(HBĐT) - Đang trong tâm điểm của mùa đông lạnh giá, nhưng trong những ngày đầu tháng 12/2019, đất trời Hòa Bình như đã chuyển sang xuân. Đó là bởi không khí lễ hội ngập tràn trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019.


Trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019, hương sắc Hòa Bình đã được hội tụ và lan tỏa, góp phần nâng tầm cho "Miền đất sử thi”.


Sắc màu dân tộc Hòa Bình được tái hiện sống động trong chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019.

Chưa bao giờ tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày hội lớn đến vậy, nên dẫu chương trình khai mạc được tổ chức ngoài trời (Quảng trường Hòa Bình) trong đêm đông lạnh giá và được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng vẫn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Trên sân khấu nhiều tầng, tích hợp công nghệ nghe, nhìn hiện đại với sự tham gia biểu  diễn của gần 500 nghệ sỹ, diễn viên, ca sỹ, nghệ nhân, hình ảnh vùng đất, con người Hòa Bình từ thủa lập đất, lập Mường đến nay được tái hiện thật sống động.

Theo dõi trọn 90 phút cả phần lễ và phần hội trong đêm khai mạc, ông Lê Huy Hưởng, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) bày tỏ: "Hay, đặc sắc và chạm tới cảm xúc của người xem!". Như lời ông Hưởng thì riêng màn nghệ thuật mang tên "Hòa Bình – miền đất sử thi” kéo dài trong một tiếng đồng hồ đã làm cho khán giả rung động với nhiều cung bậc cảm xúc.

Thoạt đầu, khán giả có cảm giác rợn người khi xem hoạt cảnh "Đẻ đất, đẻ nước”. Ngay sau đó lại chuyển sang trạng thái tươi vui ngập tràn với không gian lễ hội trong màn hát múa tổng hợp tái hiện lại những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trên sân khấu, khung cảnh núi rừng, thác nước, hang động, sông, suối hiện ra. Các chàng trai, cô gái xuất hiện nhảy múa bên vò rượu cần cỡ "đại”, rồi giao duyên trên nền câu hát "thường đang, bộ mẹng”. Từ sân khấu, 50 cô gái Mường xinh xắn, thướt tha tràn xuống mời rượu rồi tản về cánh gà. Lúc này, những chàng trai, cô gái Mông xuất hiện với trang phục sặc sỡ, say xưa trong vũ điệu khèn, tiếp đó là những chàng trai, cô gái bản Dao rạng rỡ múa, ca với những chiếc chuông và chũm chọe, ở góc khác những chàng trai, cô gái Thái tay trong tay vui điệu xòe…

Không chỉ có múa, hát, hợp cảnh, hoạt cảnh, chương trình nghệ thuật đặc biệt trong đêm khai mạc còn giới thiệu với khán giả về vùng đất Hòa Bình, điểm đến hấp dẫn của du khách.  Đó là những video clip giới thiệu về những điểm du lịch hấp dẫn như: du lịch chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy); đền Chúa Thác Bờ trong Khu du lịch hồ Hòa Bình; đền Thượng Bồng Lai (Cao Phong) và những bản làng du lịch cộng đồng đang hút khách như: Bản Lác của người Thái, xã Chiềng Châu; bản Mông, xã Hang Kia (Mai Châu); xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc); xóm Đá Bia, xã Tiền Phong  (Đà Bắc)… Nếu quan tâm đến du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm và chăm sóc sức khỏe, du khách có thể đến với: Khu du lịch Suối Khoáng, Serena Resort Sào Báy (Kim Bôi); khu du lịch Ba Khan, Hide Away (Mai Châu); thủy điện sông Đà; sân Golf Phoenix và sân Golf Hòa Bình Geleximco…

Diễn ra trong 5 ngày từ 6 - 10/12, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 có nhiều sự kiện hấp dẫn, là dịp để hương, sắc Hòa Bình được bung nở. Một Liên hoan ẩm thực được chuẩn bị chu toàn. Ngoài mâm cỗ lá của người Mường được xếp đặt trên 20 món ăn chế biến từ hơn 80 loại gia vị, được xác lập kỷ lục Mâm cỗ lá đặc sắc nhất Việt Nam, không gian liên hoan còn ngợp mắt với 12 gian hàng trưng bày, thi ẩm thực đến từ 11 huyện, thành phố và Serena Resort Sào Báy - Kim Bôi. Đến với không gian ẩm thực này, du khách thỏa sức ngắm và mua về dùng thử các món đặc sản của núi rừng Hòa Bình. Ngoài các món đã được chế biến sẵn như cơm lam, rượu cần, thịt trâu lá lồm, chả lá bưởi, cá sông Đà, thịt muối chua, xôi ngũ sắc… còn có nhiều sản vật được tựu về để giới thiệu, quảng bá như: Gạo J02, "hạt ngọc trời” nổi tiếng dẻo thơm của huyện vùng cao Đà Bắc; khoai Phúc Sạn (Mai Châu); gà đồi, lợn bản huyện Lạc Sơn; rượu Mường Đình (Yên Thủy); măng đặc sản, mật ong rừng Kim Bôi… 

Khệ nệ "tay sách, nách mang” trong gian trưng bày, quảng bá ẩm thực, chị Phạm Thị Hồng Nga, một du khách đến từ Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội chia sẻ: "Mình thực sự bị cuốn hút bởi hương vị của núi rừng trong gian trưng bày ẩm thực Hòa Bình. Dự là chỉ đi xem để biết thôi, nhưng mới đi hết 1 vòng đã mua được cả chục thứ của ngon, vật lạ về làm quà. Nếu nói về cảm nhận, cá nhân tôi thấy, qua gian trưng bày ẩm thực này, hương vị Hòa Bình đã thực sự bay xa”.

Hương vị núi rừng Hòa Bình đã lan tỏa, nét đẹp của những người con gái xứ Mường cũng được tôn vinh. Trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 có một điểm nhấn sắc nét là đêm thi Chung kết "Người đẹp xứ Mường”. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những gương mặt xuất sắc đại diện cho nét đẹp truyền thống của người con gái xứ Mường có trí tuệ, lòng nhân ái và sự thông hiểu văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt là những cô gái có tình yêu, niềm tự hào lớn về quê hương Hòa Bình mong muốn bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ban tổ chức lựa chọn để đào tạo làm đại sứ thương hiệu phục vụ cho phát triển du lịch, văn hóa của tỉnh. Được thử sức qua 3 vòng thi: sơ tuyển, sơ khảo, rồi chung khảo và được đào tạo trình diễn, tham gia các hoạt động xã hội trong suốt gần 3 tháng, 23 người đẹp được chọn đã tự tin tỏa sáng trên sân khấu đêm chung kết cuộc thi "Người đẹp xứ Mường”. 

Tìm ra gương mặt đại diện cho những người con gái xứ Mường và trao sứ mệnh "Đại sứ du lịch tỉnh Hòa Bình” cho người đẹp Nguyễn Hàm Hương, đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: Trong tiêu chí, Người đẹp xứ Mường phải hội tụ đủ nét đẹp về ngoại hình, trí tuệ, lòng nhân ái và đặc biệt phải có sự am hiểu rõ nét để giới thiệu, quảng bá nét văn hóa, du lịch, vùng đất, con người Hòa Bình tới muôn phương. Xuất sắc vượt qua 23 thí sinh để đăng quang ngôi vị Người đẹp xứ Mường thứ nhất, trong thời gian tới, người đẹp Nguyễn Hàm Hương và các người đẹp khác sẽ tham gia các hoạt động về văn hóa, các sự kiện nhân đạo từ thiện và quảng bá du lịch. Bằng những chương trình, hoạt động cụ thể, các người đẹp sẽ góp phần đưa hình ảnh người con gái xứ Mường nói riêng, hình ảnh đất nước, con người Hòa Bình nói chung đến với bạn bè trong nước, quốc tế để quảng bá, xây dựng và giữ vững "thương hiệu” du lịch Hòa Bình - nơi cửa ngõ của vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

                                                                 
 Thúy Hằng

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục