P.V: Theo ông, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình cần triển khai các giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả thu hút ĐTTTNN?
Ông Nguyễn Bá Cường: Cũng như các địa phương khác, trước hết, tỉnh Hòa Bình cần đánh giá lại toàn bộ tiềm năng, lợi thế sẵn có, lấy đó làm căn cứ để xác định rõ các thế mạnh của địa phương, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm cần tập trung thu hút đầu tư. Sau đó, địa phương cần chủ động đề ra những chiến lược, kế hoạch thu hút đầu tư, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi ĐTTTNN mang tính đột phá, chú trọng các yếu tố hỗ trợ nhà đầu tư, đồng thời, cần làm tốt việc quy hoạch, phát triển hạ tầng, chuẩn bị đất sạch để thu hút đầu tư.
Trên cơ sở đã sẵn sàng để đón nhận những dự án đầu tư, các bạn cần triển khai có hiệu quả các hoạt động XTĐT cả trong nước lẫn nước ngoài, chủ động tiếp cận các tổ chức, tập đoàn, hiệp hội DN có những hoạt động đầu tư cơ bản phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Hoạt động XTĐT cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung quảng bá, giới thiệu các địa bàn, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Ví dụ, nếu các bạn xác định tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì có thể tập trung tiếp cận các DN hoạt động trong lĩnh vực này tại các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!
T.T (TH)
Cuối tháng 11/2013, trên địa bàn tỉnh có 384 dự án gồm 26 dự án ĐTTTNN với tổng vốn đăng ký đầu tư 411,2 triệu USD và 358 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng. Trong 26 dự án ĐTTTNN đăng ký còn hiệu lực, có 18 dự án đã đưa vào khai thác SX-KD, vốn đầu tư thực hiện 159 triệu USD, bằng 38,7% vốn đăng ký, đạt mức trung bình của cả nước. Năm 2013, doanh thu của các dự án này ước đạt 60 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 50 triệu USD (chiếm trên 83% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh), nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4.500 lao động. Nhìn chung, các dự án ĐTTTNN triển khai thực hiện nhanh, sớm đưa vào khai thác SX-KD, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
(HBĐT) - Sáng 20/12, UBND huyện Yên Thủy và Công ty CP xuất nhập khẩu GS Việt Nam đã tổ chức thảo luận và ký kết hợp đồng liên kết cung ứng giống, sản xuất, bao tiêu sản phẩm bí xanh
(HBĐT) - Sáng 20/12, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hòa Bình (VietinBank Hòa Bình) đã tổ chức lễ khai trương Phòng giao dịch mới tại trung tâm huyện Kỳ Sơn. Tới dự có đại diện lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng đông đảo khách hàng của VietinBank Hòa Bình trên địa bàn.
(HBĐT) - Trong điều kiện đặc thù địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, lực lượng mỏng, Đội QLTT huyện Lạc Sơn vẫn nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ ổn định thị trường. Đặc biệt là những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động, vấn đề kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hành vi, thủ đoạn gian lận thương mại càng được Đội quán triệt, tăng cường trong toàn lực lượng.
(HBDT) - Trong năm 2013, các hoạt động chăm lo đời sống CNVC-NLĐ, nhất là CNVC-NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai rộng khắp.
(HBĐT) - “Ăn theo” thời tiết khắc nghiệt của đợt rét đầu vụ đông, thị trường thiết bị sưởi ấm trở nên nhộn nhịp. Tại các cơ sở, cửa hàng, địa lý kinh doanh, các loại túi sưởi, chăn, đệm điện, quạt sưởi đang có sức tiêu thụ mạnh.
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015.