Hiện nay, 16 ha cây ăn quả ở xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đã cho hiệu quả kinh tế rõ nét. ảnh: Anh Bùi Văn Mựu (xóm Tân Sơn) đầu tư trồng cây thanh long trên đất bãi.
(HBĐT) - Xã Toàn Sơn (Đà Bắc) có 5 xóm, bản (600 hộ, 2.200 nhân khẩu), trong đó có 2 xóm của đồng bào dân tộc Dao thuộc vùng ĐBKK (xóm Phủ, Rãnh). Đây cũng là xã không có diện tích lúa nước. Vì thế, một thời, Toàn Sơn gặp không ít khó khăn trong phát triển KT-XH. Việc lựa chọn cây, con gì để phát triển, tạo nguồn thu và từng bước XĐ-GN là những trăn trở của các cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2010-2015, phát huy những tiềm năng, thế mạnh cùng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền và toàn dân, Toàn Sơn đã tạo được bước chuyển đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền xã đã có định hướng đúng để mỗi xóm có hướng chuyển đổi phù hợp với điều kiện thực tế, trên nền những cây trồng - vật nuôi chủ lực như cây ngô (650 ha/năm), phát triển vốn rừng (riêng diện tích cây luồng của xã có 600 - 700 ha), chăn nuôi. Năm qua, xã đã mở được 26 lớp chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất cho gần 1.000 lượt người. Nếu xóm Phủ tăng cường phát triển vốn rừng, kết hợp phát triển thủy sản, nuôi cá lồng thì xóm Trúc Sơn (TTCN, phát triển chăn nuôi), xóm Tân Sơn (chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây ngô...). Mỗi xóm đều từng bước khẳng định được thế mạnh và khả năng thích ứng của mình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh Đinh Công Hà, Trưởng xóm Tân Sơn chia sẻ: Do chịu khó tìm tòi, học hỏi, bà con trong xóm đã chủ động hơn trong lựa chọn cây, con để đầu tư, thâm canh. Hiện nay, bà con trong xóm tăng cường nâng cao năng suất ngô (1 năm trồng 84 ha, đạt từ 65-70 tạ/ha), phát triển chăn nuôi bò, gà đồi và cây ăn quả. Nhiều hộ đã có nguồn thu lớn từ vườn cây ăn quả. Tiêu biểu như gia đình anh Bùi Văn Mựu trồng bưởi Diễn, thanh long; 2-3 năm nay đã có nguồn thu ổn định. Năm 2013, lứa bưởi Diễn bán tại vườn được trên 40 triệu đồng. Khi nói về hướng phát triển KT-XH của đồng bào dân tộc Dao xóm Rãnh, bác Dương Đức Phong cho rằng, hiện nay, người dân nơi đây đang có nhiều cơ hội lớn để vươn lên. Ngoài việc con đường về xóm được đầu tư xây dựng, bà con còn nhanh nhạy trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển và nâng cao chất lượng cây mía, ngô. Xóm có 130 hộ và tỷ lệ hộ trồng mía, phát triển thành cây hàng hoá chiếm trên 70%. Hàng năm, xóm duy trì từ 30- 35 ha mía. Nhiều năm gắn bó với cây trồng chủ lực này, số hộ có nguồn thu lớn từ mía ngày càng tăng như hộ anh Triệu Văn Tân, Bùi Văn Tùng (thu 100 triệu đồng/năm); số hộ thu được 50-60 triệu đồng/năm cũng chiếm tỷ lệ cao. Cuộc sống của người dân xóm Rãnh đã có những thay đổi đáng kể về chất. Sức vươn của từng xóm đã tạo tiền đề để Toàn Sơn từng bước phát triển khá. Nhiều năm gần đây, Toàn Sơn nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng (879 ha, trong đó có 300 ha ngô bãi, đạt năng suất khoảng 60 tạ/ha). Đầu tư, thâm canh tốt 16 ha cây ăn quả: vải, nhãn, thanh long, phát huy hiệu quả ưu thế tự nhiên, phát triển chăn nuôi... Năm 2013, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.850 tấn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%; thu nhập bình quân đạt 13,7 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Các chương trình điện, đường, trường, trạm đã góp phần làm thay đổi bộ mặt NTM ở Toàn Sơn. 98% hộ được sử dụng điện. 4/5 xóm, bản được công nhận là làng văn hóa, trong đó, xóm Tra là làng văn hoá, quốc phòng. 76% hộ là gia đình văn hoá. Các trường học trên địa bàn cũng đạt các tiêu chí về đơn vị văn hoá; có trường học là trường chuẩn quốc gia. Xã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”.
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, Toàn Sơn đã đạt được 9 tiêu chí. Đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND xã cho rằng, thời điểm này, dẫu còn gặp không ít khó khăn nhưng Toàn Sơn đã và đang có nhiều cơ hội trong phát triển KT-XH, nhất là hiện nay, việc đi lại, làm ăn giữa các xóm khá thông thương, thuận lợi. Năm 2014, trong công cuộc XĐ-GN xây dựng cuộc sống mới, chúng tôi phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người; nâng dần các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó, chú trọng tới chất lượng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các thiết chế văn hoá tại cơ sở. Mọi nỗ lực đều nhằm tới từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của từng hộ dân, từng xóm, bản.
Bùi Huy
(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Công thương tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm về giá các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu, tránh tình trạng làm giá, nâng giá quá cao như thời gian vừa qua.
(HBĐT) - Đến hết tháng 4, NHCSXH huyện Tân Lạc đạt tổng dư nợ trên 188 tỉ đồng với 16.143 hộ còn dư nợ.
Căn cứ báo cáo của Công ty Toyota Việt Nam (TMV), ngày 12-5, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thông báo về chiến dịch triệu hồi 43.037 xe ô-tô để kiểm tra và thay thế cụm cáp xoắn của túi khí phía người lái trên một số xe như Innova, Fortuner và Hilux.
(HBĐT) - Sáng 12/5, đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Quang Minh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh dẫn đầu đã tiến hành khảo sát công tác QLNN về lĩnh vực giao thông tại huyện Lạc Sơn. Tham gia đoàn khảo sát có lãnh đạo Sở GT-VT, các Ban của HĐND tỉnh.
(HBĐT) - Ông Vũ Quang Vui ở thôn 2C, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy) không chỉ là người cán bộ Hội CCB năng động, nhiệt tình với công việc mà còn là một nông dân điển hình trong phát triển kinh tế với mô hình trồng cây ăn quả. Thành công từ mô hình trồng giống nhãn mới, có thời gian thu hoạch muộn, cho hiệu quả kinh tế cao của ông đã cho thấy hiệu quả của chuyển đổi cây trồng hợp lý ở vùng đất vườn đồi tại địa phương.
Lĩnh vực công thương
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện phát triển điện lưới đến thôn, bản, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Xây dựng, nâng cấp các trạm biến áp và có giải pháp khắc phục tình trạng điện kém chất lượng hiện nay, đặc biệt là vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn.