Người dân xóm Mới 1 kiểm tra những diện tích gừng còn lại đang phát triển chậm do dịch bệnh.
(HBĐT) - Vì bị nhiễm dịch bệnh nên năng suất, sản lượng sẽ bị sụt giảm khoảng 30% so với dự kiến. Đó là một thực tế rất đáng buồn đang diễn ra với cây gừng tại xã vùng cao Đồng Chum (Đà Bắc).
Cây gừng tại xã Đồng Chum được triển khai trồng thuộc tiểu hợp phần hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc. Năm 2014 là năm đầu tiên cây gừng được trồng thí điểm tại xã Đồng Chum với tổng diện tích thực hiện 41,5 ha (đạt 100% kế hoạch). 264 hộ gia đình tham gia dự án chia thành 11 nhóm với tổng mức đầu tư 3,3 tỷ đồng; trong đó, dự án giảm nghèo hỗ trợ 1,9 tỷ đồng, người dân đóng góp 1,4 tỷ đồng.
Theo đề xuất, năng suất dự kiến 28 tấn/ha, tổng sản lượng thu được 1.162 tấn. Theo hợp đồng, đối tác cam kết thu mua toàn bộ với đơn giá thấp nhất 4.500đ/kg, tương đương với tổng thu 5,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc nói chung, địa bàn xã Đồng Chum nói riêng, thời tiết mưa nhiều kéo dài nên cây gừng bị bệnh ngày càng nặng và diện tích bị nhiễm bệnh lây lan ra đến 32,11 ha (chiếm 77% tổng diện tích).
Trao đổi về tình trạng bệnh của cây gừng tại xã Đồng Chum, đồng chí Nguyễn Hồng Yến – Chi cục phó Chi cục BVTV cho biết: “Diện tích gừng tại xã Đồng Chum bị bệnh thối củ và bệnh cháy lá. Bệnh thối củ phát sinh trong điều kiện độ ẩm cao, thường hại nặng từng chòm, sau đó lan rộng dần thành từng vạt, cả ruộng. Đặc biệt, cây lây lan nhanh sau những trận mưa giông hoặc qua vết thương cơ giới trên cây do tác động của xới xáo, làm cỏ; cây thối từ gốc vào củ, có mùi khó ngửi, cây chết nhanh cả khóm. Bệnh cháy lá làm lá bị khô quắt lại, cây lùn đi, ít đẻ nhánh và nhánh con kém phát triển, có thể làm lụi toàn bộ cả khóm, bệnh có thể phát sinh trên diện rộng với mức độ gây hại khác nhau. Đây là 2 loại bệnh nguy hiểm đối với cây gừng. Tuy nhiên, do đây là năm đầu tiên người dân Đồng Chum trồng gừng nên chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý; khi ngành chức năng nắm được thông tin, bệnh đã lan rộng, khó xử lý.
Để xử lý nguồn bệnh và chặn đứng sự lây lan của bệnh, bảo vệ chồi mới mọc, Chi cục BVTV đã hướng dẫn địa phương dừng ngay việc bón phân, nhổ bỏ và tiêu hủy gừng chết, rắc vôi bột vào vị trí cây nhổ bỏ, sử dụng thuốc đặc trị cho từng loại bệnh.
Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp đó, đến nay, toàn xã đã “cứu” được 29,29 ha gừng phát triển bình thường (chiếm 70% tổng diện tích trồng), bệnh đã dừng lây lan. Tuy nhiên đã có 7,47 ha gừng bị chết (chiếm 18% tổng diện tích trồng); 1,835 ha gừng vẫn đang bị nhiễm bệnh và 2,905 ha rừng bị chậm phát triển.
Theo đánh giá của ông Xa Văn Tông – Trưởng nhóm CIG xóm Mới 1, xã Đồng Chum thì: “Năng suất và sản lượng gừng dự kiến sẽ sụt giảm khoảng 30% so với kế hoạch. Kéo theo đó, giá trị kinh tế cũng bị sụt giảm theo. Bà con rất tiếc vì cây gừng đang là cây trồng mang lại hy vọng phát triển kinh tế; cây đang phát triển tốt lại bị bệnh chết, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con".
Kết thúc vụ gừng năm nay không mấy thành công, để chuẩn bị cho một vụ gừng mới, đồng chí Chi cục phó Chi cục BVTV khuyến cáo bà con cần cẩn thận trong xử lý củ giống, xử lý đất tái canh, chọn giống sạch bệnh và thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm nguồn bệnh để xử lý, không để xảy ra tình trạng gừng bị nhiễm bệnh hàng loạt như vừa qua.
Dương Liễu
(HBĐT) - Theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020, tình hình vốn đầu tư từ NSNN dự báo chỉ tăng từ 8-10%/năm. Theo đó xác định khả năng tổng nguồn vốn đầu tư từ NSNN giai đoạn 2016-2020 khoảng 3.929 tỷ đồng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của BCĐ 800 huyện Yên Thuỷ, từ đầu năm đến nay huyện đã huy động được tổng nguồn vốn trên 210 tỉ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn thực hiện đến tháng 9/2014 ước tính khoảng 43,345 tỷ đồng; huy động vốn của người dân khoảng 23,083 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng và con em xa quê tham gia Chương trình khoảng 136,230 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM trên 8,6 tỉ đồng.
(HBĐT) - Ngọc Sơn (Lạc Sơn) là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 46%. Xã có 8 chi hội PN với 482 hội viên, trong đó, hội viên dân tộc Mường chiếm 99%. Xác định “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ quan trọng, nhiều năm qua, Hội Phụ nữ xã chỉ đạo các chi hội, tổ PN duy trì các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều cách làm thiết thực.
(HBĐT) - Tháng 10, tình hình quản lý và cung ứng điện năng trên địa bàn tỉnh bảo đảm sản lượng cho nhu cầu thiết yếu và sản xuất, kinh doanh, không tiết giảm điện. Trong tháng, toàn tỉnh tiêu thụ điện 38 triệu KWh, tăng 1,154% so với cùng kỳ năm 2013.
(HBĐT) - Thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước, thời điểm 30/4/2014, tổng số công trình chưa quyết toán là 1193 công trình, trong đó cấp tỉnh 196 công trình, cấp huyện 790 công trình, cấp xã 207 công trình. Đến 30/9, tổng số công trình chưa quyết toán là 327 công trình, trong đó cấp tỉnh 71 công trình, cấp huyện 162 công trình, cấp xã 94 công trình. Các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Cao Phong hoàn thành dứt điểm công tác quyết toán.
(HBĐT) - Xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có 10 xóm với hơn 600 hộ và hơn 2.500 nhân khẩu, xã có 6 xóm vùng ven hồ. Do diện tích đất canh tác ít nên nghề chính của bà con thuộc các xóm này chủ yếu là trông chờ vào việc giăng lưới, đánh bắt cá tự nhiên. Do những tác động của sự biến đổi khí hậu, cùng với những hành vi đánh bắt cá mang tính hủy diệt như xung điện, đánh mìn...khiến nguồn thủy sản trên vùng lòng hồ sông đà cũng ngày càng cạn kiệt, vì vậy, cuộc sống của bà con cũng ngày càng khó khăn hơn. Cho đên nay, thu nhập bình quân toàn xã mới đạt 10,7 triệu đồng/người/năm.