(HBĐT) - "Khi ca lên Hồ Chí Minh/ Nghe lòng phơi phới niềm vui”, đó là lời một bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và cũng là cảm xúc thực của triệu triệu người con đất Việt, nhất là trong giới văn, nghệ sĩ. Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2022), Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp với trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Tây Bắc, quán cafe Trung Nguyên E-COFFE Thịnh Lang tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với tựa đề "Tháng 5 nhớ Bác”.


Nghệ sĩ Bùi Minh Phương thể hiện những vần thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đêm giao lưu.

Mở đầu chương trình đêm giao lưu, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng hình ảnh của Người luôn trong trái tim của triệu triệu người con đất Việt. Trái tim, nhân cách của Người luôn là đề tài, cảm hứng sáng tạo VHNT. Nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, chúng ta tề tựu tại đây để cùng bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng của mình đối với Bác thông qua việc thể hiện và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, chia sẻ những cảm xúc thiêng liêng về Bác - vị Cha già kính yêu của dân tộc. Nhà thơ Lê Va đọc bài thơ "Có một người như thế ở đời này” của tác giả Nguyễn Tấn Việt. Bài thơ có 3 khổ, 16 dòng, dù không có 1 từ nhắc đến Bác Hồ, hay Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng tất cả người đọc, người nghe đều hiểu và cảm nhận đó là bài thơ viết về Người: "Có một người/ Trồng cây trong vườn, nghĩ đến xa xôi/ Khi cây ở, là trời xanh mây thắm/ Khi rừng đi, là hoang mạc vắng đời/ Những núi xanh cổ đại tựa vành nôi/ Ru lịch sử loài người lên phía trước… Người ra vườn chim ríu ran cành lá/ Người bên hồ cá lượn dưới bàn tay/ Người làm thơ, trăng xuống ngọn cây/ Người viết sách, rừng xanh vào tận cửa…”.

Tiếp mạch cảm xúc, nghệ sỹ Phương Bình trong bộ trang phục của phụ nữ Mường cất giọng ngâm ấm áp với bài thơ "Thế gian này chỉ có Bác mà thôi” và bài "Người đi tìm hình của nước”khiến cả không gian tĩnh lặng. Sau những tràng pháo tay tán thưởng cho giọng thơ trầm ấm du dương khán giả lại chìm đắm trong giai điệu ngọt ngào, trầm hùng, hào sảng của những ca khúc "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, "Người là niềm tin tất thắng”, "Người Mèo ơn Đảng”… do các nghệ sĩ trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc thể hiện.

Trong nghệ thuật luôn có sự ngẫu hứng và sự ngẫu hứng của các nghệ sĩ luôn tạo nên nét đặc trưng riêng. Là khách mời trong đêm giao lưu, nhưng họa sỹ, nhạc sĩ, nhà thơ Vi Quốc Hiệp đến từ xứ sở ngàn hoa (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tạo sức nóng cho đêm giao lưu. Thể hiện xong ca khúc tự biên, tự diễn của mình, ông mời 2 người bạn là họa sỹ, nhạc sĩ Văn Thao và họa sỹ, nhạc sĩ Hoàng Tâm của Hội VHNT tỉnh cùng lên sân khấu. Ba nghệ sĩ đều đã ở tuổi xấp xỉ 80, tóc bạc, da đồi mồi, đeo kính lão… nhưng vẫn thể hiện rất ngọt ca khúc "Thời thanh niên sôi nổi” cả bằng lời Nga và lời Việt khiến cả khán phòng như bừng sáng tinh thần cách mạng của tuổi trẻ.

Đã có sự kết nối, chuẩn bị khá chu đáo, vì vậy đêm giao lưu nghệ thuật không chỉ có thơ, nhạc mà còn có cả những câu chuyện kể về Bác Hồ kính yêu từ những nhân chứng sống. Trong niềm rưng rưng xúc động, nhà thơ Phạm Kim Tiến, Hội viên Hội VHNT kể lại khoảnh khắc được gặp Bác tại bến phà Suối Rút. Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng nhà thơ Phạm Kim Tiến vẫn nhớ như in khoảnh khắc được Bác xoa đầu và lời dặn dò ân cần, ấm áp: "Các cháu hãy chăm ngoan, học giỏi để mai sau xây dựng nước nhà”.

Góp mặt trong đêm giao lưu, nghệ sĩ Văn Thao, con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao - "cây cổ thụ 3 ngọn” của nền nghệ thuật nước nhà đã chia sẻ những dòng hồi ký của cha khi ông viết bài hát "Tiến quân ca” - bài hát được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Vào ngày 16/8/1945, có 3 bài hát gồm "Tiến quân ca”, "Chiến sỹ Việt Minh” của nhạc sĩ Văn Cao và "Diệt phát xít" của tác giả Nguyễn Đình Thi được đưa lên Bác Hồ lựa chọn làm Quốc ca. Khi đó Bác nhận xét bài "Diệt phát xít” rất hay, ngắn gọn, dễ phổ cập nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi, nếu chọn bài này làm Quốc ca thì không hợp. Bài "Chiến sỹ Việt Minh” Bác rất thích, nhất là đoạn kết của bài hát: Thề phục quốc/ Tiến lên Việt Nam!/ Lập quyền dân. Tiến lên Việt Nam!... nhưng bác nói bài dài khó hát, nếu để Nhân dân đứng chào cờ, dài như vậy sẽ mỏi chân nên Bác chọn bài "Tiến quân ca" vừa dễ hát, ngắn gọn, xúc tích dễ phổ cập. Chiều 16/8/1945, tại Đại hội Quốc dân đồng bào, bài "Tiến quân ca" đã được thông qua và trở thành bài hát Quốc ca của đất nước Việt Nam cho đến ngày nay.

Sau những phút giây tĩnh lặng nghe những câu chuyện kể về Bác, cả khán phòng lặng yên trong sự xúc động bồi hồi. Để xóa tan không khí tĩnh lặng ấy người dẫn chương trình bắt nhịp để cả khán phòng cùng hát vang bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Đêm giao lưu khép lại nhưng những ca từ "Việt Nam - Hồ Chí Minh” còn đọng lại mãi cùng tháng năm.


Thúy Hằng

(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục