(HBĐT) - Thời gian gần đây, tình trạng hát karaoke tự phát tại các gia đình có chiều hướng tăng, gây khó chịu, bức xúc cho những người hàng xóm và cộng đồng. Tình làng nghĩa xóm có nơi cũng bị "sứt mẻ" chỉ vì ô nhiễm tiếng ồn.


Người dân tổ 11, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) tìm hiểu quy chế quản lý đô thị để xây dựng nếp sống văn minh.

"Phận là con gái, chưa một lần yêu ai/ Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài... Buồn làm chi em ơi, lá xanh rồi cũng phai màu... Năm anh em trên một chiếc xe tăng...”. Hết nhạc vàng, đến nhạc đỏ, rồi remix... những âm thanh cỡ to liên tục phát ra từ loa và micro nhà hàng xóm đến hơn 22h làm chị Nguyễn Thị T. ở tổ 9, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) vô cùng bức xúc. Chị chia sẻ: Cả ngày đi làm về mệt, tối muốn được nghỉ ngơi lại bị hàng xóm "tra tấn” bằng âm thanh đinh tai, đáng lo ngại là tần suất ngày càng nhiều lên. Có lúc không phải một hộ, mà mấy gia đình cùng hát, mỗi nơi một kiểu nhạc pha tạp vào nhau gây nhức đầu. Lo nhất là các cháu học sinh không thể tập trung được để học bài. Thương nhất là những người ốm, người già bị nhức óc thêm. Tôi đã từng thử lấy bông nhét vào hai tai nhưng vẫn không ăn thua. Hàng xóm với nhau, tôi đã nhỏ nhẹ nhắc vặn nhỏ âm lượng hoặc tắt nhưng hôm khác lại tiếp diễn. 

Đúng như phản ánh của người dân, một buổi tối thứ tư vào trung tuần tháng 3, một góc phố tổ 9, phường Thịnh Lang ầm ĩ, bị khuấy động bởi thứ âm thanh hỗn tạp trong lúc nhiều học sinh đang phải tập trung học bài. Quá bức xúc, một số người dân đến gặp tổ trưởng tổ dân phố đề nghị nhắc nhở. Bà Nguyễn Thị Thu, Tổ trưởng tổ 9 cho biết: Rà soát qua một vòng thấy có 3 gia đình cùng hát karaoke một lúc. Có nhóm còn mang cả loa thùng ra sân để hát, có nhóm vừa ăn nhậu vừa hát, chưa kể âm vang tiếng hát karaoke từ hộ gia đình ở tổ khác vọng về. Tôi đã nhắc các hộ trong tổ tắt loa để các cháu học sinh học bài. 

Theo ghi nhận và phản ánh của Nhân dân, không chỉ riêng ở tổ 9, tổ khác của phường Thịnh Lang và một số địa phương khác cũng có tình trạng karaoke tự phát "tra tấn” người dân. Chị Bùi Thị Thanh ở phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) bộc bạch: Hàng xóm khu tôi sắm hẳn bộ loa to, micro và cũng thường xuyên hát karaoke tại nhà. Có lúc mẹ tôi ốm đi bệnh viện về vẫn bị những tiếng ngâm nga, hát không theo nhịp phách gì "hành hạ”, không tài nào chợp mắt được; sang nhắc nhiều lần thì ngại, chưa kể nếu nhóm đang uống rượu còn có thể bị đánh, đuổi. Mong chính quyền có biện pháp nhắc nhở, xử lý để xây dựng nếp sống văn minh. 

Hát karaoke để giải trí không phải là việc xấu, thậm chí còn giúp những người hát vui vẻ, thoải mái, giải tỏa căng thẳng sau thời gian lao động, làm việc. Hiện nay, việc mua sắm bộ loa, míc không khó, chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng đã có thể sở hữu. Người hát cũng có thể chỉ cần 1 chiếc điện thoại smartphone bật bluetooth kết nối với loa hoặc tivi là có thể hát karaoke. Song kiểu hát vặn loa to, hò hét xuyên trưa, xuyên tối với các loại nhạc bolero, nhạc đỏ, rock... bất chấp hàng xóm xung quanh thì thực sự là nỗi ám ảnh, hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm trạng người khác. Đã có những xích mích, cãi cọ xung quanh việc mở loa to, hát karaoke gây tiếng ồn lớn và nếu không tìm được "tiếng nói chung”, biện pháp giải quyết sẽ tiềm ẩn những xung đột, bất hòa, ảnh hưởng đến tình hình ANTT ở cơ sở. Thời gian gần đây còn xuất hiện thêm kiểu hát karaoke, quảng cáo bằng loa kéo di động trên các tuyến đường đông dân cư để xin tiền, giới thiệu sản phẩm, mời mua hàng, nhất là khu vực chợ, quán ăn. Đây là vấn đề xã hội cần quan tâm, giải quyết để xây dựng nếp sống văn minh.
Phó trưởng Phòng VH&TT TP Hòa Bình Phí Thị Yến cho biết: UBND thành phố đã có Quyết định số 528/QĐ-UBND, ngày 10/4/2018 ban hành quy chế quản lý đô thị. Trong đó, chương VI về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ và văn hóa đô thị nêu: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ văn hóa và hoạt động văn hóa, karaoke, internet phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành và phải được sự đồng ý của UBND các cấp. Các cá nhân bán hàng lưu động trên đường phố không được sử dụng loa điện quảng cáo nội dung mang tính kích động thị hiếu. Đám cưới, đám tang không bật nhạc trước 6h và sau 22h... Chính quyền các cấp đã hướng dẫn các khu dân cư xây dựng quy ước, hương ước. Tính đến tháng 3/2021, số khu dân cư có quy ước đảm bảo quy định là 142; còn 90 xóm, tổ dân phố chưa hoàn thành xây dựng quy ước sau sáp nhập.  

Để xây dựng nếp sống văn minh, giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, Trưởng phòng VH&TT TP Hòa Bình Nguyễn Thái Hòa cho rằng, các địa phương cần thực hiện tốt quy chế quản lý đô thị; đôn đốc các phường, xã xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; đưa vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Cộng đồng lên án, tẩy chay những hành vi ảnh hưởng xấu đến người khác có sức mạnh ở khu dân cư. 

Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) Lê Minh Hải cho biết: UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong đó có thời gian sử dụng nhạc. Đối với vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke tự phát, cần đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở, của chính cộng đồng dân cư. Như chi bộ có thể thảo luận ban hành nghị quyết chuyên đề; kiểm tra, thực hiện các quy ước, hương ước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; coi trọng công tác dân vận để giữ được sự hòa thuận, đoàn kết trong cộng đồng, vừa giải quyết được vấn đề hiệu quả.

 
Cẩm Lệ

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục