>> Bài 1 - Từ thời tiền sử đến cột mốc 90 năm được định danh Văn hóa Hòa Bình
>> Bài 3 - Tiến hóa trong đời sống cư dân sơ kỳ thời đại đồ đá mới
Cán bộ Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á khai quật di tích mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn).
Năm 1965, tại hang Thẩm Khuyên, huyện Bình Gia (Lạng Sơn), các nhà khoa học tìm thấy những chiếc răng người nằm trong lớp trầm tích màu đỏ, chứa xương cốt của các loại động vật thời kỳ Cánh Tân. Những chiếc răng này vừa có đặc điểm của răng người vừa có đặc điểm của răng vượn. Những chiếc răng người - vượn này gần với răng người - vượn Bắc Kinh. Đây là chứng cứ chắc chắn về một sự tồn tại của người - vượn ở Việt Nam, cách đây 300.000 năm. Những chiếc răng và xương động vật lẫn lộn với nhau trong khai quật đã cho thấy rõ về những con hổ, báo, sao, lợn rừng, khỉ, nhím… đã sống chung với người vượn.
Năm 1984, ở hang Má Điều, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hoá), các nhà khảo cổ học phát hiện hơn 300 hiện vật thời đại đá cũ trong diện tích 4 m2. Từ năm 1986 - 1989 thu được hàng nghìn hiện vật đá, gồm công cụ kiểu Văn hoá Sơn Vi, bàn nghiền…, nhiều nhất là mảnh tước, với 4 công cụ bằng xương thú. Đặc biệt tại đây đã tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có 1 mộ song táng, 2 bộ xương chớm hoá thạch còn tương đối nguyên vẹn mà chưa nơi nào ở Việt Nam phát hiện được di cốt nguyên vẹn như thế trong văn hoá Sơn Vi.
Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cho biết: Hiện nay, các hiện vật thời kỳ đồ đá được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới và các tỉnh trong nước. Hầu hết các hang động có người cư trú đều phát hiện hiện vật của con người thời kỳ đồ đá. Tại di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn), năm 1980 thám sát thu được 108 hiện vật đá và một số xương động vật các loại. Đây là di tích Văn hoá Hoà Bình (VHHB) có tầng văn hoá dầy, hiện vật phong phú. Tháng 5/1981, Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thu được 1.150 hiện vật, bao gồm công cụ đá và xương, ốc vặn bị chặt đít và vỏ ốc núi, ốc sên. Ngoài công cụ đá còn có nhiều vỏ trai và xương răng động vật. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn thu nhặt được một số mảnh gốm ở lớp vỏ ốc bị xáo trộn trên mặt hang. Ngoài các hiện vật bằng đá, xương, sừng, gốm thu được khá nhiều tàn tích các vỏ nhuyễn thể, thực vật, mảnh vỏ trấu, hạt thóc và một số hạt gạo cháy dở nằm ở độ sâu từ 0 - 80 cm. Bên cạnh đó còn phát hiện ra lối đi cổ có niên đại hàng vạn năm cách ngày nay. Việc phát hiện ra lối đi cổ tại hang xóm Trại chứng tỏ hang vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân VHHB. Việc phát hiện được hạt gạo, vỏ trấu trong tầng văn hoá của hang xóm Trại có thể là một minh chứng vật chất về một nền nông nghiệp trồng lúa nước sơ khai ở thời VHHB.
Di tích mái đá làng Vành thuộc xóm Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) là hang ốc, bởi trong lòng hang có rất nhiều vỏ ốc. Kết quả khai quật của các nhà khoa học thu được 972 hiện vật. Bên cạnh công cụ ghè đẽo như rìu hình tam giác, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, rìu có vai mài lưỡi, rìu mài toàn thân, chày, bàn nghiền, hòn kê đập, vòng đá còn có di vật xương, sừng, nhuyễn thể, di vật gốm. Đồng thời, các loại hình di vật đá thu được ở trong di chỉ đã phản ánh một quá trình phát triển kỹ nghệ cuội ở Việt Nam. Ngoài ra, ở di tích này còn tìm thấy các mảnh của hộp sọ, vết than tro, các hòn đá bị nung chứng tỏ là bếp sinh hoạt và gần đó có mộ táng. Năm 1929, nhà khảo cổ học M.Colani phát hiện ở mái đá làng Vành có mảnh của 8 hộp sọ. Qua kết quả nghiên cứu khai quật và xác định các bon phóng xạ C14 cho thấy, di tích mái đá làng Vành thuộc nền VHHB, có khung niên đại kéo dài từ 17.000 - 8.000 năm cách ngày nay. Bà M.Colani xếp mái đá làng Vành vào giai đoạn trung gian của VHHB, là loại di tích khảo cổ học thời đại đá, thuộc loại di tích cư trú và mộ táng trong mái đá thuộc vùng sơn khối đá vôi. Với những giá trị lịch sử và khoa học quý, mái đá làng Vành đã được cấp bằng công nhận di tích khảo cổ quốc gia năm 2004. Từ năm 2005, lễ hội Khai hạ của người dân Yên Phú được phục dựng gắn với di tích mái đá làng Vành, tạo thành lễ hội xuống đồng tổ chức 3 năm 1 lần vào mồng 7 tháng Giêng hàng năm (theo lịch của người Mường).
Tháng 12/1984, Viện Khảo cổ và các nhà nghiên cứu khoa học của Liên Xô (cũ), phối hợp Sở Văn hoá - Thông tin Hà Sơn Bình tiến hành khai quật di chỉ hang Khoài với diện tích khoảng 25 m2 cho thấy: di tích hang Khoài thuộc xóm Sun, xã Xăm Khoè (Mai Châu) vừa là nơi cư trú, vừa là xưởng chế tác công cụ của cư dân VHHB, có khung niên đại khoảng từ 17.000 - 11.000 năm cách ngày nay. Ngoài những di vật thu được trong quá trình khai quật ở di chỉ hang Khoài còn có dấu tích bếp và mộ táng. Di chỉ hang Khoài được phát hiện và nghiên cứu góp phần tìm hiểu về mối quan hệ giữa văn hoá Tây Bắc của Hoà Bình với các địa phương khác trong khu vực phía Bắc, soi sáng về kỹ thuật chế tác công cụ, táng thức của cư dân Hoà Bình.
(Còn nữa)
Việt Lâm