Nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) thu hoạch mía trồng theo phương thức liên kết.
(HBĐT) - Trung tuần tháng 2, chúng tôi đến xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) đúng vào thời điểm bà con nông dân đang bước vào vụ thu hoạch mía. Mặc dù nhiệt độ chỉ 7 - 8oC nhưng không khí lao động trên ruộng mía hối hả, khẩn trương, chị em phụ nữ luôn chân, luôn tay chặt, bó gọn mía thành từng bó, đàn ông, thanh niên hăm hở bốc vác, xếp mía lên xe ô tô chuyên chở.
Ông Bùi Văn Dương, Trưởng nhóm trồng mía liên kết cùng ông Trịnh Văn Hạnh, Trưởng Trạm nông vụ 71, Công ty TNHH mía đường Việt - Đài sau cái bắt tay rất vội, tập trung ngay vào việc chỉ đạo, hướng dẫn bà con thu hoạch theo quy cách, bốc mía lên xe sao cho chất đầy 1 chuyến xe trọng tải 18 tấn gọn trong buổi sáng. Ông Dương cho biết: Toàn bộ diện tích mía trồng liên kết của xóm gần 3,1 ha với 13 hộ dân tham gia. Được Dự án giảm nghèo giai đoạn II hỗ trợ cả về giống, vật tư phân bón và kỹ thuật, người dân hết sức phấn khởi, quyết tâm thực hiện. Càng phấn khởi hơn bởi tròn 1 năm sau khi đặt hom mía xuống ruộng, tích cực chăm sóc, bà con đã được đón nhận vụ thu hoạch đầu tiên. Năng suất được ông Hạnh, đại diện Công ty liên kết thu mua khẳng định chí ít cũng trên 70 tấn/ha, có diện tích ruộng tốt cho năng suất hơn 100 tấn/ha.
Không chỉ hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kỹ thuật, đích quan trọng mà Dự án Giảm nghèo hướng tới là tìm đầu ra ổn định để giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo, vùng nghèo. Theo ông Trịnh Văn Hạnh, đại diện doanh nghiệp cam kết thu mua, trong quá trình thực hiện liên kết mía, một số diện tích đã gặp phải rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động như sâu bệnh, gió bão gây đổ cây..., Công ty đường mía Việt - Đài đã cùng với người dân chung tay khắc phục. Từ tháng 2/2014, gần 177 ha mía trồng theo phương thức liên kết đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn II của huyện lên kế hoạch thu hoạch. Căn cứ vào lượng phân phối kế hoạch thu hoạch của nhà máy, Trạm nông vụ 71 thông báo lệnh thu hoạch hàng ngày đến các trưởng nhóm kèm theo lượng mía thu hoạch hàng ngày và ngày vận chuyển, điều tiết xe vận chuyển theo lệnh thu hoạch. Doanh nghiệp cũng đảm bảo thu mua toàn bộ sản lượng mía trên diện tích liên kết trồng mía với giá 900 đồng/kg đúng như hợp đồng cam kết.
Chứng kiến niềm vui của nông dân xã nghèo trong kỳ thu hoạch mía, trao đổi với đơn vị trực tiếp tổ chức liên kết thu mua cho bà con, đồng chí Bùi Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện tin tưởng: Việc thực hiện liên kết trồng mía sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động đa dạng hóa liên kết thị trường. Dự án Giảm nghèo với vai trò cầu nối đã thúc đẩy hợp tác, kết nối thị trường giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo vùng trồng cây, con hàng hóa giá trị kinh tế cao gắn với đầu ra ổn định. Kể cả sau khi dự án rút đi, bà con nông dân xã nghèo sẽ còn phát huy, tiếp tục mở rộng liên kết trồng mía, phát triển từ nhóm liên kết lên tổ hợp tác, HTX trồng mía nguyên liệu.
Bà con nông dân 5 xã vùng dự án gồm: Lạc Lương, Bảo Hiệu, Đa Phúc, Hữu Lợi, Lạc Hưng đang khẩn trương thu hoạch mía trồng liên kết. Các diện tích thu hoạch xong đã được hợp đồng liên kết lại với công ty đối tác và chuẩn bị phân bón, chăm sóc mía vụ 2. Trong khuôn khổ hỗ trợ của Dự án Giảm nghèo năm nay, liên kết mía sẽ tăng thêm 72,1 ha, 295 hộ dân tham gia trồng mới với Công ty mía đường Việt - Đài, nâng tổng diện tích mía liên kết đạt 295 ha, thành lập 60 nhóm liên kết với gần 1.000 hộ dân tham gia. Tiếp nối thành công của liên kết này, dự án sẽ triển khai hoạt động đa dạng hóa liên kết thị trường đối với tiểu dự án trồng bí xanh. Hiện tại, dự án đang triển khai 31 tiểu dự án trồng bí xanh với diện tích 90,2 ha trên địa bàn 4 xã Lạc Lương, Bảo Hiệu, Đa Phúc và Hữu Lợi với tổng mức hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng.
Bùi Minh
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Vưn, Chủ tịch UBND xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) cho biết: Là xã điểm xây dựng NTM của huyện, trên cơ sở đề án được UBND huyện phê duyệt, Đảng ủy xã tổ chức triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và ra nghị quyết lãnh đạo.
(HBĐT) - Trong năm 2013, huyện Lương Sơn đã cứng hóa đường trục xóm, liên xóm và đường ngõ xóm được 20,201 km, nâng cấp 18,12 km với tổng kinh phí 57.216 triệu đồng, cứng hóa 31,6 km, đạt 36,8%.
(HBĐT) - Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, năm 2013, Hội LHPN huyện Tân Lạc đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức, đẩy mạnh phong trào, vận động tiết kiệm, tăng nguồn vốn... với nhiều hình thức tiết kiệm như: Thành lập các tổ, nhóm (đóng góp mỗi hội viên ít nhất từ 5.000đồng/tháng trở lên), ống bương tiết kiệm, lợn nhựa tiết kiệm, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, sử dụng lương thực, thực phẩm, điện, nước, chi tiêu mua sắm...
(HBĐT) - Đảm bảo cây mạ sạch bệnh trước khi đem ra ruộng cấy, thực hiện sớm biện pháp làm cỏ sục bùn và bón thúc cho lúa đã cấy, cấy dặm những diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại… Đó là những biện pháp kỹ thuật quan trọng mà Chi cục BVTV đã khuyến cáo, đề nghị các địa phương tăng cường áp dụng nhằm đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt cho cây lúa vụ chiêm - xuân năm nay.
(HBĐT) - Cách trung tâm xã Dân Hạ chỉ tầm 7 km nhưng từ nhiều năm nay xóm Dối dường như bị tách ra, biệt lập bởi con đường độc đạo dẫn vào xóm quá gập ghềnh, khó khăn. Với hơn 40% hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, xóm Dối hiện đang là xóm đặc biệt khó khăn của xã Dân Hạ (Kỳ Sơn).
(HBĐT) - Tỉnh ta được phê duyệt 4 đề án chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, xa tại 2 huyện Tân Lạc, Mai Châu theo Quyết định số 678/QĐ - BCT của Bộ Công thương về việc phê duyệt đợt I, Chương trình XTTM quốc gia năm 2014.