Su su lấy ngọn vùng cao Quyết Chiến (Tân Lạc) đã được cấp chứng chỉ VIETGAP về rau đảm bảo an toàn thực phẩm.
(HBĐT) - Những xã vùng cao của huyện Tân Lạc trước đây hạ tầng cơ sở thiếu thốn, điều kiện sản xuất, trình độ thâm canh không thuận lợi, các mặt văn hóa, y tế, giáo dục chưa tiến kịp so với các xã vùng thấp... Tuy nhiên giờ đây, những khó khăn đã từng bước được đẩy lùi, người dân vùng cao đang chung sức xây dựng cuộc sống mới ngày càng no ấm, giàu đẹp.
KT-XH ở xã Phú Cường có những bứt phá nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được biết đến là một trong những “vựa ngô” lớn của cả huyện với gần 500 ha, trong đó có khoảng 30% ngô nếp. Nhân dân trong xã đã bền bỉ khai phá, đưa cây ngô lên núi, đưa giống mới, áp dụng tiến bộ KH -KT vào sản xuất, phát huy cây màu thế mạnh, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Theo đồng chí Bùi Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã, năng suất ngô bình quân các vụ của xã luôn đạt trên 50 tạ /ha trở lên. Giống ngô nếp địa phương cũng được trồng nhiều, mang về nguồn lợi khá. Cây ngô đã giúp bà con thoát nghèo, mang lại cho nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng /năm. Tại xã Phú Vinh, ngô nếp địa phương, ngô lai cũng được mở mang về diện tích trở thành cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Gần đây, Phú Vinh còn được biết đến với việc hình thành vùng mía tím hàng hóa với hàng trăm hộ tham gia. Một số hộ ở các xóm: ưng, Giác, Kè... trồng mía tím lên đến vài ha, thu lãi bình quân từ 150 - 200 triệu đồng /ha.
Ngược theo con đường đèo, dốc gấp khúc, ngoằn ngoèo lên các xã vùng cao Quyết Chiến, Ngổ Luông, Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn, cuộc sống của người dân nơi đây đang có những khởi sắc đáng kể. Bắt đầu từ đưa cây ngô trở thành cây mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa một số cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, điển hình là su su lấy ngọn, quýt ngọt và tỏi tía. Vùng ngô trù phú đã hình thành ở các xã Quyết Chiến, Bắc Sơn, Lũng Vân, năng suất đạt bình quân trên, dưới 60 tạ /ha. Từ chỗ thực hiện theo mô hình, đến nay, diện tích cây su su hiện trồng ở 5 xã gần 60 ha, bình quân thu nhập 300 - 400 triệu đồng /ha. Bên cạnh đó, quýt ngọt được trồng ở xã Nam Sơn với diện tích 40 ha, tỏi tía ở các xã Bắc Sơn và Lũng Vân với 20 ha cũng cho thu nhập cao hơn vài lần so với cấy lúa.
Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các xã vùng cao, nhiều chương trình, dự án, hoạt động đầu tư, hỗ trợ đã kịp thời tiếp sức cho công cuộc đổi mới ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn từ 2009 - 2014, Chương trình 135, dự án Giảm nghèo, Nghị quyết 30a... đã đầu tư, hỗ trợ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho sản xuất, cải thiện hạ tầng cơ sở các xã vùng cao. Hiện nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã thuận tiện, số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 97%. Riêng từ nguồn vốn Chương trình 135 đã đầu tư 159 công trình với tổng vốn trên 82 tỷ đồng. Các công trình sau bàn giao, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả thiết thực, giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa, đảm bảo trường lớp học cho con em học tập, nguồn điện, nước sinh hoạt cho người dân, kênh mương phục vụ sản xuất, trạm y tế chăm sóc sức khỏe... Nhiều chính sách đặc thù đã được triển khai hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, tập huấn các chính sách phát triển KT -XH vùng cao, nâng cao năng lực vận dụng phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc khẳng định: Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, phát huy nội lực, ý thức tự lực, tự cường của nhân dân, cuộc sống mới ở các xã vùng cao đã có những bước chuyển quan trọng. Thời gian qua, UBND huyện đã xây dựng các chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện tốt chương trình phát triển KT -XH gắn với giảm nghèo, phương châm chỉ đạo là tập trung huy động nguồn lực cho phát triển KT -XH, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất vùng khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện nói chung, các xã vùng cao nói riêng luôn đạt, vượt kế hoạch hàng năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện rõ rệt. Qua thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC” gắn với xây dựng NTM, người dân vùng cao đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển sang các hoạt động TTCN, dịch vụ. Các KDC thực hiện tốt việc cưới, việc tang, 75% KDC xây dựng được đội văn nghệ phục vụ các dịp lễ, tết, nhiều mô hình bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường xuất hiện ở vùng cao như xã Ngổ Luông, Lỗ Sơn...
Bùi Minh
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
(HBĐT) - Theo Chi cục thuế huyện Lương Sơn, năm 2014, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 90 tỉ đồng, bằng 120% dự toán huyện giao: Trong đó: Thu trong cân đối 86 tỷ đồng, thu ngoài cân đối 4 tỷ đồng. Tổng số nợ thuế trên 67 tỷ đồng, trong đó: Nợ có khả năng thu là 47 tỷ đồng, nợ khó thu 20 tỷ đồng.
(HBĐT) - Cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao từ 250 - 300 triệu đồng /ha. Do đó, từ những hộ dân trồng manh mún ban đầu, đến nay, xóm Đại Đồng (xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy) đã có khoảng 60 hộ trồng bưởi Diễn với tổng diện tích trên 30 ha.
(HBĐT) - Năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Yên Thủy ước đạt 26,29 tỷ đồng, đạt 120% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 113,4% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện.
(HBĐT) - Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Tân Lạc đã có sự đổi thay đáng kể, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
(HBĐT) - Chia sẻ về đề án này, đồng chí Bùi Văn Chinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Lạc Sơn cho biết: Nhận thấy, hiện nay đoàn viên công đoàn khối xã, thị trấn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những đoàn viên công đoàn làm nhiệm vụ bán chuyên trách ở các xã vùng sâu, xa, Ban thường vụ LĐLĐ huyện đã xây dựng đề án hỗ trợ trâu, bò giống cho đoàn viên công đoàn khó khăn, giai đoạn 2012 - 2017.