NSND Anh Tú (vai Trần Cảnh) và NSND Lê Khanh (vai Chiêu Thánh)
trong vở Rừng trúc
Đêm diễn Cô gái đội mũ nồi xám (kịch bản Lưu
Quang Vũ) kết thúc, đạo diễn Anh Tú chỉ nói với phóng viên một câu: "Các bạn
đừng xem vở diễn bằng con mắt của ông Nguyễn Đình Nghi”. Cho tới lúc đó, ông
Nghi vẫn luôn được giới sân khấu coi như đạo diễn tốt nhất thời đại kịch Lưu
Quang Vũ. Nói vậy, bởi khi dựng vở diễn, ông Tú muốn xác lập một không gian
khác, một không khí khác cho tác phẩm. Ông muốn nó vẫn giữ tinh thần của mơ ước
những tòa nhà chọc trời thời bao cấp, nhưng lại gần gũi với khán giả thậm chí
sinh ra sau thời kỳ Đổi mới nhiều năm.
Người xuất sắc của thế hệ vàng
Tuy nhiên, thời kỳ hạnh phúc và ngọt ngào nhất của ông với sân khấu,
có lẽ vẫn là những năm cùng diễn với bạn bè trong khóa diễn viên đầu tiên của
Nhà hát Tuổi trẻ. Họ gồm chưa tới 40 diễn viên được tuyển chọn từ 1.200 đơn ứng
thí. NSND Phạm Thị Thành sau này nhớ lại lứa diễn viên này hội tụ rất nhiều khả
năng, từ diễn xuất đến múa hát và tư duy sân khấu. Họ làm nên một thế hệ vàng của
kịch miền Bắc sau này với Anh Tú, Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức
Hải, Minh Hằng, Quốc Tuấn…
Trên sân khấu, Anh Tú trở thành Vũ Như Tô đau đớn, vấp ngã trong
chính ham muốn cống hiến của mình, rồi lại trở thành Hưng yêu nhiệt thành và dần
chững chạc trong Tin ở hoa hồng; rồi thành Trần Cảnh giằng xé giữa
bao mối quan hệ riêng - chung trong Rừng trúc… Khả năng tan vào vai
diễn của Anh Tú dường như không có giới hạn. Điều đó giúp ông, giữa rất nhiều
nam nghệ sĩ đẹp và diễn xuất tốt của nhà hát, vẫn nổi bật và được giao những
vai diễn quan trọng.
|
Anh Tú đã là một diễn viên trọn vẹn với đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp của
từ này. Đã hóa thân. Đã có nhân vật khó, thước đo của một diễn viên lớn. Suốt
thời kỳ làm diễn viên, ông sống trong những ngày sân khấu đông khán giả nhất.
Ông cùng bạn bè đã có những vở diễn kinh điển, mẫu mực như Vua Lia,
Hamlet, Romeo và Juliet. Ông cũng cùng kịch tràn sang truyền hình
thành những vở diễn "đóng hộp”. Nó không đúng với tư duy sân khấu, nhưng cũng
không phải phim truyền hình. Nhưng hạn chế ấy cũng không ngăn nổi khán giả đón
trước màn hình để xem kịch, chứng kiến mối tình trong sáng đến thơ ngây của ông
với Lan Hương trong Tin ở hoa hồng. Ở đó, có cảnh họ đi bên nhau cạnh
cửa hàng bách hóa Tràng Tiền mà nay đã là trung tâm thương mại, để nói với nhau
về lòng tin vào tình yêu, niềm tin ở hoa hồng.
Chưa bao giờ hết yêu sân khấu
Những năm tháng sau này, khi ông Tú chuyển sang làm đạo diễn không
ngọt ngào như thế. Năm tháng ấy đắng cay hơn vì sân khấu thưa vắng dần. Nhưng ông Tú, với những vở diễn
được dựng liên tục, chưa bao giờ hết yêu sân khấu. Những đêm diễn này, ông
trong cánh gà nhìn lứa sau của mình lên diễn. Ông cũng nhìn thấy cả những mong chờ
sân khấu thay đổi từ hàng ghế khán giả và không phải lúc nào cũng thành công.
Như nhiều diễn viên kịch khác, ông Tú cũng có những cuộc dạo chơi
sang phim truyền hình. Ông có Của để dành, Chiều ngang qua phố cũ...
Những bước dạo vào thời kỳ truyền hình trở thành bệ phóng, là nơi nuôi nghề cho
nhiều diễn viên kịch. Tuy nhiên, dù thành công với phim, chưa bao giờ ông quên
mình sinh ra để gắn liền với sân khấu. Ông đã luôn quay lại với nhà hát, ở đâu
đó trong rạp hát để chứng kiến đồng nghiệp khổ luyện, rồi cùng họ luyện tập đợi
màn lên. Ông cũng có giải vàng trên tư cách đạo diễn.
Giờ đây, khi sàn diễn không còn bóng ông đứng dàn tập cho đồng
nghiệp, điều an ủi cuối cùng có lẽ ông đã ốm khi đang làm việc. Được gắn bó với
nhà hát tới tận cuối cùng, với người yêu kịch nói bao năm như ông, cũng là một
hạnh phúc. Và khi màn sân khấu buông xuống lần này, hình ảnh của NSND Anh Tú
không thể khác - một người luôn tin vào sân khấu, tin ở hoa hồng.
TheoThanhnien