(HBĐT) - Những chiếc bánh rán nóng hôi hổi, màu vàng ươm được phết một lớp đường bên ngoài từ lâu đã là thức quà đầy hấp dẫn ở các phiên chợ quê. Ngày nay, chợ quê chẳng thiếu những quà ăn vặt, nhưng bánh rán vẫn còn đó với sức hút đặc biệt không chỉ với trẻ con, mà cả với những người lớn.
Món bánh rán luôn hút khách ở các phiên chợ quê.
Ảnh chụp tại chợ Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn).
Những năm trước đây, chợ quê đơn sơ, tạm bợ, nhưng phiên nào cũng nhộn nhịp. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, các phiên chợ quê đã từng ngày đổi thay về hạ tầng, tiếp tục trở thành nơi mua bán sầm uất, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Dù đã bê tông hóa, nhưng đến các chợ phiên ở khu vực vùng cao như Vân Sơn (Tân Lạc), Ngọc Sơn (Lạc Sơn), Bao La (Mai Châu) hay các chợ phiên ở huyện Đà Bắc, phiên chợ vẫn còn lưu giữ được những nét quê rất đỗi thân thuộc. Đó là những bó rau rừng, chai mật ong rừng, những loại rau, củ quả, thực phẩm bà con làm ra được bày bán tại chợ. Có nơi, bà con vẫn giữ thói quen cho gà, lợn, chó con vào lồng tre rồi mang đến chợ để trao đổi. Ngoài những hình ảnh đó, chợ quê còn có những hương vị rất riêng được tạo nên từ những thức quà vốn được ví von là "ngon, bổ, rẻ”, điển hình là bánh rán.
Sáu năm trước, chúng tôi có dịp đi chợ phiên xã Phú Lương - nay sáp nhập là xã Quyết Thắng (Lạc Sơn), chợ họp vào sáng chủ nhật mỗi tuần. Khi đó, chợ phiên này khá đơn sơ, với các sạp hàng được dựng bằng tre, mái che bằng bạt. Diễn ra đúng vào hôm trời mưa, nhưng chợ vẫn tấp nập người mua bán, trong đó, các hàng bán bánh rán đều chật kín người. Lần này trở lại, lịch họp chợ vẫn vậy, nhưng chợ đã xây dựng đạt chuẩn NTM và di dời về vị trí rộng rãi, có tỉnh lộ 436 chạy qua thuận lợi. Chợ rộng hơn nên cảm giác hơi thưa người, nhưng điều thú vị là ở góc chợ, cả trong chợ đều có các hàng bán bánh rán. Hàng bánh rán, hàng chè là những nơi tập trung đông đúc khách nhất trong chợ. Ngồi thưởng thức bánh rán ở sạp hàng của chị Linh, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), chúng tôi gặp gỡ không ít thực khách của món bánh rán. Chị Bùi Thị Bình, xã Gia Mô (Tân Lạc) vừa thưởng thức món bánh rán, vừa chia sẻ: "Hồi bé, không gì vui sướng bằng được đi chợ cùng mẹ và ăn bánh rán. Khi đó, bánh rán chủ yếu là bánh nguội, chứ không rán tại chỗ nóng hổi như thế này. Hiện nay, ở chợ có rất nhiều quà ăn vặt, nhưng tôi vẫn chọn bánh rán vì hương vị thơm ngọt, béo ngậy đặc trưng”.
Quan sát chị Linh nhào bột, nặn bột rồi rán bánh, chúng tôi cảm thấy thật háo hức. Những chiếc bánh nóng hôi hổi quả thực có hương vị thơm ngon hơn so với món bánh rán đã để nguội. Sau khi rán xong, chị Linh lăn bánh vào bát đường, vừng rồi đưa cho khách thưởng thức ngay. Thao tác nhanh nhẹn, từ lúc nặn bánh đến khi ra lò chỉ mất khoảng 3- 4 phút. Những chiếc bánh mới ra lò có mùi thơm hấp dẫn, khi cắn miếng bánh sẽ thấy lớp bánh bên ngoài giòn tan, lớp nhân đậu bên trong bùi bùi, ngọt ngọt. "Tôi đã bán bánh rán khá nhiều năm, chủ yếu ở các chợ phiên tại các xã trong huyện. Mỗi phiên cũng bán được kha khá, chúng tôi không thay đổi về công thức làm bánh, mà chỉ trộn thêm bột quả gốc để tạo màu sắc hấp dẫn hơn”- chị Linh chia sẻ.
Thưởng thức xong, chúng tôi cùng những bà con khác đều mua thêm túi bánh mang về nhà làm quà. Trước đây, 500 đồng được 3 chiếc bánh, còn nay, bánh to giá 2 nghìn đồng, bánh nhỏ 1 nghìn đồng/cái. Như vậy, bánh rán cũng đã "ngon, bổ, rẻ” hơn nhiều thứ quà khác ở chợ. Với sự phát triển của xã hội, ở khu vực thành thị, những chợ phiên đã dần mai một. Nhưng ở các vùng nông thôn, chợ vẫn là nơi giao thương, buôn bán chủ yếu. Có những cụ già đã giữ thói quen đi chợ phiên, họ vẫn háo hức đợi đến ngày chợ họp để xuống chợ mua sắm, thưởng thức những chiếc bánh rán nóng hổi, thơm lừng. Những chiếc bánh rán đã gắn bó với những phiên chợ quê, với hương vị đặc trưng, hấp dẫn.
Viết Đào
Thể hiện những điệu then cổ và trình diễn mô phỏng ước lệ một giá hầu đồng với những bài chầu văn…, các nghệ nhân và những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã đưa các giá trị nghệ thuật và nét đặc sắc của chầu văn, cũng như hát then đến gần các bạn trẻ qua chương trình "Âm hưởng linh thiêng” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm trong hơn 20 năm qua đã miệt mài lao động, sáng tạo, tỉ mỉ từ cách làm con rối đến biểu diễn, quảng bá với bạn bè trong nước, quốc tế, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
(HBĐT) - Ngày 18/6, Hội LHPN huyện Tân Lạc tổ chức hội nghị nói chuyên chuyên đề về Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Hơn 600 cán bộ, hội viên phụ nữ đến từ 2 xã Phong Phú, Nhân Mỹ đã tham dự buổi nói chuyện.
(HBĐT) - Những năm qua, các cơ quan báo chí của tỉnh luôn là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), Báo Hòa Bình ghi nhận một số ý kiến tâm huyết của Nhân dân dành cho các cơ quan báo chí tỉnh nhà.
(HBĐT) - Từ nhiều năm qua, trên các ấn phẩm của Báo Hòa Bình, các tác giả như: Xuân Thiên, Thu Hường, Đăng Giáp, Thanh Hoàn, Hà Chung, Minh Tuấn, Trần Quốc Dũng, Trần Quang Thạch… đã trở nên quen thuộc với độc giả.
Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam được xây dựng nhằm nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập, gồm bộ Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam và Cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.