Đường của xóm Luông Trên, xã Ngổ Luông là đường đất chỉ đi lại tiện hơn vào mùa khô.
(HBĐT) - Cũng là cung đường uốn khúc quanh co nhưng giao thông đến trung tâm các xã Địch Giáo, Quyết Chiến, Lũng Vân êm thuận hơn nhiều so với lên đến điểm xã vùng cao Ngổ Luông thuộc địa bàn huyện Tân Lạc. 11 km đèo, dốc, bề mặt đá dăm lổn nhổn, hàng trăm vũng sình lầy lớn, nhỏ là trở ngại không dễ vượt qua đối với bất kỳ ai qua, lại tuyến đường này.
Bà con ở đây kể: phụ nữ, trẻ em phải đi bộ mỏi gối, chùn chân ra được chợ phiên cũng đến trưa. Cánh thanh niên đàn ông khỏe mạnh thỉnh thoảng có việc ra ngoài phải đi hai người và nhất định phải mang theo đồ sửa chữa, phụ tùng xe máy bởi nếu xảy ra hỏng hóc giữa đường sẽ không có điểm bơm vá, thay lốp nào, nhà dân ở hai bên đường gần như không có. Những thầy, cô giáo từ vùng khác lên bám lớp, bám trường cũng ở lại đây luôn, hãn hữu mới về nhà bởi vấn đề giao thông đi lại cách trở.
Đường vào trung tâm xã đã vậy, đường về các xóm cũng chẳng khá hơn bởi 100% đường liên xóm đều là đường đất, chưa được đầu tư cứng hóa. Với chiều dài 18 km, xóm cách xóm từ 3 - 5 km, để đến được xóm cuối cùng của xã tính từ xóm trung tâm là Luông Dưới phải đi bộ hơn 8 km và cũng chỉ có thể đi được vào mùa khô. Theo ông Bùi Văn Hoan ở xóm Luông Dưới, đường ô tô đã được mở vào đến trung tâm xã từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là đường đất, có đoạn được rải cấp phối nhưng mưa lũ làm xói lở sạch chỉ còn trơ đá. Vì vậy, khó khăn về giao thông chỉ giảm phần nào khi lưu thông vào mùa khô, vào mùa mưa, đường đi, lối lại của bà con cả xã rất khổ.
Giao thông bấy lâu cũng là lực cản đối với công cuộc phát triển KT-XH của xã vùng cao Ngổ Luông. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của xã mặc dù nhiều cố gắng nhưng hạn chế nhiều, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở mức cao. Với cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp chiếm 82%, dịch vụ nhỏ và một số ngành nghề khác chiếm 18%, hộ nghèo chiếm 47,5%, hộ cận nghèo 20,3%, thu nhập bình quân của xã năm 2013 đạt 10,5 triệu đồng/người/năm. Những năm qua, cây ngô là cây trồng chủ lực với diện tích 355 ha. Một số cây nông sản khác cũng được xem là thế mạnh như su su lấy ngọn, ngô nếp bản địa, chè shan tuyết... tuy hoàn toàn có thể phát triển, mở rộng thành vùng cây hàng hóa có chất lượng nhưng giao thông không thuận lợi nên còn manh mún. Lo ngại nhất là sản phẩm hàng hóa do bà con làm ra khó trong tiếp cận thị trường, bị tư thương ép giá. Thường vào các vụ ngô, người dân phải mua giống, phân bón, vật tư do “đầu nậu” đưa vào với giá cao so với giá chung của thị trường. Đến kỳ thu hoạch, tư thương đưa xe vào thu mua bao giờ cũng thấp hơn vài giá so với các xã vùng ngoài. Chưa kể vào thời điểm mưa nhiều, người trồng ngô thấp thỏm chờ thương lái đến thu mua, nếu đến chậm vài ngày, ngô bắp có hiện tượng mốc, giá cả càng thấp.
Không ít người dân ở các xóm Trẳm 1, Trẳm 2, Bo, Luông Dưới, Luông Trên... còn nặng tư tưởng tự cấp, tự túc. Các loại rau - củ - quả, con lợn, con gà được nuôi, trồng chủ yếu dùng trong nhà, chưa mở mang thành sản phẩm hàng hóa. Theo đồng chí Bùi Văn Phong, Chủ tịch UBND xã, bà con các xóm không phải không chí thú làm ăn. Bằng chứng là diện tích ngô do bà con trồng so với tổng số hộ dân toàn xã không hề nhỏ với 324 hộ, bình quân mỗi hộ khai phá, chuyên canh hơn 1 ha ngô. Chưa kể, trong phát triển kinh tế, bà con đã và đang khắc phục khó khăn, đưa thêm loại hình dịch vụ và nghề chẻ tăm mành để tăng thêm thu nhập. Trăn trở của cấp ủy, chính quyền và cũng là nguyện vọng lớn nhất của nhân dân các dân tộc nơi đây là cải thiện về giao thông, đặc biệt là đầu tư tuyến đường Quyết Chiến - Ngổ Luông giai đoạn 2 và tuyến đường Ngổ Luông - Ngọc Sơn (Lạc Sơn). Bên cạnh đó, được ưu tiên thực hiện chương trình cứng hóa GTNT các đường liên xóm.
Bùi Minh
(HBĐT) - Ngày 22/6, Chi đoàn Báo Hoà Bình phối hợp với Thành đoàn Hoà Bình tổ chức triển khai điểm mô hình kinh tế vườn cam thanh niên tại xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất (thành phố Hoà Bình).
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, ngành LĐ -TB&XH tỉnh tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển chọn lao động đến các địa phương để tuyển chọn lao động đi làm việc trong và ngoài nước.
(HBĐT) - Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh. Qua đó, chủ động xây dựng các giải pháp chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn toàn hệ thống.
(HBĐT) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn huyện Đà bắc từ cuối năm 2010. Trong đó, Hiền Lương được lựa chọn làm xã điểm của tỉnh và Tu Lý, Mường Chiềng được chọn là xã điểm của huyện. Trong thời điểm đó, 2 xã Hiền Lương, Tu Lý mới đạt 3 tiêu chí về điện, hệ thống chính trị, ANTT, xã Tu Lý đạt 3 tiêu chí về giáo dục, hệ thống chính trị, ANTT.
(HBĐT) - Theo Sở Tài chính, 6 tháng đầu năm, thu NSNN ước đạt 942 tỷ đồng, đạt 55% dự toán Chính phủ giao, 47% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, thu cân đối ngân sách ước thực hiện 890 tỷ đồng, bằng 52% chỉ tiêu Chính phủ giao, 50% so với NQ HĐND tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 20/6, tại xã Tự Do (huyện Lạc Sơn), Đoàn công tác của TT HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Quang Minh, Uỷ viên TT HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đầu năm tại huyện Lạc Sơn. Tham gia đoàn có lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các Sở: KH-ĐT, Tài chính, Y tế, GT&VT, GD-ĐT, LĐ-TB và XH, TN-MT, Ban Dân tộc, Ngân hàng CSXH tỉnh.