Tay vợt Wang Chuqin của Trung Quốc thi đấu nội dung bóng bàn đơn nam gặp Truls Moregard (Thụy Điển) tại Olympic Paris 2024, ở Pháp, ngày 31/7.
Trong suốt nhiều thập niên qua, Trung Quốc luôn là nhà vô địch số một không thể tranh cãi trong môn bóng bàn. Tuy nhiên hiện nay, phần còn lại của thế giới, với châu Âu đi đầu, đang quyết tâm bắt kịp Trung Quốc.
CEO của công ty World Table Tennis - ông Steve Dainton chia sẻ với kênh DW (Đức): "Theo truyền thống, bóng bàn được coi là môn thể thao do người châu Á độc tôn, chủ yếu là bởi sự xuất sắc lâu dài của Trung Quốc và mối liên hệ văn hóa sâu sắc với môn thể thao này". Việc san bằng khoảng cách với Trung Quốc sẽ là điều không dễ dàng.
Kể từ khi bóng bàn được đưa vào Thế vận hội Olympic năm 1988, Trung Quốc hầu như giành phần lớn huy chương của môn thể thao này. Sau Olympic Bắc Kinh năm 2008, khi quốc gia chủ nhà giành được chiến thắng áp đảo với huy chương vàng, bạc và đồng ở cả nội dung nam và nữ, quy định đã được thay đổi để mỗi quốc gia chỉ có thể cử hai vận động viên.
Ông Dainton phân tích: "Tại Trung Quốc tồn tại một nền văn hóa và cơ sở hạ tầng ăn sâu bén rễ về môn thể thao này, với những chương trình đào tạo bài bản và một guồng máy vận hành chặt chẽ để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng từ khi còn rất trẻ. Các vận động viên Trung Quốc được thừa hưởng những cơ sở tập luyện đẳng cấp thế giới và môi trường thi đấu đỉnh cao, ngay cả khi chỉ thi đấu trong nước. Hơn thế nữa, họ còn được tiếp thêm động lực bởi tự hào dân tộc trong việc gìn giữ ngôi đầu. Điều này đã tạo nên nhiều thế hệ tay vợt tài ba”.
Học hỏi từ Trung Quốc
Việc thi đấu với những tay vợt số 1 thế giới người Trung Quốc, có thể giúp vận động viên các quốc gia khác đặt ra tiêu chuẩn và lộ trình dẫn đến thành công.
Tay vợt bóng bàn số 20 thế giới - Omar Assar người Ai Cập nhận định: "Trung Quốc luôn là thước đo chuẩn mực trong làng bóng bàn, đặc biệt là về cường độ tập luyện và sự tận tâm trau chuốt từng khía cạnh nhỏ nhất. Mỗi trận đấu với những kỳ thủ hàng đầu Trung Quốc đều là cơ hội học hỏi quý giá. Họ mang đến bàn đấu sự chuẩn xác tuyệt đối và kỷ luật thép, thúc đẩy tôi nâng tầm bản thân lên một đẳng cấp mới”.
Không có con đường tắt dẫn đến thành công, tuy nhiên Sofia Polcanova, một trong hai nữ vận động viên không phải người châu Á duy nhất trong top 15 tay vợt bóng bàn hàng đầu thế giới vào tháng 12 lại có ý kiến khác. Polcanova của Áo chia sẻ: "Từ việc quan sát độ chính xác và kỷ luật trong bóng bàn châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có rất nhiều điều chúng ta có thể rút ra khi xây dựng các chương trình ở châu Âu”.
Nhà vô địch bóng bàn châu Âu năm 2022 cũng bổ sung: "Tôi tin tưởng vững chắc rằng châu Âu có tiềm năng vô hạn để đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ kế cận, đảm bảo các tài năng trẻ được sớm va vấp và rèn luyện trong môi trường thi đấu quốc tế".
'Vũ khí' của châu Âu
Công nghệ cũng có thể trở thành "trợ thủ” đắc lực cho các tay vợt châu Âu muốn chinh phục đỉnh cao mới.
Tay vợt người Đức Patrick Franziska nói: "Các tài năng trẻ và đội ngũ huấn luyện viên giờ đây có thể tiếp cận kho tàng kiến thức vô tận trên mạng, từ các buổi tập huấn, đến video trận đấu và chiến thuật trên các nền tảng như YouTube. Điều này giúp họ nghiên cứu, học hỏi và tiến bộ thần tốc. Với làn sóng vận động viên trẻ ngày một đông đảo và số người yêu thích môn thể thao này không ngừng gia tăng, tôi tin rằng bóng bàn châu Âu sẽ còn vươn xa và mạnh mẽ hơn”.
Đức là quốc gia châu Âu thành công nhất về số huy chương Olympic. Franziska từng giành tấm huy chương bạc tại Olympic Tokyo 2020. Anh được truyền cảm hứng từ huyền thoại Timo Boll của Đức.
Franziska nói: "'Boll thường được xem là đối thủ đáng gờm nhất của Trung Quốc, tạo nên những màn đối đầu nghẹt thở cho người hâm mộ. Việc chứng kiến các tuyển thủ châu Âu tranh tài với những bậc thầy và mang vinh quang về cho quê nhà đã tiếp thêm động lực cho sự phát triển”.
Với những thành công ngày càng tăng, Franziska và nhiều tay vợt khác đang hy vọng thổi bùng ngọn lửa đam mê cho thế hệ kế cận, đưa bóng bàn "lục địa già” lên những tầm cao mới.