(HBĐT) - Trong tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), cộng đồng làng Mường đã tổ chức lễ mát nhà của dân tộc Mường Hòa Bình. Đây là một trong những lễ truyền thống độc đáo của người Mường Hòa Bình.


Thầy mo thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu phúc tại lễ mát nhà.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) cho biết: Lễ mát nhà chính là lễ để xua đuổi, hóa giải những điều xấu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người có sức khỏe bình an. Nhiều gia đình thường tổ chức lễ này vào dịp đầu năm. Tuy nhiên, cũng có những gia đình gặp điều không may thì tiến hành làm lễ mát nhà vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhiều gia đình tổ chức lễ sau thời gian thu hoạch vụ mùa, khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Để chuẩn bị cho lễ mát nhà, gia chủ phải sắm sửa mâm lễ vật gồm 9 mâm to, 2 mâm nhỏ; mâm to mời Thành hoàng bản thổ, mời thổ công thổ địa, mời những thần lớn ở Mường Trời...

Trong lễ mát nhà của người Mường Hòa Bình, vai trò của thầy mo rất quan trọng. Thầy mo là cầu nối giữa thần linh với con người. Khi được gia chủ mời về làm lễ, thầy mo sẽ chuẩn bị các đồ vật cần thiết sử dụng trong nghi lễ, gồm túi khót, quạt… Cũng có thầy mo chuẩn bị một bảo kiếm với ý nghĩa ngày xưa, địa hình đồi núi còn rậm rạp, phức tạp, khi đón thầy về làm lễ, thanh kiếm sẽ như một vật tượng trưng được cầm đi trước để bảo vệ thầy khỏi những vật cản.

Lễ vật trong lễ mát nhà cũng khá cầu kỳ. Trong lễ vật không thể thiếu một con vịt, tượng trưng cho phương tiện di chuyển đưa các vị thần từ Mường Trời xuống trần gian. Bên cạnh những mâm cỗ dành cho các vị thần thánh, gia chủ cũng chuẩn bị những mâm cỗ cho cả tà ma, trong đó bắt buộc phải có một con gà luộc chín. Những mâm cỗ này phải được đặt ở vị trí gần cửa chính nhất với quan niệm những chuyện xấu xảy ra là do tà ma quấy nhiễu, do vậy sẽ cho ma ăn một bữa thật no rồi đuổi ra khỏi nhà theo cửa chính, làm phép để tà ma không quay lại nữa. 

Các nghi lễ bắt đầu tiến hành tại nơi cửa sổ chính, quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn của người Mường, chỉ dành cho người có chức vụ cao nhất trong ngôi nhà được ngồi. Ngày làm lễ, thầy mo chính là người có chức vị cao nhất trong ngôi nhà, là cầu nối giữa cõi trần và cõi âm, thực hiện toàn bộ nghi lễ diễn ra được thuận buồm xuôi gió. Thầy mo sẽ báo cáo, mời thánh thư của gia chủ. Đây là nghi thức bắt buộc đầu tiên đối với tất cả các thầy mo Mường khi tiến hành bất kỳ nghi lễ nào. Thánh thư trong quan niệm của người Mường rất quan trọng, nên sẽ được mời về để chứng giám, phù hộ cho mọi nghi lễ được diễn ra tốt đẹp, thuận lợi. Trong lúc thực hiện nghi lễ mời thánh thư, một túi đồ không thể thiếu là túi khót. Túi  khót là bí mật thiêng liêng được truyền lại từ nhiều đời làm thầy. Những đồ vật trong túi khót đều    là những vật dụng vô cùng quý   giá và đặc biệt như rìu đá cổ, nanh lợn rừng… có vía mạnh như một linh hồn, một biểu trưng mang ý nghĩa về sự may mắn, xua đi những điều gở.

Để lễ mát nhà được theo đúng ý nguyện, thầy mo mời về thần hoàng bàn thổ, thổ công bản địa, người đã có công khai thiên lập địa ra vùng đất, sau đó mới thỉnh các vị thần thánh anh em, hay còn gọi là các vị thần nông nghiệp từ Mường Trời về. Nghi lễ có ý nghĩa mở tiệc dâng các ngài, giúp đỡ xua đuổi tà ma, bắt đi những điều xấu, phù hộ cho gia chủ làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh. Tiếp theo, thầy mo mời các đấng bề trên thụ hưởng lễ vật, thưởng thức rượu cần của dân tộc Mường. Sau khi các vị thần hưởng lễ vật, thầy mo xin âm dương, cầu mong các vị thần thánh phù hộ cho đất Mường được bình an, mưa thuận gió hòa.

Chiếc quạt trên tay thầy mo là nghi lễ quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ. Nghi lễ này có ý nghĩa rất quan trọng bởi người Mường quan niệm, quyền năng từ chiếc quạt thầy mo sử dụng có sức mạnh tối thượng chống lại tà ma. Thầy mo dùng một bát nước trong đó có những vật dụng trong túi khót để vẩy quanh nhà cho gia chủ. Nước tượng trưng cho những điều mát lành, vật dụng trong túi khót là những vật linh thiêng ẩn chứa trong đó sức mạnh. Thầy mo hòa chúng với nhau cùng những lời trú nguyện vẩy quanh nhà để làm mát nhà, mang những điều may mắn trở lại.

Khi đồ vật trong nhà đều được làm mát, thầy mo tiếp tục thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay, cầu phúc cho gia chủ và mọi người, với mong muốn mọi người luôn bình an, hạnh phúc. Sau nghi lễ mát nhà, người Mường quan niệm sẽ gặp may mắn, ấm no, mọi xui xẻo cũng từ đó tiêu tan.


Đỗ Hà

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục