(HBĐT) - Như đã thành lệ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Bác Hồ đều có thơ gửi tặng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Mỗi vần thơ của Bác như những lời khích lệ, động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương, đất nước. Còn nhớ, bài thơ chúc Tết, mừng Xuân đầu tiên của Bác Chúc Tết Nhâm Ngọ - 1942 được Bác viết sau một năm về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, giữa lúc chiến tranh thế giới đang ở thời kỳ ác liệt, dân ta còn dưới ách áp bức bạo tàn của phát xít Nhật và thực dân Pháp, nhưng những lời thơ của Bác năm đó như một sự báo hiệu mùa xuân cách mạng đang tới:

"Tháng ngày thấm thoát chóng
như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ sao vàng bay phất phới!
Năm nay là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới”.

Tết Quý Mùi 1943, Bác bị chính quyền Trung Hoa dân quốc giam giữ ở Quảng Tây, Trung Quốc. Cuối tháng 9/1944, Bác mới về nước. Tháng 2/1945, Bác lại sang Trung Quốc để tranh thủ sự đoàn kết quốc tế cho cuộc cách mạng của Việt Nam. Vì vậy, các Tết: Quý Mùi 1943, Giáp Thân 1944, ất Dậu 1945, Bác không có Thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Nhưng các năm sau này, gần như đều đặn, từ năm 1946 đến năm 1969, mỗi lần Xuân tới, Bác Hồ đều làm Thơ chúc Tết đồng bào.


Bác Hồ tặng quà các cháu thiếu nhi Tết Mậu Thân 1968.ảnh: T.L

Cách đây đúng 50 năm, Xuân Mậu Thân 1968, đêm 29 rạng ngày 1/1/1968 cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra trên toàn miền Nam, quân và dân ta đồng loạt tổng công kích vào sào huyệt các cơ quan đầu não của địch. Cũng vào thời khắc này, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên lời chúc mừng đầu xuân của Người:

"Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”

Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đã tạo một bước ngoặt quyết định đối với công cuộc chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, làm nức lòng bạn bè gần xa, làm rung chuyển toàn bộ nước Mỹ. Bài thơ Tết Mậu Thân của Bác như một bản hùng ca mang âm hưởng từ câu đầu đến câu cuối, như một thông điệp phát ra gieo vào lòng người niềm tin tưởng lạc quan cách mạng. Trong thời khắc thiêng liêng nhất của đầu năm mới, âm hưởng đó có sức lay động lòng người, khẳng định năm qua thắng lợi đã vẻ vang, năm nay xuân về chắc chắn tin vui thắng trận càng nở rộ cả hai miền…

Tết Kỷ Dậu 1969, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe rất yếu nhưng Bác Hồ vẫn viết Thư và làm Thơ chúc Tết gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước. Không ngờ đó là bài Thơ chút Tết cuối cùng trước khi Bác ra đi. Đây là một trong hai bài lục bát trong 22 bài Thơ chúc Tết của Bác, được viết với niềm tin tưởng tuyệt đối rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn.

"Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào
vui hơn!”

Những lời thơ của Bác năm nào như một sự tiên đoán vận mệnh của nước nhà. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy, bọn đế quốc xâm lược đã buộc phải rút khỏi nước ta, chính quyền tay sai phản động ở miền Nam lúc đó bị quân ta tiến công phải đầu hàng và sụp đổ, Bắc - Nam đã sum họp một nhà, giang sơn quy về một mối, thỏa lòng mong ước thiết tha, cháy bỏng của Bác cũng như của toàn dân tộc.

Lại một mùa Xuân mới đang đến. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, như đã thành truyền thống, mỗi người dân Việt Nam đều mong muốn được đọc và nghe lại những bức thư, những bài thơ chúc Tết của Người, đó như món quà tinh thần vô giá, trở thành nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết của nhân dân trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

(Trích theo Đảng Cộng sản Việt Nam.vn)

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục