Trong giai đoạn triển khai đầu tư Công ty cổ phần BWG Mai Châu đã giải quyết việc làm cho 150 lao động địa phương.
(HBĐT) - Là huyện vùng cao của tỉnh, nhưng nhờ tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác GPMB để thực hiện các dự án, nên hoạt động thu hút đầu tư của huyện Mai Châu có bước khởi sắc. Trong 7 tháng năm 2015, huyện đã thu hút được 2 dự án đầu tư. Với kết quả đó, hiện toàn huyện có 17 dự án, với tổng số vốn đầu tư 576 tỷ đồng. Trong đó, có 15 dự án đã đi vào hoạt động và 2 dự án đang triển khai đầu tư.
Một trong những dự án mở ra nhiều triển vọng mới cho dân cư trên địa bàn huyện Mai Châu cùng các huyện lân cận và vùng Tây Bắc phát triển vùng tre, luồng nguyên liệu quy mô lớn là Nhà máy sản xuất tre tấm ép và viên công nghiệp của Công ty cổ phần BWG Mai Châu, tại Cụm công nghiệp Chiềng Châu.
Tổng giám đốc Nguyễn Công Khải cho biết: “Với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, dây chuyền sản xuât của Nhà máy có công suất 100.000m3 tre ép tấm công nghiệp/năm và 144.000 tấn viên tre ép công nghiệp/năm, với sản lượng tiêu thu khoảng 200 tấn tre, luồng/ngày. Theo đó, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết nhu cầu việc làm ổn định cho từ 300 đến 500 lao động”.
Người dân từ các xã từ Chiềng Châu, Phúc Sạn, Tân Mai, Ba Khan, Tòng Đậu đến Tân Sơn, Mai Hạ, Bao La…đều hết sức vui mừng, vì ngay khi giai đoạn đầu nhà máy đi vào hoạt động họ hoàn toàn không phải lo đầu ra cho cây tre, bương, luồng. Hơn nữa phương thức thu mua, thanh toán của Nhà máy rất đổi mới và thuận lợi. Ông Hà Văn Hợi, ở bản Chiềng Châu, xã Chiềng Châu cho biết: “Nhà máy có đội ngũ “vệ tinh” thu mua nguyên liệu tại đồi rừng, đến thời điểm thu hoạch chúng tôi chỉ việc chặt, gom xuống chân đồi cắt theo quy cách đã được hướng dẫn rồi cân và giao hàng, nhận tiền. Chưa bao giờ tre, luồng lại dễ tiêu thụ và được giá đến thế, hiện tại, tùy thuộc vào kích thước giá bán tre, bương, luồng dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng một cây. Người dân các xã còn được tuyển đi đào tạo để vào làm việc ở Nhà máy, nên người người, nhà nhà đều phấn khởi, thời gian tới chắc chắn diện tích trồng tre, luồng trên địa bàn sẽ phát triển và mở rộng”.
Trở lại Nhà máy tre ép ván và viên công nghiệp, chúng tôi thực sự ấn tượng trước hệ thống dây truyền sản xuất hiện đại đang được lắp đặt trên nhà xưởng với diện tích trên 9.000m2. Ông Nguyễn Sỹ Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BWG Mai Châu cho biết: “Hiện tại Công ty đang tập trung triển khai việc xác lập thị trường nguyên liệu, xây dựng chợ nguyên liệu tre, luồng tại các khu vực trọng điểm của vùng nguyên liệu. Tiến hành ký kết các hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên liệu trên địa bàn. Lên phương án bình ổn giá nguyên liệu chính là tre luồng trong thời gian tới. Với công nghệ bảo quản và hệ thống kho tàng, bãi chứa nguyên liệu đã có, chúng tôi đã tích trữ nguyên liệu trong 2 tháng cấm rừng, từ (15/7-15/9). Vì vậy, khối lượng tre, luồng có thể chế biến hiện tại từ 150-200 tấn/ngày và tăng dần theo tiến độ hoàn thiện dự án, với công suất tối đa 600 tấn tre, luồng/ngày khi dự án hoàn thành đồng bộ. Bên cạnh đó, ngoài 150 lao động đang làm việc tại nhà máy, chúng tôi tiếp tục tuyển dụng và tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ lao động, cán bộ kỹ thuật để phục vụ sản xuất theo tiến độ hoàn thành của dự án trong thời gian tới đảm bảo cân đối, hiệu quả”.
Về khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án, lãnh đạo Công ty cổ phần BWG Mai Châu tỏ ra rất lạc quan: Công ty đã tiếp xúc với các đối tác khách hàng tại các nước Canada, Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ…cả 2 sản phẩm chính là tấm trải đường và viên nén công nghiệp đều có triển vọng hết sức khả quan. Ngoài ra, công ty đã có đơn đặt hàng nan hàng hộp (sử dụng làm đồ nội thất bằng tre) của một số đối tác trong nước.
Đánh giá về dự án Nhà máy sản xuất tre tấm ép và viên công nghiệp của Công ty cổ phần BWG Mai Châu, ông Hà Hiển Nhiên, Trưởng phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Mai Châu cho biết: “Dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển công nghiệp của huyện, của tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tre, luồng cho nhân dân trên địa bàn huyện Mai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Chúng tôi tin tưởng, hoạt động SX-KD của Nhà máy thực sự là “bà đỡ” cho bà con nông dân vùng nguyên liệu. Bởi vậy, trong thời gian tới huyện sẽ phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh tiến hành rà soát, quy hoạch và mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn để vừa đáp ứng nhu cầu của Nhà máy vừa tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, xoá đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu từ trồng rừng nguyên liệu”.
Với quy mô của Nhà máy và lợi thế từ khí hậu, thổ nhưỡng cùng tập quán canh tác của người dân, triển vọng phát triển vùng nguyên liệu bương, tre, luồng ở Mai Châu đã và đang trở thành hiện thực.
Đức Phượng
(HBĐT) - Ngày 23/9, tại xã Lạc Thịnh (huyện Yên Thuỷ), đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã có buổi làm việc và kiểm tra chất lượng thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Cùng dự có lãnh đạo NHCSXH tỉnh, lãnh đạo huyện Yên Thuỷ, xã Lạc Thịnh.
(HBĐT - Theo phòng NN&PTNT Lạc Thủy, trên toàn địa bàn hiện có 125 hộ được cấp phép gây nuôi động vật hoang dã thông thường, số lượng nuôi ước tính có trên 500 con nhím, 2.600 con lợn rừng, trên 1.000 con rắn các loại, 80 con dúi, 47 con hươu sao, 52 con cầy vòi mốc, cầy đốm...
(HBĐT) - Ngày 23/9, đoàn giám sát của Ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND tỉnh) do đồng chí Hoàng Văn Đức, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Hoà Bình. Cùng tham gia buổi giám sát có đại diện thường trực HĐND tỉnh, MTTQ tỉnh, một số sở ngành hữu quan và đại diện Hội DN vừa và nhỏ tỉnh.
(HBĐT) - Theo tin từ Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Tân Lạc, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn diễn ra từ ngày 16 – 18/9 và diễn biến mưa các ngày 21 – 22/9, trên địa bàn xuất hiện thêm một số điểm ngập úng gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân, ảnh hưởng đến lúa, hoa màu.
(HBĐT) - Trong 9 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Mai Châu ước thực hiện là 27.970 triệu đồng, đạt 84,70% so với dự toán giao, bằng 107,71% so với cùng kỳ. Trong đó thu trong cân đối ngân sách thực hiện 26.541 triệu đồng, đạt 93,07% so với dự toán và bằng 105,11% so với cùng kỳ năm 2014.
(HBĐT) - Năm 2015, NHCSXH tỉnh được giao chỉ tiêu kế hoạch dư nợ cho vay hộ nghèo là 660.424 triệu đồng. Đến tháng 9, toàn tỉnh đã thực hiện giải nghân theo kế hoạch đến đúng đối tượng thụ hưởng với dư nợ đạt 658.557 triệu đồng.