Phụ nữ dân tộc Tày, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) lựa chọn trang phục truyền thống trong các dịp lễ, Tết và đời sống hàng ngày.
Đồng bào Tày chiếm tới 41,57% trong 5 dân tộc anh em cùng chung sống ở huyện Đà Bắc, trong đó, chiếm số đông là người Tày - Thái, còn lại là người Tày ở tỉnh khác di cư đến. Dù là người bản địa hay người từ nơi khác chuyển đến thì bộ trang phục của họ vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống của đồng bào Tày. Đồng chí Hà Văn Hưng, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc cho biết: Là người con dân tộc Tày ở xã Trung Thành (Đà Bắc), tôi rất trân quý và tự hào khi mặc lên người bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các địa phương chỉ có các bà, các mẹ, các chị vẫn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày, nam giới ít mặc trang phục truyền thống hơn và thường chỉ mặc khi nhà có việc hoặc dịp lễ hội. Để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc, huyện Đà Bắc đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên bàn huyện. Đây sẽ là đòn bẩy để đưa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Tày nói riêng phổ biến hơn trong cuộc sống, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Mỗi dân tộc đều có một trang phục truyền thống, so với những trang phục của các dân tộc khác thì trang phục người Tày khá giản dị về màu sắc, nhưng lại tinh tế về họa tiết và sự kết hợp hài hòa các phụ kiện đi kèm. Những chi tiết, phụ kiện nhỏ trên bộ trang phục của người Tày đều thể hiện tính thẩm mỹ, sự tinh tế và quan niệm riêng về cái đẹp. Điều đó cũng cho thấy giá trị phi vật thể và đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng dân tộc Tày tại Đà Bắc. Đối với trang phục nam giới: Áo, quần, khăn chít đầu, khăn thắt lưng, đặc biệt là trang phục của thầy mo cũng có những nét đẹp riêng ẩn chứa trong từng chi tiết. Chiếc áo của nam thường dài đến ngang hông, cổ đứng cao chừng 3 cm, xẻ ngực và cài bằng khuy vải. Chất liệu làm từ vải bông tự dệt, nhuộm chàm hoặc chàm đen, tay áo may bó, ống tay áo hẹp. Đi liền với áo là chiếc quần ống rộng và đứng, bằng vải mộc màu trắng hoặc xanh chàm. Khi mặc cạp buộc túm trước bụng, định vị bằng sợi dây vải, gọi là khăn thắt lưng có màu hoa thiên lý hoặc hồng nhạt. Tuy nhiên, nam giới thường chỉ sử dụng khăn thắt lưng khi đi lễ hội hoặc biểu diễn văn nghệ. Thêm vào đó là chiếc khăn chít đầu màu chàm, khi chít khăn lên đầu, khăn dắt mối, đầu khăn buông xuống bên tai trái dài độ 20 cm. Nhưng khi có việc đi ra ngoài đường, nam giới thường đội nón hoặc che ô.
Khác với trang phục nam giới, trang phục nữ cầu kỳ hơn với 3 loại áo, gồm áo ngắn, áo ngắn xẻ ngực không cài khuy và áo dài; khăn đội đầu; yếm; váy và dây lưng lụa. Điểm nổi bật trong trang phục dù là loại áo nào thì tay áo đều may chật, cổ áo tròn, xẻ ngực từ cổ áo xuống đến cạp váy, đính hai hàng khuy bạc hình đôi bướm hoặc hình đôi ve sầu. Áo ngắn thường bố trí khuy lẻ đôi như 5 đôi, 7 đôi, 9 đôi. Chất liệu bằng vải mỏng, có các màu trắng, xanh đen, chàm, đỏ, hồng, được may bởi chính những đôi tay khéo léo của người phụ nữ Tày. Đi kèm với áo là chiếc yếm như một tấm áo ngắn không may tay, màu hồng và đen, cổ yếm đính hạt kim sa. Chiếc váy màu đen tuyền hoặc xanh chàm, gồm 2 loại váy cạp thêu và váy cạp hoa chìm. Trang phục của nữ giới không thể thiếu những chiếc khăn Piêu đội đầu đủ loại họa tiết, thể hiện đặc trưng văn hóa, đồng thời cũng thể hiện kỹ năng thêu thùa khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Tày. Tô điểm thêm cho bộ trang phục là khăn thắt lưng lụa có màu hoa thiên lý hoặc màu hồng nhạt và những món đồ trang sức như: Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn vàng hoặc bạc.
Với sự tinh tế, nhẹ nhàng song không kém phần độc đáo, trang phục của người dân tộc Tày góp phần điểm tô cho bức tranh văn hóa các dân tộc thêm phong phú, nhiều màu sắc. Do đó, việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hết sức quan trọng nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.
Đỗ Hà