Ngày 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, sau thời gian khai quật khảo cổ học năm 2022 tại khu vực xung quanh và bên dưới nhà Cục Tác chiến nhằm làm rõ hơn trục Ngự Đạo, sân Đan Trì phục vụ công tác nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên và Chính Điện Kính Thiên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những dấu tích mới của sân Đan Trì và trục Ngự Đạo.
Đoan Môn có 5 cửa ra vào hình chữ U, hai cửa tận cùng bên cạnh là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Vị trí khai quật nằm trong khu vực sân Đan Trì thời Lê, hiện tại là khu vực nhà Cục Tác chiến, gồm hai hố khai quật. Hố khai quật số 1 rộng 955m2 tại khu vực sân sau Nhà Cục tác chiến; hố khai quật số 2 và 3 trong phạm vi nền nhà Cục Tác chiến.
Đây là hai hố khai quật nằm trong không gian chính Điện Kính Thiên thời Lê, thuộc khu vực Đại Triều với những dấu tích đặc biệt quan trọng như đường Ngự Đạo (đường vua đi), sân thiết lễ Đại Triều và cũng là không gian thiêng liêng nhất của Đại Việt.
Các hố khai quật ở độ sâu 1 - 1,2 m đã phát lộ một số mảng sân lát gạch màu xám, vị trí còn lại nhiều nhất ở khu chính giữa hố có vệt đầm gạch ngói vỡ trải dài hướng Bắc - Nam, rộng khoảng 6,7m theo hướng từ cửa chính của Đoan Môn đi qua Nhà Cục Tác chiến lên đến Điện Kính Thiên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Việc nghiên cứu khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long tiến hành hàng năm, luôn phát hiện những giá trị mới. Năm nay việc khai quật thực hiện ở trung tâm sân Đan Trì, là khu vực trung tâm nhất của khu di sản. Các nhà khảo cổ học phát hiện hai dấu hiệu vô cùng quan trọng, là dấu tích của sân Đan Trì – tức là sân thiết triều của các vương triều quân chủ Việt Nam và Ngự Đạo là đường đi chính của Nhà vua khi ra vào Hoàng thành Thăng Long, là con đường thiêng của khu di sản hiện nay.
Căn cứ vào hiện trường đang khai quật và kết quả các đợt khai quật thăm dò những năm trước, đợt khai quật này đã làm rõ thêm được một phần các dấu tích kiến trúc Lý - Trần - Lê từ Ðoan Môn đến thềm rồng Điện Kính Thiên. Đồng thời, góp thêm chứng cứ khoa học để nhận thấy sự thay đổi chồng xếp vô cùng phức tạp của các di tích khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Cuộc khai quật còn đang tiếp tục nhưng bước đầu đã thấy được phần nào giá trị to lớn của khu di sản.
Sân Đại Triều là nơi trăm quan dự lễ Đại Triều, nơi diễn ra hoạt động thi Tiến sĩ. Còn Ngự Đạo nằm ở chính giữa sân Đại Triều được bắt đầu từ thềm Điện Kính Thiên ra cửa Nam. Đây là con đường để Hoàng đế xuất hành đi tế lễ tại Nam Giao, đàn Xã Tắc, tuần du và xuất chinh vệ quốc. Như vậy, Ngự Đạo cũng như tổng thể không gian Chính Điện Kính Thiên liên quan đến quốc thái dân an, quốc gia trường tồn, dân tộc vĩnh cửu và là tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng cung Thăng Long, tiêu biểu cho lịch sử và văn hiến của cả nước.
Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, phục dựng không gian Chính Điện Kính Thiên và tòa Chính Điện Kính Thiên, vì đó là nơi huyệt điểm "tàng phong tụ khí”, nơi thông Thiên đạt Ðịa giữa các Hoàng đế Ðại Việt thời xưa với Thiên đế để tạo ra một chỉnh thể thống nhất giữa Trời (Thiên) - Ðất (Ðịa) và Người (Nhân) khiến cho muôn vật giao hòa, vạn vật phát triển.
Cũng trong ngày 1/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng và Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã đi thực tế khu vực khảo cổ học. Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bày tỏ những ấn tượng với kết quả khảo cổ học khi phát hiện những dấu tích nguyên bản của khu di sản. Đó cũng là vấn đề mà UNESCO đã khuyến cáo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội trong các lần làm việc trước đó để làm rõ hơn các giá trị của khu di sản.