Báo Hòa Bình đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu với gia đình nhà thơ Đinh Đăng Lượng.
Bén duyên với thơ từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông bắt đầu gửi thơ cộng tác với Báo Hòa Bình. "Trận địa quê ta” là bài thơ đầu tiên của nhà thơ Đinh Đăng Lượng được đăng trên Báo Hòa Bình, số 978, ngày 6/12/1972. Mỗi khi có bài được đăng báo, ông đều ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ. Nhẹ nhàng lật từng trang giấy với những nét chữ nắn nót, ông tự hào giới thiệu về những đứa con tinh thần được đăng tải trên Báo Hòa Bình: Trai làng em lên đường (số 986, ngày 3/1/1973), Gặt sớm (số 1027, ngày 26/3/1973), Em vào xưởng máy (ngày 3/3/1973), Màu xanh em dệt (số 1116, ngày 16/4/1974), Đường cày trên ruộng bậc thang (số 1143, ngày 10/7/1974)… Từng cộng tác với không ít cơ quan báo chí của T.Ư và địa phương nhưng Báo Hòa Bình vẫn luôn có vị trí đặc biệt đối với ông.
Là một nhà thơ dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở nơi có nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hóa của người Việt cổ, là vùng đất của sử thi Đẻ đất - đẻ nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Bởi vậy mà tình yêu quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc Mường, con người Hòa Bình… là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của ông. Cũng chính vì thế mà đến nay, nhà thơ Đinh Đăng Lượng đã sáng tác rất nhiều bài thơ gắn bó máu thịt với quê hương, cội nguồn dân tộc. Nhiều người nói rằng, khi đọc những bài thơ của ông, họ như được sống trong không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng Mường, nghe nhà thơ kể về cội nguồn, văn hóa dân tộc mình… Tuy chưa từng được đào tạo chuyên sâu về văn học hay báo chí, truyền thông nhưng vốn có sẵn tài năng, tình yêu, đam mê, nhiệt huyết và không ngừng tự học, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng thông qua trải nghiệm thực tế. Cùng với đó, những tác phẩm được đăng ngày một nhiều đã giúp ông dần khẳng định được tên tuổi và là sự động viên, khích lệ tinh thần, động lực lớn để ông hết mình theo đuổi đam mê.
Không chỉ dừng lại ở các sáng tác thơ, ông còn thử sức ở nhiều thể loại như: Ký, tản văn với những hình ảnh gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày: dòng sông, con suối, bản làng, ngọn núi, phiên chợ, địa danh nổi tiếng… Trong số các tác phẩm thơ đã sáng tác, có không ít bài đã được phổ nhạc như: Cây chu đồng, Hồn chuông…
Nhà thơ Đinh Đăng Lượng nhận định: "Tồn tại đồng nghĩa với sáng tác. Nếu tôi không còn sáng tác có nghĩa là không còn nữa. Cái tâm, cái tầm của người cầm bút không cho phép tôi sáng tác ra những bài viết mờ nhạt mà phải là những tác phẩm có giá trị, để lại dấu ấn sâu sắc, ý nghĩa. Để làm được điều đó, tôi phải đi nhiều, viết nhiều, đọc nhiều, nghĩ nhiều và trải nghiệm nhiều. Tôi quan niệm phát huy là hình thức tự chăm sóc tốt nhất. Nếu còn đi bộ được thì phải đi bộ, nếu còn viết được thì phải viết… Sáng tác để rèn luyện tư duy, đầu óc luôn sáng suốt, minh mẫn và tập trung”.
Hơn nửa đời người gắn bó với thơ, ông đã đạt được nhiều giải thưởng, nổi bật như: Chùm thơ 3 bài đạt giải A của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Sơn Bình năm 1977; thơ Người ở đầu nguồn (NXB Hội Nhà văn, 2000) giành giải C của UBND tỉnh Hòa Bình năm 2001; thơ Bóng cây chu đồng (NXB Văn hóa dân tộc, 2005) đạt giải C của Hội VH-NT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2005; bài thơ Thủy điện - giải thưởng thơ của Báo Tiền Phong - Tổng Công ty Thủy điện Sông Đà năm 2005; thơ Hồn chiêng (NXB Hội Nhà văn, 2006), giải A của UBND tỉnh Hòa Bình năm 2006; thơ Cánh bông dàn mải miết (NXB Văn hóa dân tộc, 2009); thơ chọn lọc Bóng cây chu đồng (NXB Văn học, 2010); ký và tản văn Vùng đất phía đỉnh đầu (NXB Văn học, 2014) giải A của UBND tỉnh Hòa Bình năm 2016; thơ Hoa Pôông Trăăng (NXB Hội Nhà văn, 2016), giải C của Hội VH-NT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016; ký và tản văn Theo cánh ong bay (NXB Văn học, 2018).
Sáng tác thơ từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã, không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của nhà thơ Đinh Đăng Lượng. Đồng thời, ông còn là một độc giả thân thiết, cộng tác viên tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự đổi thay và phát triển không ngừng của Báo Hòa Bình.
Linh Nhật