Chị Nguyễn Thị Hương, con gái bà Hoàng Thị Hải, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đóng gói bánh khảo theo đặt hàng của khách du lịch.
Bà Hoàng Thị Hải, trú tại xã Thông Huề, người có nhiều năm kinh nghiệm làm bánh khảo cho biết: Chiếc bánh là món quà quê dung dị nhưng để làm ra gồm nhiều công đoạn cầu kỳ, tính cả quy trình khoảng mươi bước: chọn gạo, rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn…
Gạo làm bánh khảo phải là loại hạt tròn, mẩy, đãi thật sạch. Hiện nay, người Thông Huề chủ yếu dùng gạo nếp "Hèo” đặc biệt thơm và dẻo, được để giống từ đời xưa. Gạo sau khi được ngâm với nước ấm rồi vớt ra để ráo, sàng qua một lượt, bỏ hết những hạt gãy, vỡ, rang ít một trên chảo gang, lửa liu riu, dưới có một lớp mỡ mỏng. Đạt yêu cầu là khi hạt gạo chín tới, có màu vàng nhạt, cắn thấy giòn tan. Cũng theo bà Hải, nếu quá lửa, hạt gạo trong sống, ngoài xém, màu của bánh sau này sẽ xấu. Vậy nên để đảm bảo, mỗi mẻ chỉ rang từ 1-2 bát gạo, đảo đều tay. Cả buổi tối có khi mới rang xong 5 kg gạo.
Gạo sau khi rang để nguội, xay khô cho đến khi bột mịn, hạ thổ để qua đêm cho bột ỉu, lấy đường phên giã nhỏ hòa nước đổ vào bột, nhào cho đến khi bột dính cho vào khuôn ép. Muốn bánh khảo thêm ngon, thêm bùi, nhân bánh cũng phải đủ vị và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhân bánh gồm có lạc, vừng và thịt mỡ. Vừng đen hoặc lạc rang giã nhỏ, luộc chín mỡ lợn, thái hạt lựu ướp với đường kính.
Thoăn thoắt đôi tay, bà Hoàng Thị Hải đổ bột vào khuôn, lấy lông gà rắc lên một lớp bột sống mỏng, cho nhân, đổ thêm lớp bột lên trên, rồi dùng bàn ép ép chặt, lấy dao khía lên bánh để chia thành các phần bằng nhau. Vừa làm, bà vừa giải thích: việc chia bánh phải thực hiện ngay khi ép bởi nếu để lâu bột sẽ khô, khó cắt. Khi khía vẫn phải vẩy bột sống để tránh dính và khi ăn dễ dàng bẻ ra, hai nửa bánh không dính vào nhau.
Sau khi gỡ ra khỏi khuôn, bánh khảo được gói bằng giấy bản, thường có màu trắng. Phong bánh khảo sau khi hoàn thành có hình chữ nhật, to, nhỏ, dày mỏng tùy theo người làm. Bánh khảo Cao Bằng có vị thơm của bột nếp, vị bùi của vừng và lạc rang, vị ngậy của thịt mỡ, vị ngọt thanh của đường. Tất cả hòa quyện, đậm đà khó quên. Bánh khảo được bán theo chục, giá từ 100.000 - 140.000 đồng/10 phong nhỏ.
Do khó thiu, mốc nên trước đây bánh khảo còn được coi là lương khô của người Tày. Bà con khi lên nương mang theo bánh ăn chống đói. Ngày nay, bánh khảo là loại bánh không thể thiếu với mỗi người dân Cao Bằng trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán. "Ngon nhất là thưởng thức hương vị bánh bên tách trà ấm nóng để cảm nhận niềm vui lao động, hương vị lúa mới và tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng đã tạo nên một loại bánh công phu, đặc trưng có một không hai” - bà Hoàng Thị Hải chia sẻ.
Hải Yến
(HBĐT) - Sở VH-TT&DL vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ năng quản lý, xây dựng và quảng bá thương hiệu trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Tham gia lớp tập huấn có 60 học viên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.