(HBĐT) - Trong tâm thức của mỗi người con quê hương Hòa Bình, chiêng Mường đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, khắp nơi vang vọng tiếng chiêng lúc thì nhịp nhàng, trầm bổng, khi thì sôi động, hào hùng.... Chiêng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người dân tộc Mường, đặc biệt không thể thiếu trong các lễ hội xuân.
Đội chiêng Mường phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) tham gia biểu diễn tại hoạt động Vui Tết Độc lập ngày 2/9/2020 cụm dân cư số 9, 11, 13, 14.
Về với đất Mường tỉnh Hòa Bình vào lễ hội xuân của những ngày đầu năm mới, du khách không chỉ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, hòa mình vào không khí hào hứng, phấn khởi của một số trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co..., đắm chìm trong những bộ trang phục truyền thống mà còn được thả hồn trong âm thanh vang vọng trầm bổng, hào hùng của chiêng Mường. Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Chiêng Mường là một loại hình văn hóa đặc sắc, mang những nét linh thiêng, huyền diệu, đầy sức hấp dẫn. Tôi đặc biệt muốn phát huy hơn nữa văn hóa chiêng Mường vì chiêng góp phần tạo nên bản sắc của người dân tộc Mường. Chiêng Mường hiện diện mọi lúc, mọi nơi, trong lao động sản xuất đến sinh hoạt đời thường, đời sống tâm linh... Chiêng gắn liền với mỗi người, từ khi sinh ra đến khi tiễn biệt về với ông bà, tổ tiên. Tiếng chiêng vang lên là khi mâm cơm tất niên đã hoàn tất, mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi gia đình trong làng có chiêng đều mang ra đánh để cầu một năm mới may mắn, sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu...”.
Với người dân tộc Mường, chiêng được coi như vật báu, vật thiêng, là linh hồn của xứ Mường. Chiêng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt hàng ngày của người Mường. Không chỉ là một loại nhạc cụ được người Mường trân quý, tôn sùng mà còn là tài sản quý giá, vật báu, được các gia đình giữ gìn cẩn thận trong từng nếp nhà...
Vào dịp Tết, tiếng chiêng Mường vang vọng khắp núi rừng làm không khí xóm làng thêm rộn ràng, thắt chặt tình đoàn kết trong Nhân dân, chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Những người đánh chiêng Mường say sưa tấu lên những bài chiêng rộn rã, góp phần tạo nên không khí náo nhiệt, phấn khởi, tràn đầy hạnh phúc của những ngày hội xuân, báo hiệu những niềm vui, sức khỏe, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no trong năm mới. Tiếng chiêng trong những ngày đầu xuân báo hiệu một năm cũ đã qua đi, một năm mới tràn đầy niềm tin, hy vọng đang đến.
Đầu xuân năm mới, tiếng chiêng Mường vang lên trong mỗi nhà không chỉ để mời tổ tiên về ăn Tết, vui xuân với con cháu mà còn mang đến sự an lành, mát mẻ, cầu cho mùa màng bội thu. Một đội chiêng gồm 12 chiêng được gọi là "phường bùa”, tất cả đều mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường. "Phường bùa” sẽ đi theo từng nhóm, tấu lên những bài chiêng, ghé thăm từng nhà trong xóm, làng để chúc Tết.
Hiện nay, với nhịp sống hối hả, tấp nập của cuộc sống hiện đại, tưởng chừng như những giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ dần mai một, lãng quên. Thế nhưng, vào những dịp lễ hội, Tết đến, xuân về, tiếng chiêng vẫn luôn là tín hiệu báo khai hội. Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của chiêng Mường trong đời sống tinh thần của Nhân dân, những năm qua, tỉnh đã quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc. Những lớp truyền dạy chiêng Mường tại một số địa phương được tổ chức đã tạo cơ hội cho đông đảo Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp xúc, hiểu biết về cách trình tấu chiêng Mường... Chị Nguyễn Thị Thùy, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Là người sinh ra và lớn lên tại quê hương mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, tôi càng thêm tự hào, trân trọng và cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thời gian đầu khi mới theo học cách đánh chiêng Mường, tôi gặp không ít khó khăn, trở ngại. Thế nhưng với sự động viên và chỉ dẫn nhiệt tình của mọi người, tôi được tiếp thêm sức mạnh và động lực để tự tin theo đuổi tình yêu với chiêng Mường. Giờ đây, tôi rất vinh dự và tự hào khi được là một thành viên trong đội chiêng của tổ dân phố số 9”.
Linh Nhật
Tối 3-2, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2021) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chủ đề "Mãi mãi mùa xuân có Đảng”.
(HBĐT) - Mừng
đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân mới, Báo Hòa Bình xuất bản ấn
phẩm đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã có công văn đồng ý dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021.
(HBĐT) - Chùa Đồng là địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), là đích đến của mọi tăng ni, phật tử, du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử. Theo quan niệm của các tăng ni, phật tử, chùa Đồng là nơi con người có thể cầu viện được "sinh lực vũ trụ” cho mọi mặt cuộc đời.
(HBĐT) - Xã Phú Minh và Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn cũ) đã "về chung một nhà” với tên gọi mới là xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình). Nhưng chợ trung tâm xã mọi người vẫn quen gọi là chợ Hợp Thịnh. Cứ thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, chợ họp rôm rả. Đây cũng chính là chợ trung tâm của khu vực xã Thịnh Minh, Hợp Thành, hay còn gọi là cụm xã Phú Cường. Phiên ngày thứ Bảy đông hơn phiên ngày thứ Ba. Vì chợ bán nhiều nông sản quê ngon và sạch, giá cả hợp lý nên phiên ngày thứ Bảy có đông người dân từ các xã lân cận như Quang Tiến, Mông Hóa, phường Kỳ Sơn, thậm chí cả ở Phương Lâm, Đồng Tiến - các phường trung tâm TP Hòa Bình tìm đến mua rau, củ, quả, quà bánh.