Mô hình chăn nuôi bò nhốt giúp nhiều hộ dân xã Yên Nghiệp ổn định cuộc sống.
(HBĐT) - Trong những năm qua, Đảng ủy xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn đã chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế địa phương, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Đồng chí Bùi Văn Bẻm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Nghiệp cho biết: Với đặc thù là xã thuần nông nhưng giá cả đầu tư cho sản xuất cao, thị trường không ổn định. Để tháo gỡ khó khăn, đảng bộ xã đã xác định cần phải có nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Sau khi phân tích điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Đảng ủy đã lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chỉ lựa chọn canh tác giống lúa lai cho năng suất cao trên diện tích đất đảm bảo hai vụ lúa còn lại toàn bộ diện tích đất lúa bấp bênh chuyển sang trồng các loại cây màu phù hợp, năng suất cao. Từ việc xác định hướng phát triển phù hợp với điều kiện của xã, đảng ủy xã xây dựng thành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, đồng thời giao trách nhiệm cho đảng viên tại các chi bộ phải gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã tổ chức quán triệt đến các đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phân công các đồng chí đảng viên phụ trách các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đưa các loại giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Theo đó, các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế được xã tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cây, con giống... Đến nay, xã từng bước xác định được các loại cây trồng chủ lực bên cạnh cây lúa như mía tím bình quân hàng năm trồng 190 ha; sắn cao sản 150 ha; ngô lai 80 ha; khoai lang 75 ha; bí xanh, bí đỏ hơn 60 ha. Cùng với việc mở rộng diện tích gieo trồng, nhân dân trong xã đã đẩy mạnh áp dụng KH – KT vào sản xuất nên đã mang lại năng suất cao, tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, để tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Yên Nghiệp đã chỉ đạo nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò. Hiện nay, tổng đàn trâu bò trên địa bàn xã hơn 100 con, chủ yếu do các hộ gia đình nuôi nhốt để tận dụng các nguồn phụ phẩm như lá mía, ngô … Tuy mới phát triển những mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã. Đồng chí Bùi Văn Ên, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho biết: với hơn 1000 con trâu bò, trung bình mỗi năm nhân dân trong xã có khoảng 500 đến 550 triệu đồng thu tăng trưởng và sản phẩm phụ. Đặc biệt, nhiều thôn khó khăn, ít đất sản xuất như thôn Mai Sơn là thôn tái định cư chỉ với 5000m2 đất canh tác/ hộ nhưng nhờ phối hợp chăn nuôi trâu bò, đến nay nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo.
Song song với xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, Đảng ủy xã đã quan tâm chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước tạo thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, bằng nguồn vốn của Nhà nước và huy động nhân dân đóng góp, đã làm được 1.740 m đường trục liên xóm bằng bê tông; huy động 3.046 ngày công nạo vét kênh mương tưới tiêu, tu sửa bai giữ nước, cống thủy lợi. …. Công tác y tế, giáo dục được quan tâm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 20,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí nông thôn mới.
Đi đôi với lãnh đạo phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể được quan tâm, hệ thống chính trị từ xã đến thôn luôn được củng cố, kiện toàn. Đặc biệt, đảng bộ xã luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tinh thần dân chủ ở cơ sở, mối quan hệ mật thiết giữa đảng viên với quần chúng nơi cư trú, kịp thời phát huy những việc làm tốt, khắc phục những tồn tại, tiêu cực nảy sinh, ổn định ANTT thôn xóm.
P.L
(HBĐT) - Nhằm góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống người lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, năm 2015, huyện Lương Sơn phối hợp với Công ty CP chanh leo Nafoods triển khai trồng thí điểm mô hình chanh leo tại xóm Cời và xóm Rụt, xã Tân Vinh, quy mô 5 ha với 22 hộ tham gia.
(HBĐT) - Ngày 25/1, Sở Công Thương đã kiểm tra, nắm bắt tình hình chuẩn bị hàng hóa và tổ chức thực hiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá cuối năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016.
(HBĐT) - Theo rà soát tình hình thiệt hại trên đàn gia súc do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại từ ngày 21/1 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 106 con trâu, bò bị chết rét, chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé non. Các địa phương thiệt hại nhiều về đàn trâu bò gồm Đà Bắc 36 con, Mai Châu 33 con, Lương Sơn 10 con, Tân Lạc 19 con, Cao Phong 6 con, Lạc Thủy 1 con, Kỳ Sơn 1 con. Hầu hết trâu, bò bị chết do tình trạng mưa, rét kéo dài, nhiệt độ lạnh sâu, một số điểm vùng cao của huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu xảy ra mưa tuyết.
(HBĐT) - Triển khai kế hoạch sản xuất vụ chiêm - xuân năm 2016, đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương làm đất và bắt đầu gieo mạ để sẵn sàng xuống giống đúng khung thời vụ. Theo khuyến cáo của Sở NN &PTNT, các địa phương căn cứ khả năng thâm canh và điều kiện sinh thái của mỗi vùng để lựa chọn bộ giống lúa phù hợp, đảm bảo cơ cấu giống lúa hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất.
(HBĐT) - Thành phố Hòa Bình có 14/15 xã, phường có đất lâm nghiệp và rừng. Diện tích đất lâm nghiệp trên 8.840 ha, trong đó đất có rừng 5.554 ha. Vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng của thành phố rất cao, nhất là các khu vực đất lâm nghiệp không có rừng (khoảng trên 3.200 ha) ở các vùng núi đá, khu vực giáp ranh nhiều cỏ lau, bụi cây bị chết vào mùa khô và những khu vực rừng trồng (khoảng trên 4.100 ha) lớp thực bì dày do nhiều lá khô rụng, tạo thành nguồn vật liệu dễ bắt lửa gây nên cháy rừng.
(HBĐT) - Nhằm khai thác tốt nguồn tài nguyên đất đai, lao động sẵn có của địa phương, thực hiện liên doanh liên kết giữa “doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học” để nâng cao giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, năm 2011, huyện Kim Bôi đã triển khai, thực hiện Đề án “Xây dựng cánh đồng thu nhập cao”.