Với Thể thao Việt Nam (TTVN), việc hoàn thành chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV tại ASIAD trên đất Indonesia vẫn là cả một thách thức lớn.

Đánh giá đã có những bước tiến rõ rệt về cả nền tảng lẫn mũi nhọn, khả năng tranh chấp thành tích, song theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, với Thể thao Việt Nam (TTVN), việc hoàn thành chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV tại ASIAD trên đất Indonesia vẫn là cả một thách thức lớn. Đơn giản vì chúng ta không có nhiều gương mặt mà xác suất chiến thắng lên tới mức 90%. Ông Minh cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ lần đầu có HCV ở một môn Olympic.

Có thể giành trên 40 huy chương các loại

* PV: Ông đánh giá như thế nào về quá trình chuẩn bị, cũng như thực lực của đoàn TTVN tham dự ASIAD lần này?

- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Theo tôi, chất lượng chuẩn bị và lực lượng của đoàn TTVN tranh tài tại ASIAD đã có bước tiến rõ rệt so với các lần trước, được cụ thể ở số môn và số tuyển thủ có thể tranh chấp huy chương tăng lên đáng kể. Ở kỳ ASIAD năm 2006, TTVN chỉ có 23 huy chương các loại, năm 2010 đã tăng lên 33, năm 2014 là 36. Còn đến kỳ Đại hội này, tôi cho rằng chúng ta có thể giành được trên 40 huy chương các loại ở ít nhất 20 môn. Đó là sự thay đổi đáng kể cả về nền tảng lẫn mũi nhọn.

Mục tiêu phấn đấu giành 3 HCV trở lên của đoàn TTVN tại ASIAD 2018 là hoàn toàn có cơ sở. (Ảnh: TTVH)

Thành quả này là sự kết đọng cho sự chuyển hướng mạnh mẽ của ngành thể thao trong tư duy và cách làm khi đã quan tâm tập trung cho các môn Olympic và ASIAD thay vì chỉ quanh quẩn với SEA Games. Cùng đó, quá trình chuẩn bị cũng có những sự thay đổi tích cực theo hướng đầu tư trọng điểm cho các tuyển thủ ưu tú ở những môn thế mạnh, cho dù ở trường hợp này trường hợp khác hãy còn trục trặc và bất cập.

* Có nghĩa là, ngay từ trước khi tranh tài, TTVN đã có khác biệt cơ bản?

- Đúng như vậy. Rõ ràng TTVN đã chuẩn bị, dự tranh ASIAD với một cách tiếp cận mới, một lực lượng cùng sức mạnh mới khi đấu trường đỉnh cao châu lục được coi như một đích nhắm chính, chứ không rơi vào tình thế được chăng hay chớ như trước. Ở góc nhìn của tôi, ASIAD là giải đấu quan trọng nhất với tư cách một thước đo thực sự đánh giá sự trưởng thành của thể thao Việt Nam sau những thành công tại đấu trường SEA Games, hay Olympic.

Chỉ một tuyển thủ đạt tầm mức trên 90% khả năng giành HCV

* Dù TTVN đã có bước chuyển mình đáng kể, song suy cho cùng, người ta vẫn dành sự quan tâm lớn nhất đến chỉ tiêu HCV. Ông nghĩ gì về chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV tại ASIAD 2018?

- Chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV với TTVN ở kỳ Á vận hội này là hợp lý và không thể khác với thực tế và đòi hỏi phát triển. Chúng ta có khả năng giành 3 HCV, thậm chí có thể lên tới 4-5 chiếc. TTVN sẽ nắm lợi thế lớn ở các môn võ nhất là khi Indonesia đưa Pencak Silat vào chương trình thi đấu. Nhiều năm qua, Pencak Silat là cuộc đấu nội bộ của Việt Nam và Indonesia. Với hơn chục bộ huy chương tại ASIAD, cơ hội giành HCV của võ sĩ Việt Nam là rất cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có một số tuyển thủ đã đạt tới trình độ hàng đầu thế giới và châu Á như Thạch Kim Tuấn, Trần Văn Vinh (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ngoan (karatedo), Bùi Thu Thảo (điền kinh), Nguyễn Thị Thật (xe đạp)… Trong lịch sử các kỳ Á vận hội, chưa bao giờ chúng ta có nhiều "cửa” tranh chấp HCV như lần này.

Tuy nhiên, khả năng tạo ra đột phá vẫn còn hạn chế. Thế nên việc hoàn thành chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV vẫn là cả một thách thức lớn. Nếu phát huy tận dụng tối đa khả năng và gặp may mắn, chúng ta có thể đạt và vượt mức 3 HCV, trong khi ở chiều ngược lại chuyện chỉ đoạt 2 hay thậm chí 1 HCV vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

* Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là gì thưa ông?

- Đơn giản vì tất cả chỉ dừng ở "có khả năng” chứ không chắc chắn. Chúng ta không sở hữu những VĐV đã ra quân là có Vàng. Ví như nội dung chạy của điền kinh VĐV phải bỏ xa đối thủ, nội dung tính điểm tạo ra chênh lệch lớn hay nội dung đối kháng thì phải nhiều lần chiến thắng. Chỉ khi đáp ứng được yêu cầu như vậy TTVN mới nói chắc là sẽ có HCV môn này, môn nọ.

Chúng ta cũng chỉ có thể nói chắc chắn nếu xác suất chiến thắng của VĐV cao hơn 90 %. Mà để đạt trên 90 %, TTVN hiện chỉ nhìn thấy Bùi Thị Thu Thảo - người đang là số một châu Á ở nhảy xa. Mấy cuộc thi gần đây, Thảo đều đứng đầu, thành tích đều ngang ngửa hoặc hơn các đối thủ chính. Hầu hết các trường hợp được nhắm Vàng còn lại, khả năng tranh chấp HCV của chúng ta chỉ ở mức 50-50 hay 40-60, thậm chí thấp hơn.

 * Bỏ qua những phân tích kể trên, xin ông cho biết dự đoán của mình về thành tích Vàng của đoàn TTVN tại ASIAD 2018?

- Tôi rất mong và tin TTVN sẽ giành được không chỉ 3 HCV. Tôi cũng kỳ vọng chúng ta sẽ lần đầu có HCV ở một môn Olympic. Nếu đoạt được một tấm HCV ở một môn Olympic, chúng ta đã có một cột mốc lịch sử. Dù vậy, tôi cũng xin lưu ý rằng các nhà quản lý huấn luyện, các tuyển thủ nên ý thức được rằng, TTVN đang có những VĐV có khả năng tranh chấp HCV chứ chưa nắm ưu thế tuyệt đối. Vì vậy, nếu đạt chỉ tiêu 3 HCV hay hơn là điều đáng mừng nhưng nếu không giành được số đó thì cũng không đáng thất vọng. Điều quan trọng là chúng ta đã quyết tâm, nỗ lực hết mình.

* Cuối cùng, ông nghĩ gì khi lãnh đạo ngành thể thao không áp chỉ tiêu thành tích cho đội tuyển bóng đá nam?

- Tôi nghĩ đó là một cách tiếp cận và truyền thông hợp lý, nhằm tránh sức ép không cần thiết đối với thầy trò Park Hang Seo. Còn ai cũng hiểu với sứ mệnh và vai trò đặc biệt của mình, đội tuyển bóng đá nam sẽ phải phấn đấu để đạt tới mức cao nhất, cả về thành tích lẫn màn trình diễn. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, kết quả của bóng đá nam sẽ ảnh hưởng lớn tới cả đoàn TTVN, không chỉ trong thời gian tranh tài trên đất Indonesia mà còn cả hậu Đại hội. Thầy trò ông Park Hang Seo cần hiểu rõ câu chuyện này để chiến đấu hết mình trong từng trận đấu cụ thể.

* Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia Nguyễn Hồng Minh về cuộc trao đổi./.


Ngoại trừ ASIAD 2002 do chính ông Nguyễn Hồng Minh làm Trưởng đoàn, TTVN đã thành công bất ngờ với 4 tấm HCV, ở cả ba kỳ Đại hội gần đây, chúng ta đều hụt chỉ tiêu, thậm chí thảm bại. Trong đó, ở cả ASIAD 2010 và 2014, Việt Nam đều chỉ đoạt được 1 tấm HCV duy nhất, đầy gian nan mà cũng may mắn. Năm 2010, nếu không có sự xuất thần của võ sĩ trẻ môn Karatedo Lê Bích Phương, cả đoàn quân đã rời cuộc đấu trong cảnh "tay trắng”. Năm 2014, lại thêm một trường hợp tỏa sáng đầy bất ngờ khác là võ sĩ Wushu Dương Thúy Vi mới cứu vãn được được thảm cảnh.

 

 

           TheoVOV.VN

Các tin khác


Ánh Viên: "Tôi muốn đổi màu huy chương Asiad"

Kình ngư số một Việt Nam đặt quyết tâm giành được thành tích cao tại Á vận hội sắp diễn ra tại Indonesia.

Lịch thi đấu của đội tuyển nữ Việt Nam tại Asiad 2018

Sau hành trình di chuyển khá mệt nhọc với 2 chặng bay và đến Palembang (Indonesia) vào đêm 13-8, ngày 14-8, đội tuyển nữ Việt Nam đã nhanh chóng ra sân tập luyện. Buổi tập bắt đầu lúc 10 giờ, chủ yếu để các cầu thủ thả lỏng sau hành trình di chuyển.

Olympic Việt Nam khởi đầu thuận lợi tại ASIAD 18

Hai pha sút hỏng phạt đền của Công Phượng cùng ba bàn thắng của Quang Hải, Văn Quyết và chính Công Phượng là những điểm nhấn đáng chú ý trong chiến thắng 3-0 ở trận ra quân của Olympic Việt Nam trước Olympic Pakistan ở bảng D ASIAD 18 diễn ra trong chiều tối 14-8.

Việt Nam - Pakistan: Giải mã ẩn số ở Asiad 2018

16h chiều nay 14/8, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ đá trận ra quân tại bảng D với đối thủ ẩn chứa nhiều bí ẩn.

Lịch thi đấu bóng đá ASIAD 2018: Olympic Việt Nam nhập cuộc

Đội tuyển Olympic Việt Nam của huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ chính thức bắt đầu hành trình của mình tại ASIAD 2018 bằng trận đấu với Olympic

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục