(HBĐT) - Không biết từ bao giờ, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, trong mỗi gia đình không thể thiếu sắc màu rực rỡ của hoa, cây cảnh. Thú chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đã trở thành nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Trong sắc xuân rực rỡ, ý nghĩa của những bông hoa, nhành cây đem đến cho mỗi gia đình những gì tươi đẹp nhất của một năm mới.


Bà Nguyễn Thị The, xóm Tân Lập 1, xã Trung Minh, Thành phố Hòa Bình chăm sóc khu vườn đang vào thời kỳ rộ hoa.

Rực rỡ làng hoa xuân

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, làng hoa Tân Lập (xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình) lại rực rỡ khoe sắc, tỏa hương. Nhiều người cho rằng, mùa xuân đến sớm nhất ở chính làng hoa này. Đây cũng là thời điểm bận rộn nhất của người dân khi cả năm chăm sóc, chỉ mong một mùa hoa thắng lợi.

Thăm làng hoa Tân Lập những ngày giáp Tết mới thấy hết vẻ đẹp lôi cuốn của các loài hoa. Phía bên này là những khóm hoa hồng, pha lê… Bên kia rực rỡ sắc vàng của hoa cúc đại… Xa xa muôn màu của thược dược, lay ơn, violet… đua nhau khoe sắc. Tất cả cùng hội tụ tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp làm say đắm lòng người.

Xóm Tân Lập được biết đến với nghề trồng hoa. Nhiều loài hoa được bàn tay cần cù của những người nông dân nơi đây chăm sóc để nở đúng thời điểm, phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Theo người dân nơi đây, cây hoa đã "bén duyên” được gần chục năm nay. Người đưa cây hoa về với Tân Lập được bà con nhắc đến là ông Đào Ngọc Hợi, xóm Tân Lập 1. ông mua giống hoa cúc về trồng thử, thấy cây phát triển tốt, sắc hoa rực rỡ, có mùi thơm đặc trưng. Từ đó ông mạnh dạn chuyển đổi hẳn một phần đất vườn của gia đình để trồng hoa.

Vườn hoa nhà ông Hợi cứ thế lớn dần, cả về diện tích lẫn số lượng. Hiện, gia đình ông có hơn 2000 m2 đất trồng cúc và nhiều loại hoa khác phục vụ bà con thành phố Hòa Bình. Đưa tay vun xới luống hoa vừa chớm nở, ông Hội cho biết: Trồng hoa khó hơn trồng các loại cây khác, trước khi bắt đầu phải nhẩm tính rõ thời vụ. Thường thì phải tầm 3 tháng mới được thu bán. Khi cây cao được hơn 1 tấc thì tỉa những nụ lẻ, chỉ để lại những nụ chính để hoa vươn khỏe và bông to đều. Trồng cúc thì nên làm giàn để cây không bị gẫy, đổ khi mưa to, gió lớn. Những khi trời đông nhiều sương muối, phải che đậy cho hoa tránh bị táp hỏng. Giá bán tùy vào thời điểm, những lúc được giá thì 3.500 đồng /cây. Bình quân mỗi vụ gia đình ông thu về hơn 20 triệu đồng từ bán hoa.

Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho việc trồng hoa. Tiết trời hơi se lạnh làm cho các loài hoa nở càng rực rỡ, tươi tắn hơn. Trong các loại hoa phục vụ Tết, thị trường hiện nay vẫn ưa chuộng hoa cúc hơn những giống hoa khác. Trồng cúc cần có nhiều ánh sáng để cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, nhiều hộ trồng hoa đã đầu tư hệ thống điện thắp sáng từ khi mới trồng được hơn 10 ngày. Trong quá trình chăm sóc phải làm cỏ thường xuyên, căn chỉnh thời điểm phù hợp để bón phân, phòng ngừa sâu bệnh.

Ngoài hoa cúc, hoa lay ơn cũng được nhiều gia đình ưa chuộng. Lay ơn có nhiều màu sắc rực rỡ, dáng hoa yêu kiều, lại tươi lâu 10-20 ngày, vì thế vào dịp Tết ai cũng cố gắng mua một bó cắm bình tô điểm ngôi nhà. Tại thị trường Hòa Bình, hoa lay ơn chủ yếu nhập từ địa phương khác về, do vận chuyển xa nên hoa không giữ được màu sắc tươi như ban đầu. Nắm bắt được tâm lý người chơi hoa, gia đình ông Nguyễn Xuân Trúc, xóm Tân Lập 2 đã thử nghiệm xuống giống 200 củ hoa lay ơn phục vụ dịp Tết. ông Trúc cho biết: Do đây là giống hoa mới tại địa phương, trước đây chưa ai trồng nên tôi mạnh dạn nhập giống từ Đà Lạt về trồng thử nghiệm. Thời tiết mùa đông thích hợp, trời càng rét nhiều, hoa càng đẹp, càng tươi lâu. Tuy chăm sóc khó nhưng giá bán cao hơn so với hoa cúc. Trung bình bán từ 8.000 -10.000 đồng /cành.

Xã Trung Minh hiện nay có hơn 100 hộ trồng hoa với tổng diện tích trên 2 ha. Đối với người dân nơi đây, trồng hoa không chỉ giúp phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn là nét văn hóa làm đẹp cho đời, tô thắm thêm sắc màu quê hương.

Thú chơi cây cảnh ngày Tết

Không khí Tết không chỉ ở những làng hoa mà bắt đầu nhộn nhịp thị trường. ông Nguyễn Văn Học, chủ nhà vườn Hiếu Học, xóm Trung, xã Trung Minh cho biết: Nhà vườn đã kinh doanh hoa được nhiều năm nay, nhưng sôi động nhất vẫn là thị trường dịp Tết. Cửa hàng cung cấp đủ các loại hoa cho thị trường, đặc biệt là các loại hoa lan. Giá cả giao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng tùy vào kích thước cũng như độ đặc biệt của cây. Ngoài ra, nếu cây cồng kềnh hoặc mua với số lượng lớn, chúng tôi sẵn sàng chở cây đến tận nhà khách hàng, không tính phí.

Anh Đồng Văn Phương ở xã Dân Hòa (Kỳ Sơn), tiểu thương bán cây cảnh cho biết: Hầu hết khách hàng đến lựa chọn, mua cây cảnh, hoa đều có xu hướng thiên về các loại cây truyền thống như: Mai, đào, hoa địa lan, cây phát lộc, kim tiền… bởi mong muốn đem tài lộc, sung túc và may mắn cho gia đình trong dịp năm mới. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường năm nay tăng cao hơn năm ngoái và những lo ngại về việc tăng giá dịp cận Tết nên đa số các doanh nghiệp, cá nhân mua hoa để trưng bày hoặc tặng khách hàng đều đã đặt hàng từ bây giờ. Vì vậy, để phục vụ cho vụ Tết năm nay, từ trước Tết khoảng 1 tháng chúng tôi đã nhập về nhiều loại cây cảnh, hoa khác nhau từ khắp nơi như ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) hay Mộc Châu (Sơn La) với số lượng lên đến hàng nghìn cây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Dạo quanh những khu phố bán cây cảnh những ngày giáp Tết, chúng tôi nhận thấy, năm nay loại cây đang được người chơi cây cảnh chú ý, săn đón tìm hiểu nhiều đó là cây ghép nhiều loại quả. Cây ghép thường có 5 loại quả chính: Bưởi, cam, quýt, quất và phật thủ. Mỗi quả tượng trưng cho một ước nguyện, mong muốn khác nhau, như quả phật thủ tượng trưng bàn tay Phật nâng niu, che chở gia đình; quả bưởi tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng; quả cam, quýt, quất lại gửi gắm mong muốn thành đạt, giàu sang, đầy đủ…

ông Nguyễn Văn Cường, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, một khách hàng chia sẻ: Thật đáng khâm phục tài năng nghệ nhân đã trồng và ghép thành công nhiều loại quả trên cùng một cây. Để có được một tác phẩm như vậy không biết bao nhiêu công sức, trí óc và đôi tay khéo léo, bởi mỗi loại quả lại cho những thời gian ra hoa, kết trái khác nhau. Để kết hợp được các loại quả trên cùng một cây và có quả đúng dịp Tết thật là độc đáo. Mặc dù giá thành có đắt hơn những loại cây truyền thống khác như cây quất, cành đào nhưng tôi vẫn chọn cây ghép quả bởi sự mới lạ.

Để ngôi nhà những ngày Tết thêm phần tươi tắn, ấm cúng thì hoa tươi và cây cảnh không thể thiếu trong không gian của mỗi gia đình Việt. Có thể thấy, sự đa dạng, phong phú trong các loại hoa, cây cảnh thể hiện sự năng động, nhạy bén của những nghệ nhân trong việc sản xuất ra các loại các sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Và thú chơi hoa, cây cảnh ngày Tết không chỉ thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt mà còn mang ý nghĩa sâu xa: Mùa xuân sẽ mang tài lộc, bình an đến cho con người.

 


Ông Nguyễn Văn Học, Chủ nhà vườn Hiếu học, xã Trung Minh, Thành phố Hòa Bình giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

 

                                                               Đồng Hương

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục