(HBĐT) - Là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mông, lễ hội Gầu Tào diễn ra vào những ngày đầu trong Tết của người Mông. Hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) tổ chức lễ hội nhằm cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khoẻ, thịnh vượng, hạnh phúc; ban cho người dân năm mới mùa màng bội thu, gia cầm, gia súc đầy chuồng, trồng trọt, chăn nuôi phát triển.
Du khách và người dân chơi ném pao trong lễ hội Gầu Tào 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) năm 2023.
Năm 2023, lễ hội được tổ chức quy mô lớn hơn trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng xuân Quý Mão. Thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, đông đảo người dân và du khách từ các vùng miền trong cả nước, du khách quốc tế đã đến lễ hội. Chọn sân vận động xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò là địa điểm, lễ hội được mở đầu với những nghi thức trước sự chứng kiến của hơn 6.000 người dân và du khách. Việc chọn thầy mo uy tín, cây nêu, cành đào và lễ vật cúng tế được chuẩn bị kỹ càng. Khi các thủ tục hoàn tất là lúc thầy mo và những người tham gia trong đội nghi lễ đọc bài khấn để mời gọi thần linh. Kết thúc phần lễ, những con gà dâng cúng thần linh được hạ xuống chia lộc cho mọi người.
Theo đồng chí Sùng A Chua, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Gầu Tào năm 2023, việc tổ chức lễ hội đáp ứng nguyện vọng và đời sống tâm linh của người dân, nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, con người, lịch sử, văn hoá vùng cao, thúc đẩy phát triển du lịch. Đối với lễ hội này, nghi lễ quan trọng nhất là dựng cây nêu. Cây nêu được dựng trên bãi đất rộng, bằng phẳng thể hiện sự vững chãi, tâm điểm và cũng chính là biểu tượng cây thiêng nối trời với đất. Ở phần lễ cúng, các thầy chủ tế lễ thắp hương và cúng xung quanh cây nêu cầu xin thần linh phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hoà, mọi người, mọi nhà ăn nên làm ra…
Đặc biệt, lễ hội năm nay thu hút du khách bởi phần hội kéo dài 3 ngày với nhiều hoạt động. Ngay sau tiếng trống khai hội, các chàng trai, cô gái người Mông và du khách bốn phương rộn rã vào hội trong điệu khèn Mông mời gọi, nhịp xoè nối vòng tay đoàn kết. Các trò chơi dân gian độc đáo, hoạt động trải nghiệm lôi cuốn du khách tham gia. Chị Susanne, du khách đến từ CHLB Đức chia sẻ: Chúng tôi cảm thấy không khí của lễ hội Gầu Tào thật tuyệt vời, mọi người cùng chung vui, tham gia các trò chơi thú vị. Đây là chuyến đi mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm khó quên về vùng đất, con người, bản sắc văn hoá dân tộc Mông ở huyện Mai Châu.
Còn được gọi là lễ hội "đi chơi núi”, lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để mỗi người con bản Mông đi làm ăn, công tác xa trở về với gia đình, bản làng, là dịp tụ họp vui chơi, đón năm mới và vụ sản xuất mới. Đến với lễ hội, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc dân tộc do các chàng trai, cô gái Mông biểu diễn; tham gia các trò chơi ném còn, đánh cù, đi cà kheo… Đây còn là dịp để các chàng trai Mông khoe tài năng múa khèn, vừa thổi khèn vừa kết hợp các động tác như đá chân, lộn, quay tròn. Vui hội Gầu Tào, du khách nhớ ghé các gian hàng ẩm thực của người Mông, thăm quan, mua sắm. Bánh dày và thắng cố là những món ngon nổi tiếng, đặc trưng của đồng bào Mông mà du khách không thể không tấm tắc, xuýt xoa khi thưởng thức. Theo phong tục, lễ hội Gầu Tào được 2 xã Pà Cò, Hang Kia tổ chức 3 ngày cho đến khi làm lễ hạ cây nêu. Mỗi lần tổ chức, lễ hội thu hút hàng vạn du khách khám phá, trải nghiệm nét văn hoá và hoà vào không khí đón năm mới tưng bừng.
Bùi Minh
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố nhạc sĩ Trọng Loan (Nguyễn Trọng Loan), Nhà xuất bản Quân đội vừa hoàn thành và ra mắt cuốn sách "Đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan - Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc”.
(HBĐT) - "Tôi muốn tạo dựng cho các bạn nhỏ một không gian lành mạnh để đọc sách, chia sẻ, tương tác với nhau. Tôi cũng gửi gắm cả mong ước từ không gian này không chỉ hình thành thói quen đọc sách mà còn xây dựng cho các bạn nhỏ suy nghĩ nghiêm cẩn về việc đọc sách.
Tại Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2023, Anh và Ba Lan sẽ là các đội cuối cùng thể hiện màn trình diễn của mình, trong số 8 đội tham dự năm nay. Trên trận địa pháo hoa ven sông Hàn, các thành viên hai đội đang tích cực chuẩn bị, lên kế hoạch cho màn tranh tài vào tối 24/6.
(HBĐT) - Ngày 21/6, Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT&TT, Liên đoàn Lao động huyện Tân Lạc phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu - tọa đàm về chủ đề "Gia đình trẻ thời kỳ công nghệ số” nhân kỷ niệm 22 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.
(HBĐT) - Năm 2022, cùng với Tri thức dân gian Lịch tre, Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đón bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tạo dấu mốc sự kiện văn hoá đặc biệt của tỉnh. Dịp xuân Quý Mão 2023, LHKH cấp tỉnh lần đầu tổ chức với sự hội tụ của 4 Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, qua đó bồi đắp niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Mường Hoà Bình, thu hút Nhân dân và hàng vạn du khách thập phương về dự hội.
(HBĐT) - Tối 20/6, tại Cung Văn hoá tỉnh Hoà Bình, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức khai mạc đợt 2 Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2023.