Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội luôn thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến thăm quan.
Từng đoàn du khách đến với Hoàng thành, trong đó có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, du khách nước ngoài chăm chú lắng nghe, tìm hiểu về lịch sử dời đô của triều Lý, rồi sự phát triển của các triều đại xây dựng và bảo vệ non sông. Nơi đây cũng lưu giữ các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch của các vương triều xưa. Thế mới biết Hoàng thành Thăng Long được xác định là nơi ghi dấu lịch sử ngàn năm, hội tụ hồn thiêng sông núi, tinh hoa văn hóa dân tộc.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long có tổng diện tích 18,395 ha, bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Trong đó, Khu di tích thành cổ Hà Nội hiện còn 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc - Nam, gồm: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn. Bên cạnh đó còn có hệ thống tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67… Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu được khai quật từ tháng 12/2002, rộng 4,530 ha.
Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng di tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 31/7/2010, tại Brasilia, thủ đô Brazil, kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã biểu quyết thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Dành thời gian khá lâu tìm hiểu ở phòng trưng bày di tích các triều đại Lý, Trần, Lê… bạn Minh Tâm, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Em luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Chính vì vậy, đây là lần thứ hai em đến Hoàng thành Thăng Long với mong muốn được hiểu, khám phá nhiều hơn. Khi còn là học sinh phổ thông, qua những bài giảng của thầy cô, em được biết đến sự kiện dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010. Nhưng đến đây, được tận mắt thấy Chiếu dời đô, được đọc những dòng chữ "Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời, đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước…” đã giúp em càng hiểu hơn vì sao nói việc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La là một quyết định sáng suốt, mốc son lịch sử của Thăng Long - Hà Nội và của cả nước.
Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên và tìm hiểu thực tế tại khu di tích cũng như tìm hiểu qua tài liệu, sách báo được biết, toàn bộ khu di sản là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành - nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và lịch sử thăng trầm của kinh đô Thăng Long. Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn, nhưng những di tích và dấu tích còn nằm sâu trong lòng đất như: tượng rồng, phượng, chân cột, giếng cổ, gạch, phù điêu với hoa văn tinh xảo chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá, minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật cho rằng, những giá trị đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, dân tộc mà còn mang ý nghĩa và giá trị nổi bật toàn cầu. Bởi nơi đây đã diễn ra sự giao thoa các giá trị văn hoá của Phương Đông và thế giới; là trung tâm chính trị, văn hoá, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài từ đầu thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, đồng thời liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng, các giá trị biểu đạt văn hoá, nghệ thuật của quá trình hình thành, phát triển quốc gia độc lập trong gần một thiên niên kỷ.
Hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn loại hình di vật độc đáo được khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản vô cùng quý giá.
Ông Ngô Văn Hòa đến từ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: Thật bất ngờ khi đến thăm quan Hoàng thành Thăng Long, tôi không chỉ được biết các tầng văn hoá khảo cổ thành Đại La, tầng văn hoá thời Lý, thời Trần… mà còn được thăm quan Nhà D67. Chính nơi này, Bộ Chính trị và Quân uỷ T.Ư đã đưa ra những quyết định lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam, đó là: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968; cuộc chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972 với chiến thắng Điện Biên Phủ trên không; Tổng tiến công năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, giúp non sông liền một dải.
Từ những giá trị của lịch sử, văn hóa, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước, quốc tế.
Thu Hiền