(HBĐT) - Mới 21 tuổi nhưng VĐV xe đạp địa hình Đinh Văn Linh đã trở thành một trong những tay đua xuất sắc nhất của làng xe đạp Việt Nam khi không có đối thủ tại các cuộc đua trong nước.


Vận động viên xe đạp địa hình Đinh Văn Linh - niềm hy vọng cho thể thao thành tích cao của tỉnh.

 Nói đến thành tích của VĐV này đã đạt được thì phải liệt kê hẳn một danh sách dài mới hết. Thành tích tiêu biểu như 4 năm liên tiếp từ 2014 - 2017, Linh đều giành 3 HCV ở nhiều nội dung xe đạp địa hình trong Đại hội TD -TT toàn quốc. 3 năm liên tiếp (2015-2017) em bảo vệ thành công chức vô địch trong giải đua xe đạp địa hình toàn quốc, nội dung cá nhân tính giờ. Hay tại giải Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc và vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc tổ chức tại tỉnh ta hồi tháng 8/2017, tại nội dung băng đồng Olympic cá nhân và đồng đội nam, VĐV Đinh Văn Linh đã vượt qua nhiều tay đua tên tuổi của các CLB đua xe đạp lớn và các tay đua đẳng cấp để về nhất với thành tích 1:34:09.

Sinh năm 1996, Đinh Văn Linh đến với môn thể thao đua xe đạp bằng tất cả sự nỗ lực tự thân rèn luyện. Cái duyên đầu tiên đến với thể thao vào năm 2010, em tham gia Giải việt dã huyện Tân Lạc và giành giải nhất. Từ đây em gặp được huấn luyện viên hiện tại của mình, thầy Trần Đại Nghĩa đã nhận ra tố chất thể thao trong con người Linh và đã lên tận nhà nói chuyện, xin phép gia đình đưa em ra trường Phổ thông năng khiếu TD -TT tỉnh để rèn luyện. Ban đầu HLV định hướng cho em tập điền kinh. Vào thời điểm đó lại có đội tuyển xe đạp của các tỉnh Sơn La, Hà Nội, Thanh Hóa đang tập luyện tại đây. Nhìn các VĐV tập luyện, Linh bị lôi cuốn bởi những vòng xoay của chiếc xe đạp. Từ đó sau mỗi giờ học điền kinh, Linh mượn xe của các anh chị ra tập luyện thử. Và đây cũng là điểm xuất phát đầu tiên trong chặng đường trở thành VĐV xe đạp địa hình chuyên nghiệp hiện tại.

Đến năm 2011, lần đầu tiên Linh có cơ hội cọ xát, tham gia giải "Vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc” tại tỉnh Bình Dương. Tuy mới giành HCĐ nhưng đó cũng là nguồn động viên, khích lệ để em nỗ lực hơn trong tập luyện. Linh chia sẻ: Động lực lớn nhất phải nhắc đến gia đình, quê hương nơi em sinh ra và lớn lên cực kỳ khó khăn và gia đình em cũng không ngoại lệ, đó là vùng quê nghèo xóm Ghẹ 2, xã Lũng Vân (Tân Lạc). Năm 1998, khi được 2 tuổi, em gặp một biến cố đầu tiên trong đời đó là không may bị bỏng khá nặng. Chi phí điều trị quá lớn so với khả năng của gia đình, bố mẹ em phải bán đi mọi thứ trong nhà để có tiền đưa em đi viện. Đến khi trở về đến gạo cũng không có mà ăn. Cuộc sống của gia đình quá vất vả nên em phải sống tốt để gia đình được vui, bù đắp lại những thiếu thốn. Động lực thứ hai là tính em rất hay tự ái (cười) nên trong lúc tập luyện mà thấy ai hơn mình là không chịu được, phải cố gắng vượt mức có thể của mình. Cố gắng vì lòng tự trọng cho dù chơi bất cứ môn thể thao gì em cũng muốn khẳng định với mọi người mình là số 1…

Môn đua xe đạp đòi hỏi phải có thể lực dẻo dai, bền bỉ nên hàng ngày bất kể thời tiết mưa nắng, em luôn dành ra 5 tiếng để luyện tập. Đinh Văn Linh tâm sự: Tính kiên nhẫn, bền bỉ luyện tập đã giúp em có một thể lực tốt, đủ sức vượt qua đối thủ tại các trận thi đấu lớn. Ngoài ra, trong quá trình tập luyện, em có tinh thần cầu thị, học hỏi bạn bè cũng như tích lũy kinh nghiệm, phát huy tối đa năng lực, sở trường và khắc phục điểm yếu.

Tỉnh ta thuận lợi là có địa hình lý tưởng để phát triển môn xe đạp. Nhưng cũng có nhiều khó khăn trong việc phát triển môn thể thao thế mạnh này. Trang thiết bị tập luyện thi đấu không thể bằng các đội như Hà Nội, Quân đội hay An Giang. Chế độ lương, thưởng thấp, chưa đủ sức "giữ chân” các VĐV tài năng. Đã nhiều lần, Linh muốn tìm đến nơi phù hợp hơn để phát triển hết khả năng của bản thân nhưng nơi đây vẫn còn nhiều điều khiến em không thể rời xa. Một trong những lý do đó là em muốn khẳng định vị thế của thể thao tỉnh nhà. Đinh Văn Linh rất vinh dự khi trở thành một trong những VĐV của CLB thể thao Hòa Bình khoác trên mình tấm áo của đội tuyển quốc gia để cống hiến hết mình cho nền thể thao Việt Nam.

Sau khi Seagame 2013 đi qua, xe đạp địa hình Việt Nam thực hiện chiến dịch trẻ hóa. Khi các VĐV kỳ cựu đã lớn tuổi cùng với khát vọng thi đấu đã chững lại, Đinh Văn Linh là một trong những VĐV trẻ được đưa lên đội tuyển trong chiến dịch trên, đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời em. Nhưng điều khiến những nhà chuyên môn cảm thấy vui nhất, đó chính là nỗ lực vươn lên của em trở thành VĐV giỏi "lấp đầy” những "khoảng trống” mà đàn anh để lại. Sự khiêm tốn và hết mình trong tập luyện là điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất khi tiếp xúc với em, phải chăng đây chính là yếu tố giúp Đinh Văn Linh nhanh chóng trở thành niềm hy vọng của xe đạp địa hình Việt Nam.

Seagame 29 vừa qua, Linh tiếp tục lỡ nhịp với giải thi đấu lớn nhất của thể thao khu vực và đây là lần thứ 3 liên tiếp các nước chủ nhà không đưa môn xe đạp địa hình vào trong danh sách những môn thi đấu chính thức. Điều đó đồng nghĩa là 3 lần em lỡ hẹn với giải thể thao lớn nhất khu vực. Giấc mơ chinh phục tấm HCV cho Việt Nam tại kỳ Seagame còn đang dang dở nhưng tin rằng, giấc mơ đó sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng bởi chính khát khao và mong ước cống hiến của Đinh Văn Linh.

 

Thảo Hương

 

 

Các tin khác


V-League lên giá nhờ hiệu ứng U.23 Việt Nam

Chiến tích vang dội của đội U.23 Việt Nam (VN) tại giải U.23 châu Á đúng vào bối cảnh Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đang tìm kiếm nguồn lực tài chính cho mùa giải mới 2018.

Báo Hàn: Bóng đá đưa Hàn Quốc và Việt Nam xích lại gần nhau

Trang Korea Times của Hàn Quốc viết rằng tối thứ Bảy (27/1) vừa qua, Việt Nam đã bùng nổ trong sự phấn khích bất chấp thất bại 1-2 trước Uzbekistan trong trận chung kết Giải vô địch U23 châu Á do Liên đoàn bóng đá châu Á tổ chức.

Dư âm Australian Open: BTC thiên vị Federer hay Cilic đổ thừa hoàn cảnh?

Marin Cilic đã đổ thừa nguyên nhân mà anh thua cuộc, một phần vì quyết định đóng mái che sân Trung tâm của BTC, trong khi đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, BTC đã thiên vị cho Roger Federer khi đưa ra quyết định đóng mái che sân đấu một cách khó hiểu...

Bóng dáng của người thầy

Tổ nhẩy xa thuộc đội điền kinh Việt Nam đã có năm 2017 thành công và tất cả bắt đầu tập luyện từ đầu năm mới 2018. Nhiệm vụ quan trọng của họ là tranh huy chương ASIAD 2018 nhưng chỉ một mình VĐV thôi là không thể thành công...

Nhiều địa phương tổ chức mừng công riêng cho tuyển thủ U23 tại quê hương

Rất nhiều địa phương đã lên kế hoạch thực hiện riêng lễ mừng công cho các cầu thủ quê hương của mình đã có mặt trong đội U23 Việt Nam đoạt ngôi á quân giải U23 châu Á 2018 mới đây.

Nguyễn Anh Tú: “Tôi quyết tâm tìm ngôi vô địch bóng bàn Đỉnh cao Việt Nam”

Tay vợt người Hà Nội là một trong những niềm hy vọng sáng giá của bóng bàn nam Việt Nam ở năm 2018. Nguyễn Anh Tú cho biết, năm nay rất bận rộn để chuẩn bị chuyên môn nhưng mục tiêu ở cuộc đấu đầu năm tại giải Đỉnh cao Việt Nam lần 2-2018 là tìm cúp vàng vô địch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục