Thời gian qua, mảng phim truyền hình đã có sự chuyển hướng từ đề tài quen thuộc là đời sống gia đình sang đề tài rộng hơn: nông thôn thời hội nhập.


Cảnh trong phim "Mùa hoa tìm lại".

Phim "Mùa hoa tìm lại" do Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Ðài Truyền hình Việt Nam sản xuất từ cuối năm 2020, nội dung tập trung khai thác bối cảnh nông thôn, số phận con người trong thời hiện đại. Ðoàn phim đã ghi hình ở nhiều địa điểm tại Hà Nội, Bắc Ninh... Phim xoay quanh cuộc đời của cô gái tên Lệ, có hoàn cảnh gia đình éo le, sau thời gian bươn chải ở thành phố đã quyết định trở về, gắn bó với vùng quê mình đã sinh ra và lớn lên. Diễn viên Thanh Hương, từng tạo ấn tượng với các vai diễn trong phim "Thương nhớ ở ai", "Quỳnh búp bê"… đảm nhận vai nữ chính, cùng sự tham gia của các diễn viên: Nghệ sĩ Ưu tú Ðức Khuê, Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Tản, Duy Khoa, Duy Hưng, Thanh Dương, Hồ Liên...

Sau thời gian vắng bóng, một số bộ phim về đề tài nông thôn xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình mang đến tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, so sánh với những bộ phim, như: "Ðất và người", "Gió làng Kình", "Ma làng"… cũng do Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Ðài Truyền hình Việt Nam sản xuất, có thể nhận thấy sự "lép vế" của những bộ phim gần đây. Ðầu năm 2020, bộ phim đề tài nông thôn có tựa đề "Cô gái nhà người ta" không tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Tiếp đó, "Mùa xuân ở lại" khai thác đề tài nông thôn, miền núi cũng chưa làm nên dấu ấn. Theo nhận định từ giới chuyên môn, mỗi nhà làm phim đều đã trải qua ký ức ở thời chiến tranh, bao cấp, chuyển đổi, đổi mới. Nhưng đề tài nông thôn hiện nay mang đặc thù khác, và nhiều đạo diễn, diễn viên không trực tiếp sống với hiện thực ấy. Kịch bản phim cũng là một vấn đề quan trọng quyết định sự thành, bại của tác phẩm. Hai bộ phim truyền hình từng được khán giả yêu mến: "Ðất và người" và "Ma làng" đều được chuyển thể từ hai tiểu thuyết hay: "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường và "Ma làng" của Trịnh Thanh Phong. Văn chương là chất liệu tốt, mang tính khả quan khi chuyển thể thành kịch bản. Các nhà biên kịch, đạo diễn giàu kinh nghiệm, tài năng luôn tìm cách sáng tạo thuyết phục từ tác phẩm gốc.

Nhận xét về đề tài nông thôn mới đang được khai thác qua phim truyền hình, người trong giới điện ảnh cho rằng, thế hệ đạo diễn, biên kịch, diễn viên trẻ quan tâm tới mảng đề tài này đã tạo nên sự tiếp nối khả quan, thể hiện tâm huyết và khát vọng làm nghề. Dù vậy, những tình tiết mang tính hài nhảm hay các tình huống đã lỗi thời, thiếu thực tế… cần được loại bỏ và có cách thể hiện tốt hơn.

Theo Báo Nhân Dân


Các tin khác


Nghệ sĩ được hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật công lập.

Tiếp nối mạch nguồn văn học

Vài năm trở lại đây, các giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi và việc phát hiện, bồi dưỡng các cây bút nhí đã được quan tâm hơn.

Phục dựng tòa Phương Đình, trả lại giá trị gốc cho hồ Văn ở Văn Miếu

Không chỉ phù hợp với quy hoạch tổng thể của khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, việc phục dựng Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu còn tăng giá trị cảnh quan xung quanh.

Nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Tày Đà Bắc

(HBĐT) - Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, mỗi bộ trang phục truyền thống không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng, những giá trị được lưu giữ, truyền bá, góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc. So với những trang phục của các dân tộc khác thì trang phục người Tày khá giản dị về màu sắc, nhưng lại tinh tế về họa tiết và sự kết hợp hài hòa các phụ kiện đi kèm.

Họp Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm ngày tái lập tỉnh

(HBĐT) - Ngày 1/7, UBND tỉnh tổ chức họp Ban tổ chức (BTC) Lễ kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm ngày tái lập tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BTC chủ trì buổi họp.

Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025

(HBĐT) - Ngày 29/6, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục