(HBĐT) - Với 72 hang động, di tích, di chỉ khảo cổ được tìm thấy trên địa bàn, các nhà khảo cổ, nhà khoa học, nhà nhân chủng học đã xác định: Hòa Bình là một trong những chiếc nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình”. Để "cái nôi văn hóa” ấy trường tồn với thời gian, những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình" luôn được tỉnh quan tâm sâu sát.
Hang xóm Trại, xã Tân Lập(Lạc Sơn), một trong những di tích khảo cổ tiêu biểu của nền "Văn hóa Hòa Bình”.
Theo nguồn tư liệu từ Bảo tàng tỉnh: Từ những năm 20 của thế kỷ XX, các hang động trong các sơn khối đá vôi Hòa Bình đã được các nhà khảo cổ học của trường Viễn Đông Bác Cổ chú ý tới. Qua quá trình khảo sát, thám sát, khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra trong hang động của các sơn khối đá vôi Hòa Bình một nền văn hóa phát triển trong giai đoạn từ hậu kỳ đá cũ tới sơ kỳ đá mới, nền văn hóa này được đặt tên là nền "Văn hóa Hòa Bình”. Trong thời gian từ năm 1926 - 1932, bà Madeleine Colani (nhà khảo cổ học người Pháp) đã phát hiện và khai quật 54 di chỉ khảo cổ ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1932, tại hội nghị Tiền Sử Viễn Đông lần thứ nhất tại Hà Nội (hội nghị đầu tiên về khảo cổ trên đất Việt Nam), bà Madeleine Colani đã trình bày đầy đủ bằng chứng sự hiện diện một nền văn hóa cổ không giống những văn hóa tiền sử biết đến trước đó trên thế giới. Đồng thời đề xuất tên gọi là "Văn hóa Hòa Bình” và đã được hội nghị thông qua.
"Văn hoá Hòa Bình” được xác định là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hoá Sơn Vi - Phú Thọ) và thời đại đá mới (Văn hoá Bắc Sơn - Lạng Sơn). Nền văn hóa này tồn tại trong khoảng thời gian từ 30.000 - 4.000 năm cách ngày nay và không chỉ tồn tại trên đất nước Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam Á như: Trung Quốc, Indonesia, Miến Điện, Thái Lan, Philippines. Hiện nay, ở Việt Nam đã tìm thấy trên 130 địa điểm thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình”, trong đó trên một nửa do các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện trong những năm 1966 - 1980. Các di tích Văn hóa Hòa Bình phân bố không đều, tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh: Hòa Bình (72 điểm) và Thanh Hóa (32 điểm), số còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.
Các di tích khảo cổ tiêu biểu của nền "Văn hóa Hòa Bình” được phát hiện trên địa bàn tỉnh ta gồm: Di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn); di tích hang Chổ, xã Cao Sơn (Lương Sơn); di tích hang Đồng Thớt, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy); di tích hang Muối, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc)… Các di tích, di vật tiêu biểu tìm thấy trên vùng đất Hòa Bình phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử tại Hòa Bình. Đến nay, hầu hết các điểm di tích này đã được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và đệ trình xếp hạng. Theo đó, nhiều di tích khảo cổ học thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nền văn hóa, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là ngành văn hóa đã tập trung thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nền "Văn hóa Hòa Bình". Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế, khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình”. Tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê các di tích khảo cổ học "Văn hóa Hòa Bình", lập hồ sơ di tích và thực hiện các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị của nền văn hóa. Một mặt, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bằng hình thức trực quan, qua mạng internet, qua báo chí, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau đến các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước và các diễn đàn khoa học quốc tế. Qua đó nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận và đặt tên cho nền "Văn hóa Hòa Bình” (1932 - 2022), ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh năm 2022. Trong đó nêu rõ: Các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra trong năm 2022 đều hướng đến chủ đề kỷ niệm 90 năm đặt tên cho nền "Văn hóa Hòa Bình”. Nội dung các hoạt động gồm: Tổ chức cuộc thám sát và khai quật khảo cổ tại một số di tích tiêu biểu về nền "Văn hóa Hòa Bình”; trưng bày triển lãm chuyên đề; khai trương tuyến đường mang tên nhà khảo cổ học người Pháp - bà Madeleine Colani; tổ chức hội thảo quốc gia 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền "Văn hóa Hòa Bình”.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Hiện tại, ngành văn hóa đang xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận và đặt tên cho nền "Văn hóa Hòa Bình”. Cụ thể là xin chủ trương, giấy phép khai quật một số hang động khảo cổ tại huyện Lạc Sơn. Mời các nhà khoa học viết tham luận và tham gia hội thảo quốc gia 90 năm xác lập và nghiên cứu về nền "Văn hóa Hòa Bình”. Phối hợp UBND TP Hòa Bình lựa chọn con đường để đặt tên "đường Colani”… nhằm tôn vinh những đóng góp của nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã có công phát hiện và đặt tên cho nền "Văn hóa Hòa Bình". Qua đó góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là trung tâm của nền "Văn hóa Hòa Bình” - một trong những chiếc nôi phát triển của loài người, để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)
(HBĐT) - "Khi ca lên Hồ Chí Minh/ Nghe lòng phơi phới niềm vui”, đó là lời một bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và cũng là cảm xúc thực của triệu triệu người con đất Việt, nhất là trong giới văn, nghệ sĩ. Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2022), Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp với trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Tây Bắc, quán cafe Trung Nguyên E-COFFE Thịnh Lang tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với tựa đề "Tháng 5 nhớ Bác”.
(HBĐT) - Là một trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh, những năm qua, huyện Lạc Sơn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Mo Mường. Năm 2018, Câu lạc bộ Mo Mường huyện Lạc Sơn được thành lập với tổng số hội viên là 39 người.
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc tỉnh Hà Tĩnh tất bật với công việc đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ và tham quan các công trình di tích lịch sử.
Cảnh báo nạn tham nhũng, nhưng ở góc độ sâu hơn là sự tha hóa, biến chất về đạo đức ở một bộ phận cán bộ và lối sống thực dụng, trọng vật chất ở không ít người trẻ, vở Nhân thế (tác giả: Lê Mạnh Hùng, đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu) vừa ra mắt trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận và công chúng.
Không có những màn công nghệ, kỹ xảo hình ảnh, nước chủ nhà SEA Games 31 - Việt Nam sẽ gửi lời chào nồng ấm, thân thương nhất tới bạn bè khu vực trong Lễ bế mạc diễn ra khoảng 90 phút tại Cung Điền kinh trong nhà, Thủ đô Hà Nội tối 23/5. Đó là những tiết lộ của Tổng Đạo diễn Lễ khai mạc & bế mạc SEA Games 31, Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly trước ngày Đại hội khép lại.
(HBĐT) - Dịp này về quê, thấy người chị họ gần 50 tuổi rồi mà vẫn say sưa tập hát cùng đội văn nghệ thôn bản. Trang phục dân tộc, sắc màu quá. Giọng hát của chị dù nhuốm màu thời gian, không còn trong trẻo như thời trẻ nhưng vẫn tha thiết giàu cảm xúc khi hát "Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến. Chị chia sẻ: Hát bài này từ thời còn son rỗi, giờ sắp thành bà ngoại mà vẫn dạt dào tình cảm. Mỗi lần hát chị lại hồi tưởng lần về thăm làng Sen quê Bác, lần thăm Lăng Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội…Chị mong ước: Sẽ có lần thăm Bến Nhà Rồng ở TP Hồ Chí Minh…