Từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình bà Bùi Thị Đông, xóm Bún, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) đầu tư nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao.
(HBĐT) - Thực hiện Quyết định số 31, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đến với hộ gia đình SX-KD tại vùng khó khăn, nhiều năm qua, nguồn vốn từ chương trình đã và đang trợ lực rất nhiều cho những địa bàn còn nhiều khó khăn trong tỉnh, mở ra cơ hội giúp người nông dân phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống và giảm nghèo.
Đến thăm mô hình kinh tế gia đình bà Bùi Thị Đông, xóm Mời Mít, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) chúng tôi được biết: Trước đây, cuộc sống gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Đất đai sản xuất nhiều nhưng không có vốn đầu tư, chỉ trồng ngô, cấy lúa thu nhập chẳng đáng là bao. Mấy năm trước, gia đình bà được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn SX-KD vùng khó khăn đầu tư mua cặp bò, đồng thời tiếp tục cải tạo đất để trồng bưởi Diễn, táo, lê, mía, ngô và cây rau màu khác. Đến nay, gia đình bà có đàn bò 5 con, vườn bưởi và táo sắp cho thu hoạch.
Gia đình anh Vũ Xuân Hương, xóm Bún, xã Yên Mông cũng vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi. Anh Hương tâm sự: Được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cùng với nguồn vốn dành dụm của gia đình, vợ chồng tôi đầu tư trồng 4 ha keo, nay đã cho thu 1 chu kỳ và trồng lại năm thứ 2. Ngoài ra, gia đình còn nuôi lợn thịt và trâu, bò, bình quân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình còn dư nợ 42 triệu đồng, trong đó, 30 triệu chương trình SX-KD và 12 triệu đồng chương trình NS&VSMT.
Bà Bùi Thị Bình, tổ trưởng tổ TK&VV xóm Bún, xã Yên Mông cho biết: Tổ có 55 thành viên thực hiện 5 chương trình tín dụng với dư nợ trên 1 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay SX-KD có dư nợ cao nhất 488 triệu đồng với 26 hộ vay vốn và sử dụng vốn vay khá hiệu quả. Nhờ vốn vay, bà con có điều kiện phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, mức cho vay thời gian qua đối với các hộ gia đình tối đa 30 triệu đồng chưa đáp ứng được nhu cầu SX-KD của bà con.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 142/191 xã được thụ hưởng nguồn vốn của chương trình cho vay đối với hộ gia đình SX-KD vùng khó khăn. Ngay từ khi mới triển khai chương trình, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng. Đến hết tháng 5, tổng dư nợ của chương trình đạt gần 350 tỷ đồng với 20.120 hộ còn dư nợ. Dù đồng vốn còn hạn chế, song đã giúp hàng nghìn hộ gia đình, đồng bào dân tộc vùng khó khăn trong tỉnh có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, nâng cao thu nhập. Thời gian qua, chương trình tín dụng đã góp phần khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm chênh lệch tăng trưởng giữa các vùng trong tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 306/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình SX-KD tại vùng khó khăn. Cụ thể, mức vốn cho vay tối đa đối với một hộ là 50 triệu đồng (tăng thêm 20 triệu đồng); trong một số trường hợp cụ thể mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng nhưng không quá 100 triệu đồng. Việc Chính phủ quyết định nâng mức cho vay vào thời điểm này sẽ tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, cải thiện đời sống, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn.
Với mức cho vay được nâng lên, hiện NHCSXH tỉnh đang tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các địa phương, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã phối hợp với hội, đoàn thể cơ sở rà soát, nắm bắt lại nhu cầu vay vốn của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng để ngân hàng lập kế hoạch vốn trình NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời, trong thời gian này, ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các đối tượng thụ hưởng về những quy định mới cho vay hộ SX-KD vùng khó khăn, sớm triển khai cho vay trong thời gian sớm nhất.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Vụ chiêm - xuân năm nay toàn tỉnh gieo trồng trên 16.500 ha lúa. Hiện cơ bản diện tích lúa đã chín, các địa phương đang tập trung thu hoạch. Tính đến ngày 9/6, toàn tỉnh đã gặt được 5.939 ha, bằng 36% diện tích, tăng 4.074 ha so với kỳ trước.
(HBĐT) - Tại Công văn số 916 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thông báo kiểm tra kế hoạch nguồn vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta được phân bổ 649.868 triệu đồng vốn đầu tư trung hạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
(HBĐT) - Năm 2016, trên cơ sở nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và theo nhu cầu thực tế của các địa phương, tỉnh đã dành 1,5 tỷ đồng hỗ trợ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
(HBĐT) - Theo BCĐ xây dựng NTM tỉnh, trong năm nay, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã về đích NTM. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, BCĐ xây dựng NTM tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện xây dựng NTM để sớm về đích.
(HBĐT) - Tân Thành là xã vùng Nam huyện Lương Sơn, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Tân Thành gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm, thu nhập của người dân và cơ sở hạ tầng còn thấp.
(HBĐT) - 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giữ vững tăng trưởng, đặc biệt đối với mặt hàng xuất khẩu điện tử, dệt may. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 28,2 triệu USD, lũy kế 5 tháng đạt 133,1 triệu USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ, đạt 39,1% kế hoạch năm.