Nhiều hoạt động sôi nổi, sáng tạo trong chuỗi sự kiện của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất đang diễn ra mang lại niềm tin về sự khởi sắc của các đơn vị xuất bản, phát hành cũng như sự phát triển văn hóa đọc.


Độc giả chọn sách trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh VÕ MẠNH HẢO)

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cùng các ban, ngành, địa phương tổ chức trong suốt tháng 4, đang diễn ra với nhiều hoạt động, hình thức đa dạng thông qua các sự kiện chính: Lễ khai mạc và công bố quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (19/4); Hội Sách chào mừng diễn ra tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; Hội sách trực tuyến quốc gia 2022 chủ đề "Thắp lửa tri thức” tại địa chỉ website: book365.vn (từ ngày 19/4 đến 20/5); Tuần lễ và tháng phát hành sách triển khai ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Điểm nhấn của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất là triển lãm chuyển đổi số giới thiệu các mô hình sách nói, sách điện tử, trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo...

Đây là một trong những nội dung trọng tâm, góp phần khuyến khích sự phát triển, lan tỏa tích cực của văn hóa đọc và ứng dụng công nghệ số vào đời sống hiện đại. Hội Sách tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 19 đến 24/4), được xây dựng thành ba không gian gồm: Không gian chuyển đổi số; không gian thành phố sách và không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc.

Không gian thành phố sách với chủ đề "Sách và Chuyển đổi số” là điểm nhấn của Hội Sách với nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm các mô hình sách nói, sách điện tử, sách 3D thực tế ảo… gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra còn có những mô hình, giải pháp hay về ứng dụng chuyển đổi số gắn với ngành xuất bản như: Hệ thống thư viện số (thư viện sách nói), công cụ hỗ trợ rà soát, biên tập dành cho ngành xuất bản bằng giọng nói… giới thiệu với người dân thành phố việc ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào việc đọc sách trong thời đại mới. Đây là một trong những nội dung trọng tâm góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.


Độc giả trải nghiệm không gian Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội). (Ảnh Lữ Mai) 

Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống cũng được tái hiện qua cách bài trí không gian như cổng chào được thiết kế đặc trưng theo văn hóa Nam Bộ, các mô hình lớp học xưa, hoạt cảnh thầy đồ-con trẻ…

Đặc biệt, hơn 40 đầu sách quý hiếm của Thư viện thành phố Hồ Chí Minh cùng kỹ thuật bảo tồn, khôi phục sách xưa được giới thiệu dịp này. Không gian biển đảo Việt Nam với nhiều bản đồ giá trị về chủ quyền, triển lãm; chương trình giới thiệu thói quen đọc sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hệ thống tư liệu quý... cũng được chuyển tải tới đông đảo bạn đọc. Cùng với các không gian triển lãm, giới thiệu sách… nhiều hoạt động nghệ thuật bên lề cũng được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên chia sẻ, Ban tổ chức quyết định chọn thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam bởi nơi đây là một trong những trung tâm phát triển nhất về ngành sách và văn hóa đọc của cả nước. Ngoài ra, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thành phố đang từng bước hồi phục và một sự kiện ý nghĩa về sách, về văn hóa đọc sẽ góp phần cổ vũ, động viên ngành xuất bản, phát hành, bạn đọc… để tạo ra những bước chuyển mới trong đời sống văn hóa, tinh thần.

Tại Hà Nội, hàng loạt hoạt động hưởng ứng sự kiện đặc biệt cũng được các đơn vị xuất bản tổ chức, gồm: Buổi giới thiệu sách "Nhạc sĩ Hoàng Vân-Cho muôn đời sau” do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức; hội thảo "Xây dựng tủ sách gia đình” và tọa đàm "Nữ quyền cho mọi người” do Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức; lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Vẽ tranh theo sách” và "Viết cảm nhận một cuốn sách” do Thư viện Quốc gia tổ chức; tọa đàm "Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc” do Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp Công ty cổ phần sách Alpha tổ chức…

Chia sẻ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học, Nguyễn Anh Vũ cho biết: "Chuyển đổi số là nội dung chúng tôi đặc biệt quan tâm vì đã nhận biết được những tín hiệu tích cực và xác định đó là hướng đi phát triển bền vững trong tương lai. Suốt thời gian qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song các đơn vị xuất bản, phát hành đã áp dụng công nghệ trong làm việc, phát hành sách trực tuyến đồng thời xây dựng lộ trình cho xuất bản sách điện tử, audio book, podcast… kết hợp Infographic (đồ họa thông tin) hay Multimedia (đa phương tiện) nhằm đáp ứng các phương thức đọc mới của độc giả hiện nay…

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho biết, năm nay, Nhà xuất bản có nhiều hoạt động sôi nổi, như phối hợp các học viện trong quân đội tổ chức chương trình giao lưu, tập trung tuyên truyền về giá trị của sách, về nguồn tri thức vô tận mà sách mang lại, về lợi ích của việc đọc sách, và giá trị văn hóa đọc. Bên cạnh đó là hoạt động giới thiệu các bộ sách lớn mới xuất bản và tặng sách cho các trường học, tổ chức chương trình giao lưu trực tiếp giữa diễn giả là các nhà văn, nhà nghiên cứu với bạn đọc xoay quanh chủ đề sách và những giá trị với cuộc sống.

Ông Lê Hoàng Thạch, CEO của VoizFM cho hay, đến với Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất, đơn vị thiết kế các khu vực riêng biệt với những ứng dụng khác nhau dành cho độc giả, bao gồm hộp âm thanh để trải nghiệm trực tiếp sách nói, tích hợp mượn sách nói tại khu vực thư viện số hay không gian trò chơi thử thách để độc giả phân biệt giọng đọc của trí tuệ nhân tạo (AI) và người thật. Bên cạnh đó, việc ra mắt mô hình máy bán sách tự động do đơn vị Sài Gòn Books vận hành cũng mang đến trải nghiệm độc đáo cho công chúng.

Diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều hoạt động phong phú, kéo dài đến hết tháng 5, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất tạo ấn tượng bằng điểm nhấn chuyển đổi số ở mọi hoạt động liên quan sách và văn hóa đọc, bằng các chương trình tọa đàm, giới thiệu sách, các cuộc thi tìm hiểu qua sách, kể chuyện theo sách… đã quảng bá tôn vinh sách, khơi gợi tình yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc trong nhân dân. Đây cũng chính là mục tiêu, động lực tạo đà phát triển cho ngành xuất bản, phát hành cả nước trong giai đoạn tới.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Văn hóa là hồn cốt của dân tộc

Trong bài "Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc… Văn hóa còn thì Dân tộc còn”.

Nhiều hoạt động trong Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam của tỉnh Hòa Bình năm 2022

(HBĐT) - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 của tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra vào ngày 21/4/2022 tại Công Viên Di sản các nhà Khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công viên Di sản các nhà Khoa học Việt Nam tổ chức. 

Hai thương hiệu kịch Nhà hát Tuổi trẻ đã trở lại

Khôi phục hoạt động biểu diễn, thích ứng an toàn và linh hoạt với tình hình mới, ngay sau khi công diễn vở nhạc kịch "Sóng", Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt hai vở diễn mới "Ông không phải bố tôi" của Lưu Quang Vũ và hài kịch "Cái... ao làng" của tác giả Chu Thơm, ghi dấu sự trở lại ở hai thương hiệu kịch Lưu Quang Vũ và hài kịch quen thuộc của nhà hát.

Tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam


Bài 1: Sắc màu vùng cao làm giàu thêm văn học nghệ thuật nước nhà

Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc

(HBĐT) - Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc.

Tìm hiểu roóng Mo Đẻ đất đẻ nước: Bài 2 - Cây si khổng lồ - biểu tượng sức sống lưỡng hợp và mãnh liệt của người Mường

(HBĐT) - Sau khi đất - nước - trời - núi đồi… được sinh ra, cây si là cây đầu tiên tự sinh, tự mọc ra trên mặt đất. Cây si không phải là cây si thường, nó là cây si ban đầu - nói theo tiếng Hán - Việt thì là cây khởi thủy, từ cây si sinh muôn loài trên mặt đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục