(HBĐT) - Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Các cấp, ngành liên quan và chính quyền cơ sở nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thôn, xóm có nhà văn hóa (NVH), tạo điều kiện nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề về vốn, mặt bằng vẫn là "bài toán khó” chưa có lời giải trong thực hiện xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa tại nhiều địa phương.
Thực trạng thừa - thiếu nhà văn hóa
NVH là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương, kết nối tình đoàn kết. Hiện nay, sau khi thực hiện sáp nhập, nhiều xóm có từ 2 - 3 NVH. Nghe thì như các xóm đang thừa NVH nhưng thực tế lại thiếu, vì các NVH cũ diện tích cũng như quy mô không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng khi số lượng dân cư tăng lên nhiều.
Xóm Ênh, xã Tân Minh (Đà Bắc) được sáp nhập từ xóm Ênh và xóm Yên. Sau khi sáp nhập, xóm Ênh tuy có 2 NVH nhưng đều nhỏ và đã bị hỏng, xuống cấp, không đảm bảo việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt, hội họp của xóm. Để khắc phục tình trạng trên, với sự thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền đến toàn thể bà con trong xóm đã thực hiện quy đổi, thanh lý 2 nhà văn hóa cũ lấy diện tích đất rộng hơn tại trung tâm xóm. Sau khi san lấp, hiện tại, mặt bằng đất để làm NVH đã có nhưng để xây dựng được NVH đạt tiêu chuẩn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Do vậy, đến nay, xóm Ênh vẫn chưa có NVH, mỗi khi xóm tổ chức các hoạt động đều phải thuê phông bạt dựng rạp lấy chỗ ngồi cho bà con trong xóm. Đồng chí Đinh Đức Công, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Sau khi sáp nhập, xã từ 10 xóm giảm còn 8 xóm. Thực tế, sau sáp nhập 2 xóm Ênh - Yên thành xóm Ênh và 2 xóm Bống - Cò Phày thành xóm Cò Phày, tuy thừa NHV cũ nhưng lại thiếu NHV đạt chuẩn. Hiện, 2 xóm Ênh và Cò Phày chưa có NVH, 6 xóm có NVH nhưng diện tích nhỏ và được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn.
Tương tự như xã Tân Minh, nhiều xã của huyện Đà Bắc cũng rơi vào tình trạng thiếu NVH. Theo Phòng VH-TT huyện, toàn huyện hiện có 17 xã, thị trấn và 122 xóm, bản, khu dân cư. Tính đến đầu năm 2021, huyện mới có 4 NVH cấp xã và 93 NVH xóm, bản, khu dân cư, hiện còn 14 xã, thị trấn và 29 xóm, bản, khu dân cư chưa có NVH, trong đó, 3 xã có NVH là Tú Lý, Hiền Lương, Toàn Sơn (dư 1 NVH xã Hào Lý cũ). Tuy nhiên, thực tế do đặc thù vùng cao, diện tích đất không có, thêm vào đó dân số tăng do sáp nhập xóm, bản nên đa phần các NVH đều nhỏ không đảm bảo quy mô diện tích.
Tình trạng thừa - thiếu thiết chế văn hóa cơ sở có ở tất các huyện, thành phố trong tỉnh. Tại huyện Lạc Sơn, sau khi sáp nhập, toàn huyện mới có 13 xã, thị trấn, 274 xóm, tổ dân phố có NVH, hiện còn 12 xã, 18 xóm, tổ dân phố chưa có NVH nhưng vẫn đang dôi dư 41 NHV. Ngay tại TP Hòa Bình tuy dôi dư 28 NHV nhưng lại có 4 xã, phường và 14 tổ dân phố chưa có NVH, điển hình như phường Phương Lâm, Thái Bình và Tân Hòa chưa có NVH.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Từ nhiều năm nay, công tác quản lý hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Cùng với đó, Sở VH-TT&DL và các đơn vị chức năng tích cực tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách trong việc đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao. Từ nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện, dần đi vào hoạt động hiệu quả. Tính đến nay, toàn tỉnh có 120/151 xã, phường, thị trấn có NVH; 1.482/ 1.550 thôn, xóm, tổ dân phố (trước khi sáp nhập) có NVH; hiện dôi dư 21 NVH xã, phường, thị trấn và 135 NVH xóm, tổ dân phố; nhưng vẫn còn 52 xã, phường, thị trấn và 67 thôn, xóm, tổ dân phố chưa có NVH. Khó khăn hiện nay, ngoài những NHV mới được tu sửa, nâng cấp, xây mới theo Chương trình MTQG xây dựng NTM, đa phần các NHV đều không đảm bảo do được xây dựng từ lâu bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, một số xã chưa có sân vận động. Thêm vào đó, số NVH được trang bị các thiết bị thiết yếu, như bộ thiết bị âm thanh, khánh tiết, bàn ghế, tủ sách… và có khuôn viên rộng không nhiều. Hầu hết các NVH xóm, tổ dân phố đều do bí thư, trưởng xóm hoặc tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm quản lý; nhiệm vụ của họ là quản lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiếp nhận lịch đăng ký sinh hoạt của các đoàn thể, câu lạc bộ, chịu trách nhiệm triển khai các chương trình, công việc được giao và hoạt động cũng rất đa dạng. Bên cạnh những hoạt động mang tính hội họp, NVH thôn, tổ dân phố còn là nơi tổ chức sinh hoạt của các ban, ngành, đoàn thể trong khu dân cư và là nơi tập luyện một số môn thể thao của Nhân dân, như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tập dưỡng sinh… Có thể nói, NVH xóm, tổ dân phố đã phát huy được phần nào tính cộng đồng, là thiết chế văn hóa, thể thao thuộc về cộng đồng dân cư, do người dân của chính cộng đồng đó chịu trách nhiệm và duy trì.
Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở
Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng NVH xã, xóm, tổ dân phố nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại nhiều địa phương, NVH đã hư hỏng, xuống cấp, thậm chí có địa phương vẫn chưa có NVH. Rõ ràng việc dư thừa về số lượng, thiếu về quy mô, tiêu chuẩn NVH xóm, bản, tổ dân phố sau khi sáp nhập đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở.
Trên thực tế, thiếu mặt bằng và kinh phí đầu tư là nguyên nhân chính khiến việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa tại địa phương khó thực hiện. Vì để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa theo đúng tiêu chí nông thôn mới cần phải có mặt bằng đủ rộng và nguồn kinh phí khá lớn, trong khi đó quỹ đất không có, điều kiện ngân sách và khả năng huy động sức dân có hạn hiện đang là rào cản và thách thức lớn với địa phương để thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Trước thực trạng thừa - thiếu NVH thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập, Sở đã tiến hành rà soát, nắm bắt thực trạng và ban hành hướng dẫn phương án sử dụng có hiệu quả các NVH đang có. Đối với thôn, xóm chưa có NVH, Sở tham mưu cấp có thẩm quyền hỗ trợ xây mới NVH theo chuẩn, giúp người dân có điều kiện sinh hoạt, đồng thời góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong lúc chưa có cơ chế, chính sách mới của tỉnh và huyện về giải quyết những NVH dôi dư và NVH mới không bảo đảm sau sáp nhập, Sở cùng chính quyền địa phương các xã vận động người dân chủ động khắc phục khó khăn, huy động xã hội hóa để sửa chữa, nâng cấp tạm thời những NVH đã xuống cấp.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết thêm: Hiện tại, Sở đang rà soát toàn bộ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời phối hợp Sở KH&ĐT đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trong giai đoạn tiếp theo. Sắp tới, ngoài nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự án giảm nghèo có thêm nguồn lực từ Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Qua đó, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố có NVH, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, thể thao của người dân địa phương.
Hồng Ngọc
Nhóm ý kiến
Cần có cơ chế, chính sách hỗ
trợ trong xây dựng nhà văn hóa
Hà Thị Hòa Trưởng Phòng VH-TT huyện Mai
Châu
Thiết chế văn hóa là một phần
không thể thiếu của xã hội, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế,
chính trị, văn hóa của địa phương. Bên cạnh những hiệu quả mà một số thiết
chế đạt được còn không ít những hạn chế và bất cập đang tồn tại, trong đó có
thiết chế nhà văn hóa (NVH). Đối với huyện vùng cao Mai Châu, vẫn còn nhiều
xã, xóm chưa có NVH. Trong khi đó, các địa phương đã có NVH lại không đảm bảo
về diện tích theo quy mô dân số do một số xóm sáp nhập. NVH quy mô nhỏ, xuống
cấp và chưa có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng, giải quyết đối với những xóm có
2 - 3 NVH… là một trong những thực trạng bất cập tại các xóm sau sáp nhập. Do
vậy, đề nghị Sở VH-TT&DL tham mưu HĐND, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách
hỗ trợ thực hiện tu sửa, nâng cấp, xây mới NVH, đáp ứng được nhu cầu sáng
tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân
trên địa bàn.
Mong muốn các thôn, xóm đều sớm có nhà văn hóa
Bùi Văn Sùm Phó Chủ tịch UBND xã Tự Do (Lạc
Sơn)
Là xã vùng cao huyện Lạc Sơn,
đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có trên 600 hộ với trên
2.600 nhân khẩu, sinh sống tại 5 xóm. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới (CTMTQGXDNTM), xã đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất,
thiết chế văn hóa, thể thao.
Theo chủ trương chung, việc đầu
tư xây dựng NVH xóm, bản, khu dân cư chủ yếu theo hình thức xã hội hóa, chính
quyền và Nhân dân cùng làm. Để đầu tư xây dựng NVH theo đúng quy định, đáp
ứng tiêu chuẩn về NTM, ngoài việc cần có diện tích đất lớn còn cần nguồn kinh
phí không nhỏ. Do đặc thù vùng cao, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó
khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc huy động nguồn lực đóng góp xây dựng NVH
còn nhiều hạn chế. Hiện nay, xã mới có sân vận động trung tâm và xóm Cối Cáo
là có NVH, 4 xóm còn lại vẫn chưa có NVH và mỗi khi xóm tổ chức sinh hoạt hay
hội họp đều phải mượn nhà dân để làm địa điểm tổ chức. Hiện tại, xã đang có
chủ chương bố trí nguồn vốn từ CTMTQGXDNTM để xây dựng NVH theo lộ trình từ
nay đến năm 2025, đảm bảo các xóm đều có NVH để phục vụ các hoạt động văn
hóa, thể thao của người dân địa phương.
|