(HBĐT) - Nghệ thuật múa xòe phản ánh phong tục, tập quán sinh hoạt của người Tày (Đà Bắc). Múa xòe thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của con dâu, cháu dâu trong nhà đối với ông bà, bố mẹ khi bước sang thế giới bên kia. Xòe còn thể hiện niềm vui, sự hân hoan để đón chào năm mới, niềm vui trong ngày cưới và những sự kiện quan trọng của xóm, làng.



Đội văn nghệ xóm Chàm, xã Tân Pheo (Đà Bắc) thường xuyên tập luyện múa xòe để biểu diễn trong các sự kiện của địa phương.

Cụ Hà Văn Phởi, xóm Chàm, xã Tân Pheo cho biết: Người Tày Đà Bắc có 3 điệu xòe chính, gồm: Xòe Họi (điệu xòe trong đám tang người chết); xòe Khón Đáng và xòe tròn (xòe trong những ngày vui như lễ, Tết, đám cưới, hội làng...). Trong tín ngưỡng của người Tày Đà Bắc, trong nhà có người chết thì các thế hệ là dâu như con dâu, cháu dâu… trong họ hàng múa xòe Họi. Điều đó thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc tới ông bà, bố mẹ nhà chồng. Trong điệu xòe Họi, người phụ nữ chỉ được mặc áo đỏ hoặc áo hoa và bắt buộc phải đeo "thộng sạnh” có chuông 2 đầu (chiếc túi nhỏ), đầu đội mũ chào mào. Thế hệ dâu con trong họ sẽ tiến hành 4 lần xòe tương ứng với 4 lần làm lễ, gồm: lễ cúng gà bé, mặc quần áo cho người chết, bữa cơm con trai cúng và bữa cúng tiễn đưa lên trời. Dụng cụ sử dụng trong xòe đám tang là chiếc gậy làm bằng cây nứa già, dài khoảng từ 1,5 - 1,8 m. Khi xòe, người phụ nữ làm các động tác đâm chiếc gậy nứa xuống sàn nhà. Điệu xòe Họi kết thúc khi thầy mo thực hiện xong các nghi thức cúng tiễn đưa người chết.

Vào những ngày lễ, Tết, hội làng, tất cả già trẻ, trai gái tay trong tay vui điệu xòe Khón Đáng và xòe tròn. Một vòng xòe có ít nhất từ 10 - 15 người, càng đông người vòng xòe càng đẹp. Điệu xòe được tổ chức vào dịp đầu năm mới để cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà, mọi người dồi dào sức khỏe. Những ngày vui như đám cưới, hội làng, các sự kiện quan trọng của địa phương, người Tày Đà Bắc đều múa xòe. Mỗi khi âm thanh trầm bổng, tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên lại thôi thúc mọi người đến với điệu xòe. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, mọi người xích lại gần nhau, tay trong tay, vòng xòe cứ thế rộng dần, hết điệu này sang điệu khác... 

Múa xòe không chỉ là văn hóa, phong tục mà còn là bản sắc, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày. Có những cô bé, cậu bé lên 4, lên 5 đã biết xòe. Hà Thị Kim Oanh, xóm Chàm, xã Tân Pheo chia sẻ: Em biết xòe từ khi 5 tuổi. Lúc bé nhìn ông bà, bố mẹ xòe là em xòe theo. Cứ thế xòe ngấm sâu vào tâm hồn tuổi thơ của em. Hiện nay, em là thành viên đội văn nghệ của xóm, của xã. Các thành viên trong đội văn nghệ luôn nhiệt huyết, đam mê tập luyện xòe để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hiện nay, huyện Đà Bắc bảo tồn và phát triển các điệu xòe của người Tày thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bất cứ xã nào của huyện có người Tày sinh sống đều thành lập được đội xòe. Người dân chính là lực lượng nòng cốt giữ gìn, duy trì và phát triển nghệ thuật xòe trong cộng đồng. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, cứ thế điệu xòe của người Tày được bảo tồn và quảng bá khắp mọi nơi.

TT



Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục