(HBĐT) - Sau thời kỳ tái lập tỉnh (tháng 10/1991), trụ sở Báo Hòa Bình tại làng chuyên gia Sông Đà, thực sự là "ngôi nhà báo chí” của các nhà báo và cộng tác viên (CTV), thông tin viên (TTV) tâm huyết tỉnh nhà. Thời điểm đó, ngoài 4 nhà báo từ Báo Hà Sơn Bình "ngược núi” trở về xây dựng Báo Hòa Bình (gồm nhà báo Bùi Ỉnh, Trần Sĩ Thập và các cố nhà báo Bùi Tiến Thịnh, Lê Thưởng), số phóng viên còn quá ít ỏi thì các tin, bài, ảnh của CTV, TTV từ các huyện, thị trong tỉnh và các sở, ban, ngành gửi cho Báo thực sự quý giá.


Ban Biên tập Báo Hòa Bình và các cộng tác viên tâm huyết, gắn bó với Báo Hòa Bình năm 2022.

Đó là sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống. Thời Báo Hòa Bình những năm 60, 70 của thế kỷ XX, CTV, TTV ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn, gian khổ và bom đạn chiến tranh ác liệt để có những cộng tác hữu ích cho Báo Hòa Bình. Những bản tin nóng hổi không khí lao động và chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được chuyển tải lên mặt báo. Lúc đó, lực lượng cán bộ, phóng viên mỏng, điều kiện tác nghiệp thiếu thốn mới thấy những tin, ảnh của các "CTV thời chiến” thật cần thiết biết bao…

Thật xúc động khi chứng kiến mỗi sáng, mỗi chiều, không chỉ gửi qua bưu điện, nhiều CTV còn lọc cọc đạp xe vượt cầu phao bồng bềnh, vượt dốc cao đến tận tòa soạn để nộp tin, bài và trò chuyện, trao đổi, lĩnh hội các định hướng tuyên truyền, cách thức đưa tin, viết bài hiện đại từ các đồng chí trong Ban Biên tập và các nhà báo, phóng viên. Đặc biệt, nhiều CTV, TTV từng gắn bó với Báo Hòa Bình những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hay thời Báo Hà Sơn Bình đến nay vẫn cây bút, trang viết đồng hành cùng Báo Hòa Bình. Sau 1 - 2 năm tái lập, Báo Hòa Bình lần đầu tiên mở lớp bồi dưỡng CTV đã tạo điều kiện cho người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên cùng học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Những tác giả thời đó vẫn được Báo Hòa Bình nhắc đến như một sự tri ân, ghi nhận những cống hiến thầm lặng của người làm báo không chuyên trên mặt trận tư tưởng. Những tâm huyết, tấm lòng của CTV dành cho Báo Hòa Bình thật trọn vẹn, nghĩa tình. Các CTV, TTV không chỉ là cánh tay nối dài của tòa soạn mà thực sự là những người bạn đồng hành tin cậy, làm việc có trách nhiệm.

Cùng với tác phẩm mang hơi thở cuộc sống phản ánh tình hình phát triển KT-XH, AN-QP, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh..., những tác phẩm của các CTV còn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, địa phương, những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, gương "Người tốt - việc tốt”... Nhiều tác phẩm của CTV, TTV còn thể hiện sự phản biện, chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại từ cơ sở, cùng các giải pháp khắc phục phù hợp điều kiện thực tiễn. Nhiều CTV, TTV mang đến sự tươi mới của cảm xúc, lắng đọng, trữ tình của đất và người Hòa Bình qua các bài thơ, tản văn, truyện ngắn, chuyện đời thường trên các số báo Chủ nhật. Có CTV là "chuyên gia” nghiên cứu, học thuật và quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực: Văn hóa, báo chí, nông nghiệp, doanh nghiệp, du lịch, đầu tư, đô thị… Có nhiều nét mới trong lực lượng CTV, TTV so với trước đây, đó là ngoài các tác giả có bài viết "truyền thống” hiện có những CTV dịch thuật (tiếng Anh, tiếng Mường), CTV truyền hình điện tử...

Những năm qua, tiếp tục công tác chăm lo, xây dựng đội ngũ CTV ngày thêm đông đảo, Ban Biên tập Báo Hòa Bình đã duy trì tổ chức hội nghị CTV; mở nhiều cuộc thi viết với nhiều đề tài khác nhau để tạo "sân chơi” nghiệp vụ cho các CTV, TTV… Nhiều CTV đã trưởng thành và khẳng định được lực bút của mình trên các chuyên mục, chuyên trang của Báo. Không chỉ đóng góp bằng những tác phẩm báo chí cụ thể, nhiều CTV còn có "con mắt xanh” của người phê bình, người làm báo, đóng góp ý kiến về nhiều mặt để các trang báo, chuyên mục trên các ấn phẩm Báo Hòa Bình ngày càng hay, chất lượng về nội dung, đẹp, hấp dẫn hơn ở hình thức, giao diện. Có thể nói, mỗi thời điểm liên quan đến sự đổi mới của Báo Hòa Bình (tăng trang, tăng kỳ, mở thêm chuyên mục, phát triển trang thông tin điện tử, phát triển thành Báo điện tử…), các CTV đều nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt yêu cầu đề ra. Tới thời điểm này, Báo Hòa Bình có trên 200 CTV, TTV trong và ngoài tỉnh. Chính tâm huyết và sự đóng góp cụ thể, thiết thực của các CTV, TTV đã góp phần để Báo Hòa Bình ngày càng phát triển; số lượng phát hành, các chuyên mục và chất lượng ngày một nâng lên.

Kỷ niệm 60 năm ngày Báo Hòa Bình xuất bản số đầu (2/9/1962 - 2/9/2022), thật khó kể hết tên cùng những ân tình, nỗ lực, tâm huyết và đóng góp của các CTV, TTV trong hành trình miệt mài và bền bỉ đó. Nhìn lại, có người còn, người mất, có người chuyển địa bàn sinh sống, nhưng mãi còn đọng lại là biết bao tình cảm, trí tuệ, tâm huyết mà các thế hệ CTV, TTV dành cho Báo Hòa Bình. Họ là một phần không thể thiếu trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của Báo Hòa Bình 60 năm qua. Đó là sự lao động báo chí nghiêm túc, trách nhiệm và ngọn lửa đam mê công tác báo chí không bao giờ tắt. Sự cộng tác đó đã tô thắm truyền thống Báo Hòa Bình, góp phần để tỉnh Hòa Bình phát triển bền vững và ngày một đẹp giàu hơn.


Bùi Huy


Các tin khác


Làng gốm Bát Tràng - điểm du lịch hút khách

(HBĐT) - 4 lần đến với làng gốm sứ Bát Tràng vào 4 mùa xuân, hạ, thu, đông đều để lại trong tôi những ấn tượng khác biệt. Bởi đến với làng gốm sứ Bát Tràng, du khách không chỉ thăm quan chợ gốm, trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân, mà còn có dịp khám phá nhiều công trình kiến trúc từ cổ đến kim độc đáo, hấp dẫn, được đầu tư, tôn tạo, phát triển thành những sản phẩm du lịch.

Giá trị ngôn ngữ văn học của mo Mường

(HBĐT) - Một trong những giá trị văn học to lớn của mo Mường là giá trị ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một trong những vấn đề cơ bản nhất của mo Mường. Giống như viên gạch là đơn vị cấu thành nên những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ, ngôn ngữ là chất liệu cấu thành nên những tác phẩm văn học nói chung, trong đó có mo Mường nói riêng.

Nơi ghi dấu chiến công anh hùng Cù Chính Lan

(HBĐT) - Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Song tên tuổi, những chiến công hiển hách của anh lại gắn liền với tỉnh miền núi Hòa Bình. Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, anh Cù Chính Lan khi đó mới 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn, tình nguyện lên đường đánh giặc.

Trải nghiệm chợ đêm giao lưu văn hoá dân tộc Mông độc đáo

(HBĐT) - Nếu có dịp thăm quan, du lịch tại các điểm đến của huyện vùng cao Mai Châu, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm chợ đêm giao lưu văn hoá dân tộc Mông. Sản phẩm du lịch này vừa được đưa vào hoạt động, định kỳ họp từ 18 - 24h các tối thứ Bảy hằng tuần ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò.

Cuộc thi "Tiếng hát măng non" huyện Kim Bôi năm 2022

(HBĐT) - Hội đồng Đội huyện Kim vừa phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện tổ chức chung kết cuộc thi "Tiếng hát măng non” năm 2022 chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Kim Bôi lần thứ XXI và chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Chiến khu Thạch Yên ngày ấy - bây giờ

(HBĐT) - Là 1 trong 4 khu căn cứ cách mạng của tỉnh, chiến khu Thạch Yên (Cao Phong) đóng vai trò quan trọng cùng quân và dân tỉnh ta chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Phát huy truyền thống cách mạng, người dân xã Thạch Yên luôn đoàn kết, nỗ lực, khai thác tiềm năng, lợi thế xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục