(HBĐT) - Với đồng bào dân tộc Mường ở vùng Mường Rậm, Mường Trác, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy), có 3 dịp trọng đại nhất của một năm, đó là Tết Độc lập, Tết Nguyên đán và Tết cơm đe. Đã thành thông lệ, vào ngày 26/10 âm lịch, Tết cơm đe lại diễn ra. Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, ngày lễ trọng mang nét văn hoá độc đáo này vẫn được bà con lưu giữ.



Người Mường xóm Rậm, xã Lạc Thịnh (Yên Thuỷ) chuẩn bị lễ cơm đe.

Các bậc cao niên ở vùng Mường Rậm kể lại rằng, ngày xưa, có hai ông Lang Cun tên là Cun rậm và Đạo trác đã có công khai phá, dựng lên mảnh đất Mường Rậm, Mường Trác ngày nay. Ông Lang Cun là người trị vì, cai quản cả Tổng Rậm, với mong muốn "quốc thái, dân an”, vì thấy đời sống Nhân dân vô cùng cực khổ, nhà giàu thì ít, nhà nghèo lại nhiều hơn nên trước khi qua đời, Lang Cun dặn lại các dòng tộc, dòng họ và con cháu là sau khi thu găt vụ mùa xong, dân lúc này mới có gạo nếp để ăn và cúng tổ tiên thì làm bữa cơm chay để cúng Thành Hoàng làng, ông bà tổ tiên trong gia đình, cầu sức khoẻ, bình an, làm ăn phát đạt. Lúc bấy giờ, do điều kiện kinh tế nên Nhân dân chỉ cúng và ăn chay. Các món ăn chay do ông Lang Cun dặn gồm có măng giang, đu đủ, quả mướp luộc, muối vừng rang không cho muối, cơm đe, xôi đồ.

Thông thường, trước đó chừng 5 - 6 ngày, bà con đã chuẩn bị cho lễ cơm đe. Muốn có món cơm đe ngon, ngọt, dậy mùi thơm phải chọn gạo nếp rất kỹ, là nếp nương dẻo giã bỏ vỏ trấu, sàng sẩy sạch sẽ rồi cho vào nước ngâm từ 3 - 4 giờ, sau đó vớt gạo ra cho vào cốp đồ lên. Khi cơm vừa chín tới cho ra một cái thúng to để nguội. Lưu ý, gạo nếp dùng để làm cơm đe không được nấu, vì nếu nấu sẽ bị nát, không còn nguyên hạt. Khi cơm đã nguội đem ủ. Trước hết vẩy một ít nước đun sôi để nguội vào cơm để các hạt cơm không còn dính vào nhau, sau đó rắc men lên từng lớp cơm cho thật đều mới cho cơm vào thúng. Thúng được lót một lớp lá chuối kín, không để gạo ngấm men chảy nước ra ngoài. Với men để ủ cơm đe, như lời truyền lại của ông cha và kinh nghiệm của người Mường Rậm, loại men dùng để ủ cơm là các loại lá, rễ, củ cây trên rừng kết hợp tạo thành.

Cơm được ủ 2 ngày trong thúng cho lên men thì gọi là cơm đe. Lúc này, các gia đình ở Mường Rậm, Mường Trác mới bỏ cơm đe vào lọ sành hoặc sứ, chờ đúng ngày lễ để cúng Thành Hoàng làng, cúng ông bà tổ tiên ăn trước, sau đó mời anh em họ hàng, bạn bè và khách của gia đình.

Theo đồng chí Bùi Ngọc Lương, Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh, lễ cơm đe Mường Rậm chỉ có phần lễ, không có phần hội và phần lễ được tổ chức đơn lẻ ở các hộ gia đình. Vào ngày này, mọi người dân gác lại công việc đồng áng, nương rẫy để chuẩn bị đồ chay cúng theo từng hộ chứ không tổ chức tập trung. Việc cúng lễ nhất thiết diễn ra trước lúc mặt trời mọc (4 giờ) để tránh các con vật, như: Nhện chưa kịp giăng tơ, ruồi chưa kịp đẻ trứng, đây gọi là mâm cúng sạch. Người trong gia đình phải đặt lịch trước với thầy cúng và đi đón thầy về nhà mình từ tờ mờ sáng. Mâm lễ được đặt chính giữa nhà. Tuỳ từng điều kiện gia đình mà có thể bày từ 1, 2 đến 3 mâm cúng. Nhớ lời Lang Cun căn dặn, các gia đình chuẩn bị đồ cúng đầy đủ, không thể thiếu cơm đe, xôi đồ, rượu trắng, măng giang, quả mướp, đu đủ luộc chín, muối vừng để nguyên hạt không muối.

Khi phần lễ kết thúc cũng là lúc cả gia đình cùng ngồi trò chuyện, hưởng lộc và ai cũng phải thưởng thức một chút cơm đe để lấy may. Cho đến khi trời sáng hẳn, gia đình tiếp tục chuẩn bị các món ăn mặn để tiếp đón bạn bè, thông gia, khách khứa. Cứ đến ngày này, con cháu, bạn bè đi làm xa quay về quê hương để ăn lễ cơm đe cùng gia đình, họ hàng, láng giềng. Người dân nơi đây còn thể hiện tấm lòng hiếu khách của mình qua câu nói "khách không mời đến mới là khách quý”. Ngày lễ cơm đe, không ai phải mời ai, khách tự biết mà đến nhà chơi.

Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng Mường Rậm, Mường Trác được nâng cao. Lễ cơm đe giờ phong phú hơn, hầu hết các gia đình tổ chức ăn mặn, mổ lợn, gà, chế biến nhiều món ngon thiết đãi khách. Trong mâm cơm cúng gia tiên và bữa cơm ngày lễ dù thế nào vẫn không thể thiếu món rau đồ và rau cải dưa muối. Khách đến gia đình chỉ là ăn cơm đe nhớ vị, nâng chén rượu để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của nhau, cùng đón nhận không khí ấm tình đoàn kết, tình thân và cảm nhận nét đẹp văn hoá truyền thống của ngày lễ cơm đe riêng có ở vùng Mường Rậm, Mường Trác. Mọi người đều chúc cho nhau sang năm mới có nhiều đổi thay, nhiều sức khoẻ, gia đình hạnh phúc. Gia chủ đáp lại lời chúc của khách, hẹn sang năm khách trở lại sẽ tổ chức ăn lễ cơm đe lớn hơn.        

Bùi Minh

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục