(HBĐT) - Ngày 12/5/2015, thay mặt BTV Tỉnh ủy, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 45- CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công. Nội dung chính như sau:
Những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung huy động nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật; theo đó, các công trình giao thông quan trọng, công trình thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hạ tầng điện, thông tin liên lạc, cải tạo và xây dựng mới kết cấu hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, công trình văn hóa thể thao, các chương trình mục tiêu quốc gia…đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, cải thiện văn minh đô thị, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn vốn, tham ô, tham nhũng, hiệu quả đầu tư kém. Nhiều công trình, dự án tiến độ thi công chậm trễ, kéo dài, chất lượng thi công không bảo đảm, vượt chi phí dự toán ban đầu, gây ô nhiễm môi trường, chưa an toàn cho người lao động và người sử dụng. Mặc dù đã có những cố gắng chấn chỉnh nhưng nhiều công trình, dự án tình trạng nợ đọng vốn còn cao, khối lượng đầu tư dở dang, công trình chậm đưa vào sản xuất, sử dụng gây lãng phí, dẫn đến hiệu quả thấp. Chất lượng quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển ngành với vùng, địa phương; quy hoạch chưa sát thực tế, còn chồng chéo, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa chú trọng thỏa đáng yếu tố môi trường xã hội. Cơ chế quản lý đầu tư, phân định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý đầu tư chưa rõ ràng dẫn tới tình trạng khó xác định trách nhiệm đối với người quyết định đầu tư, quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Công tác thẩm định dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, cơ quan thực hiện công tác thẩm định chưa bám sát thực tế công trình, dự án để có ý kiến thẩm định phù hợp, hiệu quả nhất; nhiều sai sót trong hồ sơ thiết kế không được phát hiện qua công tác thẩm định, dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung quy mô, tổng mức đầu tư. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn và tư vấn giám sát còn yếu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện dự án. Tổ chức bộ máy các ban quản lý dự án cồng kềnh, trùng chéo ở các cấp, các ngành, chưa phát huy hết vai trò quản lý của Nhà nước đối với các giai đoạn đầu tư (chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư); công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm có tổng mức đầu tư lớn. Công tác giám sát và đánh giá đầu tư chưa được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nghiêm túc.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quan trọng khác liên quan đến công tác quản lý đầu tư, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm trong đầu tư công.
2. Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong quá trình tái cơ cấu, khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, kém hiệu quả. Chú trọng kiểm tra, giám sát, thực hiện bố trí vốn đầu tư tập trung trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn; nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong cơ cấu lại đầu tư công; kiên quyết thu hồi các khoản tạm ứng và xử lý dứt điểm nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
3. Rà soát, sắp xếp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Chấn chỉnh, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý đầu tư và xây dựng theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp để kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thẩm định dự án gắn với kế hoạch vốn, trách nhiệm quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư và bàn giao cho đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư trong việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn hợp pháp khác cho đầu tư phát triển, vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Kiên quyết đình, giãn, hoãn những chương trình, dự án chưa thực sự cần thiết, hiệu quả đầu tư thấp.
Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra mọi trình tự thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; trong đó chú trọng việc bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiến độ, an toàn và việc thanh toán, quyết toán công trình, dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm trong các hợp đồng xây dựng nhất là tình trạng tiêu cực, tham nhũng, hiệu quả dự án thấp làm thất thoát lãng phí nguồn vốn Nhà nước, nhất là lợi ích nhóm giữa chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thầu xây lắp. Đánh giá hiệu quả đầu tư dựa trên mục tiêu và chu trình của dự án (cả giai đoạn đầu tư và khai thác vận hành).
5. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế để chuyển đổi hình thức đầu tư đối với những dự án đang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng còn thiếu vốn thực hiện. Lập danh mục, trên cơ sở đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án để tổ chức quảng bá, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hoặc hình thức BOT nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
6. Rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, xác định quỹ đất tạo nguồn thu sử dụng đất. Lập kế hoạch trung hạn cho nguồn đầu tư bằng tiền sử dụng đất (bao gồm kế hoạch thu tiền sử dụng đất, đấu giá đất và kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn này).
7. Thực hiện nghiêm nguyên tắc: Xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đúng quy hoạch, kế hoạch đầu tư bảo đảm có hiệu quả và đúng các quy định về quản lý xây dựng cơ bản mới được quyết định chủ trương đầu tư.
Người đứng đầu cơ quan quản lý đầu tư, quyết định dự án đầu tư và đơn vị thực hiện dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tình trạng lãng phí xảy ra đối với công trình, dự án do mình quản lý, phê duyệt và thực hiện. Các ngành chuyên môn cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính khách quan khi tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về chủ trương đầu tư; rà soát, lựa chọn những dự án thực sự cấp bách, cấp thiết để đề xuất chủ trương đầu tư; đồng thời phải làm rõ được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính trong quản lý vốn đầu tư công.
8. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Cần xem xét, lựa chọn các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và năng lực để lập dự án; rà soát dự án bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý, đề xuất quy mô đầu tư, giải pháp phù hợp, tổng mức đầu tư được tính đúng, tính đủ, nhất là các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự phòng để tránh phải điều chỉnh dự án do các yếu tố này gây ra.
Các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định dự án, thiết kế, dự toán cần nâng cao năng lực thẩm định, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, hình thành bộ phận chuyên trách về công tác thẩm định dự án, bố trí cán bộ có đủ trình độ, kinh nghiệm để thực hiện thẩm định. Ngoài việc xem xét tính khả thi, phù hợp của giải pháp thiết kế, cơ quan thẩm định cần kiểm soát, xem xét tính đầy đủ của chi phí đầu tư, tính đúng đắn trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá,… nhằm hạn chế phát sinh, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư. Các dự án điều chỉnh, bổ sung phải được thẩm định chặt chẽ, đồng thời phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan dẫn đến việc phát sinh tổng mức đầu tư.
9. Tăng cường quản lý chất lượng công trình gắn với thực hiện nghiêm túc Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Thực hiện nghiêm quy định về giám sát thi công tại hiện trường, giám sát tác giả của tư vấn thiết kế và giám sát đầu tư của cộng đồng. Tăng cường quản lý năng lực đơn vị tư vấn, xây lắp, định kỳ tổ chức đánh giá, xếp loại năng lực nhà thầu tư vấn, xây lắp và công khai danh sách các đơn vị tư vấn, xây lắp có năng lực yếu kém trên phương tiện truyền thông của tỉnh.
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo giám sát đầu tư, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư nếu không thực hiện đầy đủ, kịp thời báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định, trường hợp tái diễn vi phạm chuyển sang chủ đầu tư khác và xem xét xử lý kỷ luật.
10. Bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc,… cần có những quy định bắt buộc phải có giám sát, tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng đối với các dự án lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh; qua đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt và đánh giá đầy đủ hơn về hiệu quả của các dự án đầu tư, tiến tới có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
11. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện, định kỳ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị này.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
(HBĐT) - Lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, giám sát nghiêm túc, chặt chẽ, linh hoạt, tranh thủ được sự ủng hộ của người dân, huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ nầng nông thôn... Đó là hướng đi tích cực của xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) cho mục tiêu thực hiện thành công chương trình XDNTM trên địa bàn.
(HBĐT) - Sáng 21/5, UBND tỉnh tổ chức họp triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016 trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng, Hội DN, các huyện, thành phố.
Tối nay 20-5, Liên bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá xăng thêm 1.200 đồng/lít kể từ 20h00 ngày 20-5, lên 20.436 đồng/lít, và giảm thuế nhập các loại dầu.
(HBĐT) - Sáng 20/5, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP Hòa Bình, huyện Đà Bắc đã kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 433 (đoạn km 0- km 23).
(HBĐT) - Từ một xã có ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, xã ven đô Sủ Ngòi (TPHB) đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế sang TTCN, dịch vụ để cải thiện đời sống nhân dân và KT -XH.
(HBĐT) - Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nhận được phản ánh vướng mắc của một số địa phương về phạm vi khấu trừ, hạch toán và luân chuyển chứng từ khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các công trình xây dựng cơ bản (XDCB) bằng nguồn vốn NSNN trên địa bàn theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 28 Thông tư số 156, ngày 6/11/2013 và khoản 8, Điều 1, Thông tư số 119, ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính.