(HBĐT) - Công tác giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã, đang được huyện Tân Lạc đặc biệt quan tâm, thực hiện lồng ghép trong các phong trào, cuộc vận động lớn như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chung sức xây dựng nông thôn mới… Trên địa bàn đã thành lập, duy trì một số câu lạc bộ (CLB) bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thành phần tham gia CLB ngày càng đa dạng, từ người cao tuổi, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên…
Trung tuần tháng 10 vừa qua, UBND xã Gia Mô tổ chức lễ ra mắt CLB hát đối, thường rang, bộ mẹng cấp xã, quy tụ 25 thành viên là nghệ nhân và những người yêu mến các làn điệu dân ca Mường. Đồng chí Bùi Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Di sản văn hóa phi vật thể hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm đứng trước nguy cơ dần mai một. Bên cạnh việc duy trì hoạt động đội văn nghệ các xóm, sự ra đời của CLB là sân chơi lành mạnh, điểm hẹn giao lưu, gặp gỡ của mọi người, đồng thời là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của văn hóa Mường. Cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn CLB phát triển, thu hút nhiều hội viên hơn và truyền tải dân ca Mường tới thế hệ trẻ, giúp họ được tiếp xúc, thêm hiểu, thêm yêu những làn điệu dân ca.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có các CLB bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc xóm Ngòi - xã Suối Hoa thành lập năm 2017; CLB bảo tồn bản sắc văn hóa xóm Định - thị trấn Mãn Đức thành lập năm 2019. Gần đây nhất là CLB hát đối, thường rang, bộ mẹng xã Gia Mô. Đi đôi với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, các CLB duy trì tổ chức sinh hoạt, truyền dạy cho thành viên cách hát các làn điệu dân ca, dân vũ, hát đúm, hát ru, nghệ thuật đánh chiêng. Việc mặc trang phục dân tộc trong các buổi sinh hoạt CLB, hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, ngày lễ, Tết cũng được các thành viên CLB duy trì. Hoạt động mô hình CLB và tổ, đội văn nghệ ở các xóm, bản du lịch cộng đồng, gồm xóm Ngòi - xã Suối Hoa, xóm Chiến - xã Vân Sơn, xóm Lũy Ải - xã Phong Phú, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường còn tích cực tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc tới du khách.
Những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 07-CT/HU, ngày 19/10/ 2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường, huyện đã thành lập 6 CLB với sự tham gia của trên 100 nghệ nhân và những người có cùng sở thích, tập trung ở các xã: Phong Phú, Nhân Mỹ, Mỹ Hòa. Bằng nhiều nỗ lực, đơn vị chuyên môn của huyện đã phối hợp với các nghệ nhân nòng cốt mở lớp truyền dạy dân ca Mường, chiêng Mường tại các xóm, xã. Dân ca Mường, chiêng Mường còn được đưa vào trong nhà trường thông qua chương trình học ngoại khóa. Ngày càng có nhiều người trong lớp trẻ được truyền dạy, tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường.
Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Việc nhân rộng mô hình CLB có ý nghĩa thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của người dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Quá trình hoạt động, các CLB, đội văn nghệ quần chúng xây dựng kế hoạch tập luyện, giao lưu, chia sẻ. Một số đơn vị cơ sở triển khai phối hợp với nghệ nhân tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, thống kê hình thành "ngân hàng dữ liệu” các làn điệu dân ca Mường, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến nghệ thuật hát dân ca.
Bùi Minh