(HBĐT) - Cách thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) hơn 30 km, giữa bạt ngàn núi rừng, nơi chỉ toàn đá tai mèo sắc lẹm, khô cằn, nhờ bàn tay lao động cần cù và óc thông minh, sáng tạo, những con người dám nghĩ, dám làm đã thực sự biến “sỏi, đá thành cơm” làm nên một kỳ tích. Đó là anh Hà Văn Hưng ở xóm Bái, xã Nam Sơn. Năm 1996, với ý chí quyết tâm thoát nghèo, không chịu khuất phục trước khó khăn, anh Hưng đã cùng gia đình cải tạo biến vùng đất rộng hơn 6.000 m2 lởm chởm đá thành trang trại cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm.
Ngày vợ chồng anh Hưng đặt nhát cuốc đầu tiên xuống mảnh đất này, với ý định làm trang trại, anh đã bị nhiều người cho là “gàn dở” bởi khu đất toàn đá này không chỉ nằm tách biệt hẳn làng xóm, không đường, điện, thiếu nguồn nước..., bản thân gia đình anh thiếu vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật, thâm canh còn hạn chế, thậm chí, khi đó anh Hưng cũng chưa biết nên trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả.
Thấm thoắt cũng được hơn 15 năm anh Hưng rời làng, đưa gia đình lên núi với cuộc sống tự cung, tự cấp, đơn độc. Là người từng trải, mang nhiều nỗi trăn trở về những khát vọng đổi đời, anh Hà Văn Hưng đã từng lặn lội trong Nam, ngoài Bắc, vào tận miền đất đỏ Tây Nguyên để tìm đất làm trang trại với ước mong đổi đời. Đất đai, giàu có không thấy đâu nhưng bao nhiêu vốn liếng tích cóp hàng năm trời của 2 vợ chồng anh cũng đã vơi dần theo những chuyến đi tìm “miền đất hứa”.
Năm 1996, sau nhiều lần thất bại, anh Hưng bàn với vợ trở về quê hương. Trong một lần đi núi, anh thấy vùng đất chân núi Thung Lụt có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng lại bị bỏ hoang, anh về vận động gia đình và quyết tâm lên núi lập nghiệp. Đất nhiều đá, ngày ngày anh Hưng cày cuốc, động viên vợ con nhặt đá gom thành đống để lấy chỗ trồng trọt. Đất không phụ công người, từ một khu đất hoang dần dần hơn 6.000 m2 đã trở nên bằng phẳng, không còn lẫn đá, hình thành một trang trại hàng năm cho thu nhập khá ổn định.
Vượt qua những khó khăn trong suốt thời gian qua, anh Hưng đã cùng với gia đình đào đất, phá đá, dẫn nước từ khe núi về và từng bước tìm ra những giống cây trồng phù hợp với đồng đất, khí hậu nơi đây... Đôi bàn chân chai sần của anh nông dân Hà Văn Hưng cứ thoăn thoắt đạp lên đá núi lởm chởm, sắc lẹm đưa chúng tôi về phía rừng quế của gia đình nằm sâu trong núi. Đến nay, đồi quế ở vùng núi Thung Lụt đã trồng được khoảng hơn 3 ha và tiếp tục trồng thêm để phủ xanh nốt diện tích còn lại... Cứ thế, từng ngày từng ngày, những khu đất núi đá tai mèo khô cằn đã hồi sinh, khoác lên nó một màu xanh, màu xanh của cây cối, màu xanh của sự sinh sôi phát triển với nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây quýt, quế... Thành quả của sự lao động cần cù, vất vả đã được đền đáp xứng đáng. Hiện nay, trên khu đất dốc lởm chởm đá tai mèo này, gia đình anh Hưng đã trồng được trên 600 gốc quýt cổ Nam Sơn. Cây quýt đã phát triển tốt và cho thu hoạch mỗi năm vài chục triệu đồng. Nhìn lượng quả vụ quýt năm nay, anh Hưng ước tính chắc chắn sẽ có trăm triệu đồng trong tay. Với những khoảng đất trống còn lại, để tận dụng, gia đình anh trồng xen cây màu ngắn ngày như: ngô, sắn, đậu tương. Không chỉ vậy, cách đây 9 năm, anh Hưng đã đưa cây quế lên vùng đất đá này để trồng, hợp đất, hợp khí hậu, cây quế cứ thế đua nhau vươn lên. Đến nay, lứa quế đầu tiên đã được 9 năm tuổi và phát triển tốt. Ngoài cây quế, quýt, anh còn chú trọng phát triển gia súc, gia cầm. Hiện nay, trong chuồng gia đình anh lúc nào cũng duy trì được đàn gà khoảng 200 con và vài con trâu.
Với sự quyết tâm, anh Hưng đã làm được điều kỳ diệu. Tấm gương của anh nông dân Hà Văn Hưng sẽ làm cho nhiều người phải suy nghĩ: trong cuộc sống phải biết nỗ lực, vững tin vào cuộc sống ngày mai tươi đẹp hơn. Khi có sức, có nỗ lực, có niềm tin, có đất thì sẽ làm được tất cả. Sự cần mẫn, ý chí, dám nghĩ, dám làm của anh Hưng đã có tác dụng cổ vũ rất lớn cho phong trào tận dụng, cải tạo đất đồi bãi hoang hóa để phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo và làm giàu của nhiều nông dân nơi đây.
Minh Thủy
(Trung tâm Truyền thông GDSK)
(HBĐT) - Dự án giảm nghèo (DAGN) giai đoạn II được thực hiện ở huyện Tân Lạc với 9 xã gồm: Bắc Sơn, Nam Sơn, Ngổ Luông, Ngòi Hoa, Gia Mô, Lỗ Sơn, Do Nhân, Phú Cường và Phú Vinh. Theo đồng chí Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện, không những cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, các hoạt động của dự án còn tập trung vào tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương, tăng cường liên kết thị trường. Từ đó góp phần nâng cao mức sống của hàng nghìn hộ nghèo, người nghèo.
(HBĐT) - Theo BCĐ 800 huyện Kim Bôi, đến hết tháng 7, tổng vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện là 215,978 tỷ đồng.
(HBĐT) - Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (KHHĐ QGVTTX) giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những hoạt động thuộc KHHĐQGVTTX cần được triển khai đồng bộ, giai đoạn 2014-2020 tập trung thực hiện 23 hoạt động ưu tiên nhằm từng bước hướng tới các mục tiêu của chiến lược quốc gia về TTX - chiến lược quan trọng tạo nên sự bền vững cho phát triển KT-XH.
Từ ngày 22-8, các doanh nghiệp đang thực hiện thông quan hàng tạm nhập, tái xuất tại Cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát- Lào Cai) sẽ phải tạm ngừng hoạt động, để ưu tiên thông quan lượng hàng nông sản trong nước còn tồn đọng tại đây.
(HBĐT) - Mô hình liên kết trồng cam đang phát triển khá mạnh ở huyện Cao Phong, tập trung ở các xã Tân Phong, Nam Phong, Bắc Phong, Dũng Phong...
(HBĐT) - Theo BQL dự án Kfw7, đến hết tháng 7, dự án đã trồng mới được 378 ha rừng; trong đó huyện Lạc Sơn trồng được 313 ha; huyện Kim Bôi trồng được 65 ha.