Đồng chí Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao trao đổi kỹ thuật sử dụng phân bón cùng bà con trồng cam Cao Phong.
(HBĐT) - Cũng như cây bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ, cam đang là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân các xã vùng đồi huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Thực hiện chương trình liên kết “4 nhà”, cả ở Đoan Hùng và ở Cao Phong, thời gian qua, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp với cơ quan khuyến nông, Hội nông dân và chính quyền địa phương xây dựng các mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao bón cho cây bưởi, cây cam; đồng thời tổ chức tốt hệ thống cung ứng phân bón cho nông dân với những ưu đãi về giá và cơ chế thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất.
Cam không phải là cây trồng mới trên đất đồi Cao Phong mà nó đã có mặt ở đây từ năm 1960 tại Nông trường Cao Phong, diện tích lúc cao nhất lên tới 900 ha nhưng sản lượng chỉ đạt khoảng 3000 tấn. Đất chưa “yêu” cam, người chưa hiểu cam nên cam chưa thể “rút ruột” vì người. Sau đận thoái trào, khoảng chục năm nay, cây cam, cây quýt Cao Phong được phục hồi và đang “lên ngôi”. Năm 2010, với diện tích 577 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn. Năm 2013, diện tích tăng lên 920 ha, sản lượng là 16.000 tấn.
Mới đây, Đoàn cán bộ lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao từ Phú Thọ về Cao Phong, đến thăm đồi cam của anh Nguyễn Văn Hậu ở xã Thu Phong - đồi cam được cho là đẹp nhất vùng. Ông chủ vườn cam 31 tuổi, hồ hởi cho biết: -Với diện tích 0,7 ha, vụ này, sản lượng cam của gia đình anh đạt khoảng 80 tấn. Giá bán cam lòng vàng tại vườn từ 28-30 nghìn đồng/ kg, Năm nay, anh Hậu cầm chắc doanh thu trên 2 tỷ đồng. Bà Lê Thị Sinh ở khu 4 thị trấn Cao Phong, người đang giúp anh Hậu tỉa cành, hái cam cũng cho hay, gia đình bà có vườn cam 0,5 ha, trong vụ này cũng dự thu khoảng 40 tấn.
Bên những gốc cam quả trĩu cành, anh Hậu, bà Sinh nói rằng, người trồng cam ở đây đã biết đầu tư cho cây cam thỏa đáng, biết chăm sóc cam đúng kỹ thuật. Cùng với phân chuồng, bà con đã sử dụng các loại phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao như NPK-S*M1 5.10.3-8, 12.5.10-14; NPK-S 10.5.5-3 để bón cho cam theo từng giai đoạn sinh trưởng phù hợp. Ông Cù Minh Hà, Giám đốc Công ty CP Phùng Hưng - đại lý phân bón Lâm Thao hàng đầu vùng đường số 6 với sản lượng tiêu thụ hàng năm trên 100 nghìn tấn, cho biết: - Ở Cao Phong – Hòa Bình và một số tỉnh, Đại lý và Công ty Supe cùng các tổ chức, đoàn thể ở địa phương đã xây dựng một số mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao cho cây cam rất thành công. Được hướng dẫn, tập huấn, đến giờ, bà con đã khá thành thạo quy trình kỹ thuật bón phân khép kín.
Diện tích trồng cam, quýt ở thị trấn Cao Phong là 715 ha, trong đó khoảng 500 ha đang thu hoạch, sản lượng vụ này - theo ông Bí thư đảng ủy thị trấn cho biết – sẽ vào khoảng trên chục ngàn tấn. Ở Hòa Bình, cây Cam Cao Phong đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo cơ hội thuận lợi để người trồng cam đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Cây cam đã trở thành “cây vàng” của nông dân huyện miền núi Cao Phong.
Tuy nhà máy ở Phú Thọ, nhưng Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là doanh nghiệp luôn đồng hành cùng bà con nông dân các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và các địa phương trong cả nước phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngày mùa, đến với nông dân vùng cam Cao Phong, ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty muốn trực tiếp xác nhận thành quả liên kết thực hiện mô hình, ghi nhận những yêu cầu, nguyện vọng của người trồng cam Cao Phong để tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu có thêm các sản phẩm phân bón mới phù hợp từng loại cây trồng, thổ nhưỡng; có thể áp dụng các cơ chế hỗ trợ hữu hiệu cho nông dân, thuận lợi cho nhà phân phối. Cũng như ở Phú Thọ, với nông dân Hòa Bình, Công ty cam kết sẽ là một trong “4 nhà” mang đến cho bà con những sản phẩm tốt nhất, phương thức cung ứng và chuyển giao kỹ thuật phù hợp nhất để bà con nông dân làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa nông sản Việt Nam ra thị trường khu vực và quốc tế.
Nguyễn Sản
(Báo Phú Thọ)
(HBĐT) - Năm 2015, ngành thuế đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế theo kê khai. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, đối chiếu, xác minh hóa đơn để ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm gian lận, trốn thuế.
(HBĐT) - Vụ đông năm nay, Hội nông dân huyện Lương Sơn đã thực hiện mô hình ứng dụng khoa học trồng cây dưa chuột Nhật, với diện tích 5,2 ha tại 2 xã Tân Thành và Tân Vinh, gồm 70 hộ nông dân tham gia. Đây là mô hình SXNN có kết nối bao tiêu sản phẩm với công ty TNHH Pacific Hòa Bình.
(HBĐT) - Cách trung tâm huyện 36 km, Ba Khan là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Mai Châu. Từ một xã “trắng” tiêu chí, sau 5 năm (2011 - 2015) triển khai chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Ba Khan đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân trong xã đang là bài toán khó.
(HBĐT) - Ngòi Hoa là xã vùng cao của huyện Tân Lạc. Do địa hình phức tạp với núi cao, nhiều đồi dốc và nằm ở ven lòng sông Đà, trước năm 2010, Ngòi Hoa là một trong những xã có mạng lưới giao thông khó khăn nhất huyện. Chính vì vậy, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, ngoài nỗ lực thực hiện các tiêu chí của chương trình, tiêu chí về GTNT được xã chú trọng thực hiện. Đến nay, xã Ngòi Hoa đã có những bước tiến trong xây dựng NTM nói chung và tiêu chí GTNT nói riêng.
(HBĐT) - Đến nay, huyện Lạc Sơn cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng cây vụ đông với tổng diện tích 2496,1 ha/2400 ha, đạt 104% kế hoạch. Trong đó cây ngô thực hiện 1348 ha/1200 ha, diện tích rau các loại thực hiện 712 ha/500 ha, diện tích đậu các loại thực hiện 261,5 ha/ 250 ha…
(HBĐT) - Theo UBND huyện Lương Sơn, nhờ quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đẩy mạnh các biện pháp đối với các tổ chức, cá nhân dây dưa, nợ đọng thuế, năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 108 tỷ đồng, đạt 128,5% kế hoạch tỉnh giao, 101,4% chỉ tiêu Nghị quyết năm, bằng 112,3% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, tổng chi ngân sách huyện năm 2015 ước thực hiện 435,283 tỷ đồng, đạt 107,6% chỉ tiêu Nghị quyết năm.